✴️ Phân loại và chức năng của bạch cầu

Phân loại và chức năng

Bạch cầu gồm có 3 loại chính: bạch cầu hạt, tế bào lympho và bạch cầu đơn nhân.  

Bạch cầu hạt

Bạch cầu hạt là các tế bào bạch cầu có các hạt nhỏ chứa protein. Có ba loại tế bào bạch cầu hạt:

  • Bạch cầu ái kiềm: Chúng chiếm ít hơn 1% tế bào bạch cầu trong cơ thể và thường xuất hiện với số lượng tăng sau một phản ứng dị ứng.
  • Bạch cầu ái toan: Đây là bạch cầu chịu trách nhiệm đáp ứng với nhiễm trùng mà ký sinh trùng gây ra. Chúng cũng đóng một vai trò trong phản ứng miễn dịch nói chung, cũng như phản ứng viêm trong cơ thể.
  • Bạch cầu trung tính: Chúng đại diện cho phần lớn các tế bào bạch cầu trong cơ thể. Chúng hoạt động như những “lao công thu gom rác”, giúp bao quanh và tiêu diệt vi khuẩn và nấm có thể có trong cơ thể.

Tế bào lympho

Những tế bào bạch cầu này bao gồm:

  • Tế bào B: Còn được gọi là tế bào lympho B, các tế bào này tạo ra các kháng thể để giúp hệ thống miễn dịch gắn kết với phản ứng với nhiễm trùng.
  • Tế bào T: Còn được gọi là tế bào lympho T, những tế bào bạch cầu này giúp nhận biết và loại bỏ các tế bào gây nhiễm trùng.
  • Các tế bào giết tự nhiên: Những tế bào này chịu trách nhiệm tấn công và tiêu diệt các tế bào virus, cũng như các tế bào ung thư.

Bạch cầu đơn nhân

Bạch cầu đơn nhân chiếm khoảng 2 - 8% tổng số tế bào bạch cầu trong cơ thể. Chúng có mặt khi cơ thể chống lại nhiễm trùng mãn tính. Các bạch cầu đơn nhân nhắm mục tiêu và phá hủy các tế bào gây nhiễm trùng.

  chức năng của bạch cầu

Mức độ bình thường của bạch cầu

Theo một bài báo trên American Family Physician, phạm vi bình thường (tính trên một milimét khối) của các tế bào bạch cầu dựa trên tuổi là:

 

Tuổi

Mức độ bình thường/ mm3

Trẻ sơ sinh

13000 - 38000

Trẻ được 2 tuần tuổi

5000 - 20000

Người trưởng thành

4500 – 11000

 

Số lượng bạch cầu trong máu của thai phụ vào thời kì tam cá nguyệt thứ 3 dao động trong khoảng từ 5800 – 13200/mm3

Số lượng bạch cầu cao

Số lượng bạch cầu cao có thể do các tình trạng sau đây:

  • Phản ứng dị ứng chẳng hạn như do cơn hen;
  • Những nguyên nhân có thể khiến tế bào chết như bỏng, đau tim và chấn thương;
  • Tình trạng viêm như viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm ruột hoặc viêm mạch máu;
  • Nhiễm vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc ký sinh trùng;
  • Bệnh bạch cầu;
  • Các thủ thuật, phẫu thuật khiến tế bào chết cũng có thể gây ra số lượng bạch cầu cao.

Số lượng bạch cầu thấp do đâu?

Các tình trạng có thể gây giảm bạch cầu bao gồm:

  • Điều kiện tự miễn dịch như lupusHIV
  • Tổn thương tủy xương, chẳng hạn như từ hóa trị liệu, xạ trị hoặc tiếp xúc với độc tố.
  • Rối loạn tủy xương;
  • Bệnh bạch cầu;
  • Ung thư hạch;
  • Nhiễm trùng huyết;
  • Thiếu vitamin B-12.

Bác sĩ có thể liên tục theo dõi các tế bào bạch cầu để xác định xem cơ thể có đang đáp ứng miễn dịch với nhiễm trùng hay không.

Xét nghiệm bạch cầu

Khi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu các chỉ số bạch cầu (WBC) nhằm kiểm tra hoặc loại trừ các tình trạng khác có thể ảnh hưởng đến các tế bào bạch cầu. Mặc dù mẫu máu là phương pháp phổ biến nhất để kiểm tra các tế bào bạch cầu, tuy nhiên cũng có thể kiểm tra các chất dịch cơ thể khác chẳng hạn như dịch não tủy cũng có sự hiện diện của các tế bào bạch cầu.

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm bạch cầu (WBC) trong các trường hợp như:

  • Kiểm tra dị ứng;
  • Xét nghiệm nhiễm trùng;
  • Xét nghiệm bệnh bạch cầu;
  • Theo dõi sự tiến triển của một số tình trạng bệnh lý;
  • Theo dõi hiệu quả của một số phương pháp điều trị như cấy ghép tủy xương.

Các tình trạng ảnh hưởng đến các chỉ số tế bào bạch cầu

Sau đây là những tình trạng có thể ảnh hưởng đến số lượng tế bào bạch cầu trong cơ thể.

Thiếu máu bất sản: Là tình trạng trong đó cơ thể bị phá hủy các tế bào gốc trong tủy xương. Tế bào gốc chịu trách nhiệm tạo ra các tế bào bạch cầu, tế bào hồng cầu và tiểu cầu mới.

Hội chứng Evans: Đây là một tình trạng tự miễn dịch trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể phá hủy các tế bào khỏe mạnh, bao gồm cả các tế bào hồng cầu và bạch cầu.

HIV: HIV có thể làm giảm lượng tế bào bạch cầu gọi là tế bào T CD4. Khi số lượng tế bào T của một người giảm xuống dưới 200, bác sĩ có thể chẩn đoán AIDS.

Bệnh bạch cầu: Bệnh bạch cầu là ung thư ảnh hưởng đến máu và tủy xương. Bệnh bạch cầu xảy ra khi các tế bào bạch cầu được sản xuất một cách nhanh chóng nhưng không thể chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng.

Xơ hóa tủy xương sơ khởi: Bệnh xảy ra khi tế bào xương sinh ra quá nhiều tế bào máu phát triển và hoạt động bất thường gây mô sẹo xơ hóa do đột biến gen trong tế bào gốc phá hủy khả năng sinh ra tế bào máu bình thường của cơ thể. Từ đó làm người bệnh bị thiếu máu trầm trọng, suy nhược, mệt mỏi.

Biện pháp tăng hoặc giảm số lượng bạch cầu

Việc có cần điều chỉnh số lượng bạch cầu trong máu hay không sẽ phụ thuộc vào chẩn đoán. Nếu có một tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến số lượng tế bào bạch cầu trong cơ thể, bác sĩ sẽ tư vấn thêm cho bệnh nhân về các mục tiêu điều trị đối với từng phương pháp và kế hoạch điều trị.

Có thể hạ thấp số lượng bạch cầu bằng cách dùng các loại thuốc như hydroxyurea hoặc gạn bạch cầu - là một thủ tục sử dụng dùng các thiết bị, máy móc để lọc bớt bạch cầu trong máu.

Nếu số lượng bạch cầu thấp do điều trị ung thư như hóa trị liệu, bác sĩ có thể khuyên nên tránh các hoạt động có nguy cơ gây tổn thương hoặc khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Điều này có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.

Một người cũng có thể có các yếu tố kích thích khuẩn lạc –[ Colony-stimulating factors (CSFs) ] có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và tăng số lượng tế bào bạch cầu trong cơ thể.

Tóm lược

Các tế bào bạch cầu là một phần quan trọng trong phản ứng của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Có nhiều loại bạch cầu khác nhau, và mỗi loại có một chức năng cụ thể trong cơ thể.

Một số tình trạng có thể ảnh hưởng đến số lượng tế bào bạch cầu trong cơ thể, dẫn đến việc chỉ số các dòng bạch cầu quá cao hoặc quá thấp. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng thuốc để kiểm soát số lượng bạch cầu phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top