✴️ Nhiễm trùng huyết

Nhiễm trùng huyết là tình trạng phản ứng nặng nề của cơ thể đối với nhiễm trùng.

Khi xảy ra nhiễm trùng huyết, hệ miễn dịch để bảo vệ cơ thể khỏi các vi trùng, sẽ tiết ra rất nhiều chất vào máu. Quá trình này có thể bắt đầu diễn ra ở bất kì vị trí nào mà vi trùng, ký sinh trùng, nấm, hay virus xâm nhập vào cơ thể, kể cả những vật nhỏ như mẩu da nhỏ ở chân móng.

Nhiễm trùng xương cũng có thể gây ra nhiễm trùng huyết. Ở những bệnh nhân đang nằm viện thì các vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua đường truyền tĩnh mạch, các vết thương sau phẫu thuật, ống thông tiểu và các vết loét do nằm lâu.

Nhiễm trùng huyết thường gặp ở những người:

Có hệ miễn dịch suy giảm như HIV, ung thư hoặc đang sử dụng thuốc như steroids hoặc những thuốc ngừa tình trạng thải ghép ở những người ghép tạng;

  • Có thai;
  • Trẻ sơ sinh;
  • Lớn tuổi, đặc biệt là khi có những bệnh lý nền đi kèm;
  • Vừa nằm viện trong thời gian qua hoặc vừa trải qua phẫu thuật lớn;
  • Sử dụng catheter hoặc ống thở;
  • Đái tháo đường;
  • Có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như viêm ruột thừa, viêm phổi, viêm màng não, xơ gan, hoặc nhiễm trùng tiểu.

Triệu chứng

Do nhiễm trùng huyết có thể xuất phát từ nhiều vị trí trên cơ thể nên nó có rất nhiều triệu chứng khác nhau. Dấu hiệu đầu tiên là thở nhanh và lú lẩn. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Sốt và lạnh run;
  • Nhiệt độ cơ thể hạ rất thấp;
  • Ít tiểu hơn bình thường;
  • Nhịp tim nhanh;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Tiêu chảy;
  • Mệt mỏi, kiệt sức;
  • Da nổi đốm hay đổi màu;
  • Chảy mồ hôi hoặc da ẩm ướt;
  • Đau nhiều.

triệu chứng

Chẩn đoán

Nhiều kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng có thể được thực hiện để tìm những dấu hiệu như:

  • Vi khuẩn ở trong máu hoặc các chất dịch khác của cơ thể;
  • Dấu hiệu của nhiễm trùng trên phim X quang, CT, hoặc siêu âm;
  • Số lượng bạch cầu tăng cao hoặc giảm;
  • Số lượng tiểu cầu giảm thấp;
  • Huyết áp thấp;
  • Máu nhiễm toan quá nhiều;
  • Thiếu oxy máu;
  • Rối loạn đông cầm máu;
  • Rối loạn điện giải;
  • Các vấn đề gan, thận.

Điều trị

Bệnh nhân sẽ được điều trị tại khoa hồi sức tích cực (ICU). Mục tiêu của điều trị là làm ngưng tình trạng nhiễm trùng, giữ cho các cơ quan hoạt động bình thường và kiểm soát huyết áp. Dịch truyền tĩnh mạch và cung cấp thêm oxy cũng có thể có ích trong tình trạng này.

Kháng sinh phổ rộng có khả năng chống lại sự nhiễm trùng trong giai đoạn sớm. Một khi đã tìm được nguyên nhân gây ra nhiễm trùng huyết thì có thể điều trị bằng những thuốc đặc hiệu cho vi khuẩn đó. Thường thì các loại thuốc co mạch cũng sẽ được sử dụng để cải thiện huyết áp. Corticosteroids cũng có thể được dùng để làm giảm viêm, insulin cũng được dùng để kiểm soát đường huyết.

Nếu như nhiễm trùng huyết ở mức độ nặng thì các biện pháp điều trị khác cũng sẽ được sử dụng như: máy thở hoặc chạy thận. Phẫu thuật cũng có thể được thực hiện để lấy dịch hoặc làm sạch nhiễm trùng.

Biến chứng

Khi nhiễm trùng huyết nặng hơn, nó có thể gây ra thêm nhiều vấn đề nữa, như:

  • Suy thận;
  • Hoại tử mô ở ngón tay và ngón chân, có thể dẫn đến đoạn chi;
  • Tổn thương ở phổi, não hoặc tim;
  • Nguy cơ cao bị nhiễm trùng theo thời gian.

Nhiễm trùng huyết có thể gây tử vong trong 25 - 40% các trường hợp.

Phòng ngừa

Phòng ngừa nhiễm trùng là cách đề phòng nhiễm trùng huyết tốt nhất. Hãy thực hiện các việc sau:

  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước, ít nhất 20 giây mỗi lần.
  • Chủng ngừa đầy đủ và cập nhật thường xuyên đối với các loại vaccine ngừa cúm và thủy đậu.
  • Kiểm soát tốt các bệnh mãn tính.
  • Nếu như có vết thương làm tổn thương da thì nên làm sạch chúng càng sớm càng tốt. Giữ vết thương sạch và che chắn cẩn thận trong quá trình phục hồi, và phải thường theo dõi để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Phải điều trị ngay khi có bất kỳ loại nhiễm trùng nào. Đến các cơ sở y tế ngay khi tình trạng không cải thiện hoặc đang có xu hướng xấu đi. 

Xem thêm: Xét nghiệm mới có thể giúp điều trị nhiễm trùng huyết tốt hơn

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top