Trái cam và bệnh đái tháo đường

Nhìn chung, các loại trái cây tươi, theo mùa thường được coi là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh, kể cả với người bệnh đái tháo đường. Trên thực tế, các loại trái cây (bao gồm cả cam) đều chứa nhiều chất chống oxy hóa, các vitamin và các dưỡng chất khác cần thiết cho các hoạt động chức năng của cơ thể. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh bạn nên ăn đủ các loại rau củ, trái cây nhiều màu sắc để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể.

Tuy nhiên, nếu mắc bệnh đái tháo đường, bạn sẽ cần thận trọng hơn một chút với những thực phẩm mình ăn hàng ngày, kể cả các loại trái cây. Theo đó, một số loại trái cây có hàm lượng đường, hay chỉ số chuyển hóa đường huyết (chỉ số GI) cao như dưa được đánh giá là không tốt cho người bệnh đái tháo đường.

Mặt khác, các loại trái cây như ổi, cà chua và cả cam cũng có thể giúp làm giảm lượng đường huyết, có lợi cho người bệnh đái tháo đường.

Lợi ích của cam cho người bệnh đái tháo đường

Có chỉ số GI thấp

Chỉ số GI của cam tươi chỉ nằm trong khoảng 40 - 43. Chỉ số GI là chỉ số phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết sau khi ăn một thực phẩm. Thực phẩm có chỉ số GI thấp (≤ 55) sẽ được cơ thể tiêu hóa, hấp thụ và chuyển hóa chậm hơn, từ đó chỉ khiến đường huyết chỉ tăng lên dần dần.

Do đó, người bệnh đái tháo đường vẫn thường được khuyên nên chọn các thực phẩm có chỉ số GI thấp như cam để không làm tăng nhanh đường huyết sau ăn, từ đó kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Cam là nguồn thực phẩm cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể

Trên thực tế, có nhiều người bệnh đái tháo đường vì sợ hoa quả ngọt, không dám ăn dẫn tới tình trạng thiếu chất dinh dưỡng, suy nhược cơ thể.

Khi mắc đái tháo đường, bạn không cần phải cắt bỏ hoàn toàn thực phẩm nào mà chỉ cần chú ý ăn đúng cách, ăn ở lượng vừa phải để có thể kiểm soát đường huyết mà không khiến cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Hiệp hội Đái tháo đường (Mỹ) đã liệt kê các loại trái cây họ cam quýt vào danh sách các “siêu” thực phẩm cho người bệnh đái tháo đường. Nguyên nhân là bởi các loại trái cây này, đặc biệt là cam có chứa nhiều chất xơ, vitamin C, folate, kali và các dưỡng chất quan trọng khác.

Cơ thể thường mất nhiều thời gian để phân hủy và tiêu hóa chất xơ. Điều này có nghĩa là ăn các thực phẩm giàu chất xơ như cam sẽ giúp bạn giải phóng đường vào máu một cách chậm rãi hơn, từ đó giữ đường huyết trong mức ổn định trong một khoảng thời gian dài.

Cam giúp phòng ngừa biến chứng đái tháo đường

Cam có chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin C giúp tăng cường miễn dịch. Chưa kể, các chất chống oxy hóa trong cam còn có thể giúp bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương do các gốc tự do, từ đó giúp phòng ngừa biến chứng đái tháo đường trên tim, mắt, thận, thần kinh…

 

Người bệnh đái tháo đường nên ăn cam thế nào mới tốt?

Cam là thực phẩm có chỉ số GI thấp, nhưng người bệnh đái tháo đường vẫn nên chú ý ăn cam nguyên quả, hạn chế uống nước ép cam. Nguyên nhân là bởi việc ép cam thành nước sẽ làm mất đi chất xơ, từ đó khiến đường huyết tăng cao nhanh chóng hơn.

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Diabetes Care (Mỹ) cho thấy, ăn các loại trái cây họ cam quýt có thể làm giảm nguy cơ mắc đái tháo đường cho phụ nữ, nhưng uống nước ép trái cây lại có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực tới lượng đường huyết của họ. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng chỉ số GI của nước ép cam là 50, cao hơn so với chỉ số GI của cam.

Với cam nguyên quả, người bệnh đái tháo đường cũng nên chú ý chọn ăn các quả nhỏ. Một quả cam trung bình chứa khoảng 15gr carbohydrate, trong khi một quả cam lớn có thể chứa tới 30gr carbohydrate.

Bạn cũng nên ăn cam tươi cùng sữa chua, các loại hạt trong các bữa phụ, hoặc ăn một quả cam nhỏ như món tráng miệng trong các bữa ăn chính để tránh làm đường huyết tăng cao nhanh chóng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top