✴️ Nhiễm độc thai nghén: Tổng quan và biện pháp phòng ngừa

Nhiễm độc thai nghén là gì?

Ốm nghén là dấu hiệu chính báo hiệu phụ nữ đang mang thai và hầu như mẹ bầu nào cũng phải trải qua thời kỳ ốm nghén đầy khó chịu và mệt mỏi trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ với các triệu chứng như buồn nôn, khó thở, chán ăn…

Khi các triệu chứng này trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt thường ngày, sức khỏe của mẹ và em bé thì người ta gọi là nhiễm độc thai nghén. 

Nhiễm độc thai nghén là bệnh lý thường xảy ra vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ. Đây là tình trạng rối loạn co thắt mạch máu khiến tăng áp lực lên các cơ quan nội tạng và ngoại biên như thận, gan, tử cung… Nhiễm độc thai nghén làm biến đổi và gây tổn thương hệ mạch máu, ảnh hưởng đến nhanh thai và gây nguy hiểm trong quá trình sinh em bé.

Triệu chứng của nhiễm độc thai nghén

Tùy vào từng thời điểm bị bệnh mà nhiễm độc thai nghén có những triệu chứng khác nhau.

Triệu chứng nhiễm độc thai nghén 3 tháng đầu:

Với trường hợp nhiễm độc thai nghén nhẹ sẽ có triệu chứng như ốm nghén. Mẹ bầu luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, cơ thể gầy, xanh xao… Tình trạng này thường xuất hiện khi thai được 1 tháng và sẽ kéo dài khoảng 3 tháng. Sau đó, những triệu chứng này sẽ giảm dần và biến mất.

3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu bị nhiễm độc thai nghén sẽ nôn mửa nhiều lần

Với trường hợp nhiễm độc thai nghén nặng, mẹ sẽ có các triệu chứng như nhiễm độc thai nghén nhẹ nhưng chúng xảy ra sớm hơn. Dần dần, các triệu chứng này trở nên nặng hơn, nhất là hiện tượng nôn mửa. Mẹ bầu mất cảm giác ngon miệng, không ăn được gì và khi ăn vào thì sẽ nôn ra hết nên giai đoạn này mẹ thường giảm cân và gầy yếu. Sức khỏe của mẹ kém sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

Triệu chứng nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối

Ở giai đoạn này, các triệu chứng rõ ràng hơn, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể hơn.

Phù chân: Những tháng cuối thai kỳ, chân mẹ phù rất to. Mẹ hãy thử nhấn mạnh vào mắt cá chân và thấy lõm ở vị trí đó thì đây là dấu hiệu của hiện tượng phù chân. Với những trường hợp nặng, mẹ bầu có thể bị phù ở cả mặt và hai tay. Nếu mẹ nằm nghỉ ngơi và gác chân cao mà tình trạng này vẫn không hết thì hãy đi khám ngay.

Protein niệu: Trường hợp mẹ bầu xét nghiệm nước tiểu cho kết quả protein niệu cao hơn 0,3g/l thì đây có thể là biểu hiện của nhiễm độc thai nghén.

Tăng huyết áp: Khi bị nhiễm độc thai nghén, huyết áp của mẹ bầu thường tăng cao. Nếu huyết áp trên 140/90 mmHg thì mẹ nên được điều trị và theo dõi để hạn chế biến chứng xấu có thể xảy ra.

Nguyên nhân gây nhiễm độc thai nghén

Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định được nguyên nhân chính gây nhiễm độc thai nghén. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng tình trạng này gồm:

  • Tuổi tác: Thông thường, những mẹ bầu trẻ tuổi, mang thai lần đầu dễ bị nhiễm độc thai nghén
  • Mẹ bầu thường xuyên làm việc mệt mỏi, quá sức
  • Khi mang thai, mẹ ăn đồ ăn lạ, dễ gây dị ứng
  • Thời tiết lạnh, giai đoạn chuyển mùa cũng khiến cơ thể mẹ dễ bị nhiễm độc thai nghén hơn
  • Mẹ bầu mắc các bệnh nội khoa như viêm thận mãn tính, viêm loét dạ dày…

Biến chứng nguy hiểm của nhiễm độc thai nghén

Nhiễm độc thai nghén là tình trạng nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm.

  • Tiền sản giật: Nhiễm độc thai nghén có thể dẫn đến tiền sản giật với các triệu chứng như: choáng váng, buồn nôn, mắt mờ, protein trong nước tiểu tăng đến 0,5g/l, tình trạng phù nề nặng hơn…

Nhiễm độc thai nghén có thể gây tăng huyết áp, tiền sản giật

  • Sản giật: Biến chứng này thường xảy ra ở giai đoạn cuối thai kỳ, trong quá trình chuyển dạ và sau khi sinh. Sản phụ có thể bị giật, hôn mê, tăng huyết áp và protein niệu…

Tác hại của nhiễm độc thai nghén

Nhiễm độc thai nghén là tình trạng nguy hiểm, ảnh hưởng đến cả mẹ bầu và thai nhi:

  • Đối với thai nhi: Nhiễm độc thai nghén ảnh hưởng trực tiếp đến sự cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi. Từ đó, thai nhi dễ bị nhẹ cân, thậm chí nếu không đủ dinh dưỡng có thể khiến thai nhi chết lưu, sảy thai.
  • Đối với mẹ bầu: Nhiễm độc thai nghén nặng có thể khiến mẹ bị hôn mê, co giật, khó thở. Thậm chí, nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến tử vong.

Phương pháp điều trị nhiễm độc thai nghén

Nhiễm độc thai nghén là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của mẹ và thai nhi nên cần được phát hiện và điều trị sớm. Tùy vào thời điểm xuất hiện cũng như tình trạng bệnh sẽ có biện pháp điều trị phù hợp.

Trường hợp nhiễm độc thai nghén trong 3 tháng đầu thai kỳ

Nếu mẹ bầu bị nôn nhẹ thì mẹ chỉ cần nằm nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh, sạch sẽ và không có mùi thức ăn. Mẹ nên ăn nguội vì chúng ít gây kích thích nôn.

Nếu mẹ bầu bị nôn nặng thì trước tiên phải ổn định tinh thần trước, mẹ nên giữ tâm lý thoải mái, đừng lo lắng quá. Mẹ cũng nên tham khảo bác sĩ về chế độ ăn phù hợp. Cùng với đó, bác sĩ sẽ kê cho mẹ một số thuốc chống nôn, thuốc chống mất nước…

Trường hợp nhiễm độc thai nghén trong 3 tháng cuối thai kỳ

Điều trị nhiễm độc thai nghén theo từng vấn đề sức khỏe:

  • Huyết áp: Cần khống chế để không để tăng hoặc hạ thấp quá.
  • Với protein niệu: Mẹ bầu nên dùng kháng sinh nhóm beta lactam để chống viêm cầu thận.
  • Với tình trạng phù nề: Mẹ nên điều trị theo từng nguyên nhân. Nếu ứ Natri ở máu thì cần hạn chế việc nạp Natri clorua vào cơ thể. Nếu protid máu giảm thì cần nâng cao áp lực keo trong lòng mạch bằng cách truyền đạm.

Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên bổ sung thêm các vi lượng như acid folic, Magie B6… để đảm bảo đủ chất cho thai nhi phát triển bình thường.

Nếu nhiễm độc thai nghén trong quá trình chuyển dạ thì cần thực hiện các biện pháp nội khoa và sản khoa phù hợp nhất để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Mẹ bầu nên nằm nghiêng trái để giúp máu lưu thông tới thai nhi tốt hơn

Lưu ý dành cho mẹ bầu bị nhiễm độc thai nghén

Nếu mẹ đang gặp phải tình trạng nhiễm độc thai nghén, hãy lưu ý một vài điều dưới đây để có thể làm giảm thiểu tình trạng này, đảm bảo cả mẹ và thai nhi đều khỏe mạnh cho đến khi em bé chào đời:

  • Hạn chế nằm ngửa, tốt nhất mẹ nên nằm nghiêng trái để giúp tăng tuần hoàn máu, cung cấp đủ máu cho nhu cầu của thai nhi
  • Khẩu phần ăn hằng ngày cần giảm bớt lượng muối
  • Uống đủ nước, mỗi ngày cần uống khoảng 2 lít nước
  • Nên đi khám thai định kỳ thường xuyên, đầy đủ 
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cần cân bằng giữa các nhóm chất
  • Nếu từng có tiền sử nhiễm độc thai nghén thì nên thông báo cho bác sĩ để đưa ra phương pháp hỗ trợ kịp thời

Biện pháp phòng ngừa nhiễm độc thai nghén

Hiện nay, chưa thể xác định rõ nguyên nhân gây nhiễm độc thai nghén và cũng không có thuốc đặc trị tình trạng này nên cách tốt nhất là phòng ngừa để ngăn chặn bệnh có thể xảy ra.

Mẹ hãy áp dụng những biện pháp dưới đây:

  • Nếu mắc phải các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh thận…, chị em nên điều trị trước khi có ý định mang bầu để ngăn ngừa các biến chứng không may xảy ra
  • Nên khám tiền sản trước khi có ý định mang thai
  • Khi có thai cần ăn uống đủ chất, bổ sung đầy đủ các nhóm chất như đạm, vitamin, chất vi lượng, uống bổ sung axit folic, viên sắt…
  • Trong giai đoạn đầu mang thai, mẹ cần đi khám thai định kỳ để phát hiện sớm các bất thường của thai nghén.

Xem thêm: Đái tháo đường thai kỳ

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top