Thuốc thuộc nhóm thuốc độc bảng A nên dùng liều nhỏ và theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để tránh quá liều và tăng độc tính của thuốc.
Tác dụng và cơ chế của digoxin
Trên tim: Đây là tác dụng chủ yếu, các glycosid làm thời gian tâm thu ngắn và mạnh, tâm trương dài ra, nhịp chậm lại nên tim được nghỉ nhiều hơn, máu từ nhĩ vào thất ở thời kỳ tâm trương nhiều hơn, cung lượng tim tăng, nhu cầu ôxy giảm (biểu hiện người bệnh đỡ khó thở, nhịp hô hấp dần trở lại bình thường).
Thuốc còn làm giảm tính dẫn truyền nội tại và tăng tính trơ của cơ tim nên khi có loạn nhịp nhanh thuốc có thể làm tim đập đều trở lại. Chính vì vậy, thuốc có tác dụng làm tim đập mạnh, chậm và đều.
Digoxin được chỉ định trong các trường hợp suy tim sung huyết, suy tim cung lượng thấp, loạn nhịp tim: rung nhĩ, cuồng động nhĩ. Cần lưu ý những trường hợp có nhịp nhanh xoang không phải là chỉ định của digoxin trừ khi có kèm suy tim.
Ngoài ra, do ức chế kênh Na+- K+-ATPase ở màng tế bào ống thận, làm tăng thải muối và nước gây lợi niệu, làm tăng cung lượng tim, do vậy thuốc có tác dụng giảm phù do suy tim.
Cần thận trọng khi dùng thuốc trợ tim.
Cũng chính do tác dụng lợi niệu nên thuốc gây tăng thải kali máu, cần thận trọng khi dùng cùng các thuốc làm hạ kali như: lợi niệu giảm kali, corticoid, insulin.
Dùng liều cao, thuốc làm tăng co bóp cơ trơn ở dạ dày, ruột nên có thể gây nôn, đại tiện lỏng. Thuốc cũng làm tăng co thắt khí, phế quản, tử cung nên có thể gây sẩy thai, vì thế cần thận trọng dùng cho phụ nữ đang mang thai. Trên thần kinh trung ương: kích thích trung tâm gây nôn ở sàn não thất IV, ngoài ra, thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như rối loạn thị giác, nhức đầu, chóng mặt.
Những thận trọng cần thiết khi dùng digoxin
Do tác dụng làm tim đập chậm nên không dùng digoxin khi nhịp tim dưới 70 lần/phút, block nhĩ thất độ 2, 3; ngoại tâm thu thất. Người có hội chứng tiền kích thích (hội chứng Worlf-Parkinson- White) biểu hiện trên điện tim có PQ ngắn (<0,12 giây) dùng digoxin có thể gây xoắn đỉnh, rung thất, ngừng tim. Không dùng digoxin trước khi cấy máy tạo nhịp vì các digitalis có thể gây chậm xoang trầm trọng hay block xoang nhĩ sau đó. Khi rối loạn nồng độ các chất điện giải như: calci máu cao, magne và kali máu hạ sẽ làm thuốc gắn nhiều vào cơ tim hơn nên làm tăng khả năng nhiễm độc digoxin.
Thuốc hấp thu tốt qua đường uống và tác dụng kéo dài sau 2 giờ. Về phân bố, thuốc gắn 25-50% vào protein huyết tương, song sự gắn kết này không bền vững nên dễ giải phóng dạng tự do. Thuốc được chuyển hóa thành những chất ít hoặc không có hoạt tính, digoxin chuyển hóa ở gan khoảng 5-10%. Do có tính liên kết tương đối bền ở những mô mà thuốc có ái lực cao như thận, tim, gan, phổi và có chu kỳ thuốc chu kỳ ruột - gan nên thuốc có tính tích lũy trong cơ thể.
Vì thế, để hạn chế tích lũy thuốc nên dùng ngắt quãng (điều trị từng đợt), muốn chuyển đổi thuốc khác phải nghỉ ít nhất từ 3-5 ngày. Các thuốc làm tăng nồng độ digoxin trong huyết tương: verapamil, diltiazem, amiodaron, đặc biệt là quinidin. Các thuốc làm giảm hấp thu digoxin như: cholestyramin, neomycin, kaonin-pectin,…
Thuốc thuộc nhóm thuốc độc bảng A nên dùng liều nhỏ và theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để tránh quá liều, tăng độc tính của thuốc. Khi dùng bằng đường tiêm nên kết hợp cùng glucose 30%, tiêm tĩnh mạch chậm để tránh ngừng tim đột ngột.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh