✴️ Hướng dẫn chẩn đoán và quản lý các rối loạn tâm thần thường gặp trong chăm sóc sức khỏe ban đầu

ĐẠI CƯƠNG

Với quan điểm sức khoẻ tâm thần là một phần quan trọng của sức khoẻ nói chung, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát triển chương trình đào tạo nhằm hỗ trợ người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu trong việc chẩn đoán và điều trị các loại hình rối loạn tâm thần. Chương trình này bao gồm các phần liên quan đến các rối loạn tâm thần thường gặp: trầm cảm, lo âu, rối loạn sử dụng rượu, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi kéo dài (suy nhược) và các rối loạn dạng cơ thể. Những rối loạn này thường gặp ở tuyến cơ sở, và cán bộ y tế cơ sở là những người đóng vai trò chủ chốt trong quá trình phát hiện và quản lý các rối loạn tâm thần trong cộng đồng một cách hiệu quả.

Hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu rất đa dạng tại các quốc gia khác nhau, do vậy bộ tài liệu này được thiết kế linh hoạt để có thể điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh từng nước. Đây là công cụ trợ giúp trong chẩn đoán và quản lý các rối loạn tâm thần thường gặp qua việc nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ của người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Tài liệu được trình bày ngắn gọn, thân thiện, theo định hướng quản lý, thiết kế linh hoạt dễ dàng điều chỉnh với nhu cầu từng quốc gia. Thế mạnh của tài liệu này là cách thiết kế theo dạng ‘bộ công cụ’ theo từng hợp phần. Giống như trò chơi ghép hình ‘lego’ của trẻ em, các hợp phần này có thể ráp lại hoặc tách rời tuỳ theo nhu cầu sử dụng. Người sử dụng có thể lựa chọn và điều chỉnh từng phần của ‘bộ công cụ’ sao cho phù hợp nhất với công việc của mình.

 

CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN THƯỜNG GẶP TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE BAN ĐẦU

Giới thiệu

Các rối loạn tâm lý rất thường gặp ở các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Nghiên cứu cho thấy có tới 24% bệnh nhân tới khám ở bác sỹ chăm sóc sức khoẻ ban đầu có rối loạn tâm thần theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD-1O). Phần lớn những bệnh nhân này (69% trên toàn thế giới) thường đến khám bệnh khi các triệu chứng đã biểu hiện trên thực thể và nhiều minh chứng khoa học cho thấy rất nhiều người bệnh không được phát hiện. Căn cứ trên thực tế rằng tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần khá cao, cách thức điều trị còn nhiều tranh cãi và thực tế là các bác sỹ đã và sẽ tiếp tục điều trị các bệnh nhân theo cách riêng của họ, bộ tài liệu này được xây dựng, nhằm mục đích cung cấp một bộ công cụ thực tế và linh hoạt giúp các bác sỹ đánh giá và điều trị các vấn đề liên quan đến rối loạn tâm thần của bệnh nhân. 

Hướng dẫn Đánh giá Rối loạn Tâm thần:

Bảng liệt kê (checklist) và Lưu đồ điều tra (flowchart) là những công cụ giúp đánh giá tình trạng trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi kéo dài và các rối loạn dạng cơ thể không giải thích được. Bạn có thể lựa chọn một trong hai công cụ trên tùy thuộc vào cách thức của cá nhân. Nếu sử dụng Bảng kiểm, cần bắt đầu với các câu hỏi sàng lọc để giải thích tình trạng rối loạn và nếu tình trạng rối loạn được xác định rõ ràng, hãy đi tiếp xuống các phần phía dưới. Nếu sử dụng Lưu đồ, cần tham khảo thêm ICD-10 PC.

Thông tin có trong phiếu cầm tay:

Công cụ này được dùng khi nói chuyện với bệnh nhân để tìm hiểu các thông tin cơ bản liên quan đến từng loại hình rối loạn. 6 loại hình rối loạn thường gặp có 6 Phiếu cầm tay riêng: 

  • Trầm cảm
  • Lo âu
  • Rối loạn sử dụng rượu
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Mệt mỏi kéo dài (suy nhược)
  • Các rối loạn dạng cơ thể không giải thích được

Thông tin có trong tờ rơi:

Tờ rơi này có thể phát cho người bệnh nhằm giúp người bệnh hiểu rõ hơn về thông tin đã được cung cấp qua trao đổi với bác sỹ và khuyến khích người bệnh tham gia tích cực hơn vào quá trình điều trị. Mỗi loại hình rối loạn có một tờ rơi tương ứng:

  • Trầm cảm
  • Lo âu
  • Rối loạn sử dụng rượu
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Mệt mỏi kéo dài (suy nhược)
  • Các rối loạn dạng cơ thể không giải thích được

Bảng hỏi:

Là một công cụ hỗ trợ cho chẩn đoán, bảng hỏi có thể được điền theo cách thức khác nhau. Bệnh nhân có thể điền bảng hỏi trước khi vào gặp bác sỹ hoặc sau lần gặp đầu tiên, có thể tự điền hoặc điền với sự trợ giúp của nhân viên phòng khám. Bảng hỏi này sẽ được sử dụng bất kỳ lúc nào trong quá trình điều trị.

Đĩa: Thông tin phần 3 và 4 đã được chuyển tải vào đĩa và được cung cấp hoặc nhân bản miễn phí.

Một số lưu ý chung

Trong quá trình phỏng vấn hãy lưu ý đến những câu trả lời mơ hồ hoặc lảng tránh của người bệnh. Bệnh nhân thường hay miễn cưỡng nói về tình trạng bản thân, do vậy nên: 

  • hỏi các câu hỏi mở
  • hiểu và cảm ơn những câu trả lời của người bệnh
  • nhạy cảm với những cảm xúc của bệnh nhân
  • chú ý đến ngôn ngữ cơ thể và giọng nói của người bệnh 
  • để người bệnh nói tự do và thể hiện cảm xúc của họ 
  • trấn an người bệnh về tính bảo mật của thông tin họ cung cấp
  • luôn cởi mở
  • khuyến khích người bệnh tìm kiếm sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè

Khi chẩn đoán, trong trường hợp mắc nhiều loại rối loạn (ví dụ: nếu người bệnh được xác định có nhiều hơn một loại rối loạn):

  • tốt nhất nên điều trị chứng rối loạn sử dụng rượu trước nếu có biểu hiện
  • nếu người bệnh có trạng thái tâm lý chán nản, buồn hoặc mất hứng thú, nên điều trị chứng trầm cảm trước khi tập trung vào chứng lo âu hay các triệu chứng cơ thể không giải thích được
  • nếu người bệnh có biểu hiện lo âu, nên điều trị tập trung vào lo âu hơn là các triệu chứng cơ thể không giải thích được bởi những triệu chứng này sẽ tăng lên khi người bệnh mắc cả hai loại hình rối loạn.

Lưu ý khi chuyển bệnh nhân

Bác sỹ và các chuyên gia cần hiểu rằng mục đích chính của bộ tài liệu này không phải để thay thế chuyên gia, mà để mở rộng thêm chuyên môn về tâm thần cho các bác sỹ nói chung và tăng cường sự hợp tác và liên lạc giữa người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu với các chuyên gia tâm thần. Cuốn tài liệu này được biên soạn dựa trên tư tưởng đó. 

Cần chuyển bệnh nhân đến bác sỹ tâm thần hoặc trung tâm điều trị trong các trường hợp dưới đây:

  • nếu bệnh nhân có dấu hiệu muốn tự tử hoặc đã tự tử vài lần gần đây
  • nếu bệnh nhân là người già, lú lẫn hoặc không có tiền sử bệnh rõ ràng
  • nếu biểu hiện rối loạn quá nặng, ví dụ: sút/tăng cân nhiều, cơ thể tàn tạ do uống nhiều rượu, có biểu hiện thu mình xa lánh cuộc sống xã hội, cố gắng bỏ rượu nhưng không thành công vài lần.
  • nếu kết quả chẩn đoán không rõ ràng
  • nếu điều trị thất bại sau khi bệnh nhân đã thử dùng thuốc
  • nếu việc quản lý bệnh nhân yêu cầu phải nằm viện hoặc chăm sóc đặc biệt, ví dụ: rất hung hăng, kích động hoặc tự tử
  • nếu bệnh nhân bị mắc nhiều bệnh nặng khiến cơ thể suy sụp hoặc các rối loạn tâm thần khác.

 

HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ QUẢN LÝ CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN THƯỜNG GẶP TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE BAN ĐẦU

Phân loại bệnh quốc tế ICD-1O

Chương 5 của phân loại bệnh quốc tế ICD-10 PC giới thiệu các thông tin cần thiết để trợ giúp bệnh nhân rối loạn tâm thần. Phần này hướng dẫn các bác sỹ chăm sóc sức khoẻ ban đầu tự chẩn đoán và và quản lý khi họ gặp bệnh nhân có dấu hiệu rối loạn tâm thần. Phần này cũng hướng dẫn cách nói chuyện với người bệnh và người nhà bệnh nhân, tư vấn những gì, kê thuốc nào, khi nào người bệnh cần đến gặp chuyên gia về tâm thần. Nói tóm lại, chương 5 của ICD-10 PC cung cấp những kiến thức khoa học về sức khoẻ tâm thần một cách dễ hiểu nhất tới các bác sỹ nói chung. 

Các nhóm bệnh phân loại dựa trên các tiêu chí: 

  • Tầm quan trọng của tìm hiểu các rối loạn tâm thần trong sức khoẻ cộng đồng (VD: tỷ lệ mắc, tình trạng  nhiễm và chết, gánh nặng đối với gia đình và cộng đồng, nguồn lực cần thiết để chăm sóc người bệnh);
  • Phương thức quản lý hiệu quả sẵn có và được chấp nhận (VD: can thiệp có khả năng mang lại kết quả tốt cho người bệnh và gia đình sẵn có trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu được người bệnh và cộng đồng chấp nhận);
  • Có sự thống nhất về phân loại bệnh và quản lý bệnh (VD: thống nhất giữa bác sỹ với chuyên gia tâm thần về cách thức chẩn đoán và quản lý bệnh);
  • Áp dụng được ở các nền văn hoá khác nhau (VD: các cách nhận biết và quản lý bệnh cần phải áp dụng được với các nền văn hoá khác nhau và với các hệ thống y tế khác nhau);
  • Tương ứng với phân loại bệnh ICD-10 nói chung (VD: từng chẩn đoán và nhóm chẩn đoán cần tương ứng với ICD-10).

Tất cả các chẩn đoán đề cập trong bộ tài liệu này đều rất phổ biến tại các cơ sở y tế và phương thức quản lý được xây dựng cho từng bệnh. 

 

Hướng dẫn Chẩn đoán và Quản lý các Rối loạn Tâm thần trong Chăm sóc Sức khoẻ Ban đầu

Đối với 25 loại hình bệnh kể trên, hướng dẫn quản lý và chẩn đoán được xây dựng cho từng loại. 

Hướng dẫn Chẩn đoán

Các triệu chứng
Đặc điểm chẩn đoán
Chẩn đoán phân biệt

Hướng dẫn Quản lý

Thông tin cơ bản về người bệnh và gia đình
Tư vấn cho người bệnh và gia đình
Kê thuốc
Khám tư vấn bác sỹ chuyên môn

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top