✴️ Đại cương sán dây-cestoda

Nội dung

Sán dây có thân, dài, được hợp thành bởi những đốt tương tự như nhau, nối với nhau tạo thành một dải dài. 

Tất cả các giai đoạn của vòng đời đều sống kí sinh. 

Giai đoạn trưởng thành kí sinh ở ống tiêu hoá của người, hoặc động vật có xương sống khác. 

Giai đoạn ấu trùng, sống trong mô của động vật có xương sống, đôi khi trong mô của người, bệnh sán dây phổ biến khắp thế giới, phụ vào tập quán ăn uống, quản lí, xử lí nguồn phân…

 

ĐẶC ĐIỂM HÌNH THỂ

Hình thể ngoài:

Sán trưởng thành có 3 phần: đầu, cổ, các đốt sán.

Đầu:

Đầu được coi là đốt đầu tiên dùng để bám, có giác bám, vòng móc, rãnh bám. Nhìn chung có hai loại đầu:

Loại có góc cạnh, có 4 giác bám ở 4 góc, có thể có các vòng móc.

Loại đầu dài, nhỏ, hình bầu dục, có hai rãnh bám hai bên, nếu cắt ngang   đầu -  đó là hai vệt lõm sâu ở hai bên.

Cổ:  

Cổ được coi là đốt thứ hai, nhỏ, dẹp nối tiếp với đầu, không có bộ phận gì bên trong, nhưng rất quan trọng vì từ đó sinh ra các đốt sán, có vai trò trong việc phát triển thân sán.

Đầu và cổ là hai bộ phận quan trọng để sán sống dai dẳng và phát triển lâu trong khi những đốt sán rụng dần và bị tống ra ngoài cơ thể vật chủ.

Các đốt sán:

Các đốt gân cổ - non nhất, chưa có cấu tạo gì bên trong rõ rệt, chỉ chứa mầm phôi thai của cơ quan sinh dục. Các đốt càng xa cổ càng già, chứa các cơ quan sinh dục đã trưởng thành. Có thể phân ra làm ba loại đốt:

Đốt non: bộ phận sinh dục đực chiếm ưu thế, bộ phận sinh dục cái xuất    hiện sau.

Đốt trưởng thành: có cả bộ phận sinh dục đực và cái phát triển hoàn thiện, cân đối.

Đốt già: bộ phận sinh dục cái chiếm ưu thế, toàn đốt chỉ gồm có tử cung phân nhánh, chứa đầy trứng, bộ phận sinh dục đực chỉ còn lại dấu vết của đường dẫn tinh, các bộ phận khác thoái hoá hết.

Mỗi đốt sán có một cơ cấu riêng biệt, khi bị tách rời ra, đốt sán vẫn có thể sống, di chuyển…

Cấu tạo bên trong:

Toàn thân sán có một lớp màng bọc, đó là lớp cutin đồng nhất, đàn hồi, có những gai nhỏ. Bên trong là lớp cơ: có các cơ vòng ở lớp ngoài, các cơ dọc theo chiều dài đốt sán ở bên trong. Phần tủy là một nhu mô xốp, chứa đựng các cơ quan và nhiều tế bào lớn chứa các chất màu trắng đục. Sán dây không có cơ quan tiêu hoá, sán hút thức ăn bằng thẩm thấu qua thân.

Cơ quan bài tiết:

Gồm nhiều tế bào bài tiết, bài tiết các chất sau khi chuyển hoá thông với hai ống dọc, tận cùng ở phía sau bởi một lỗ bài tiết. Hai lỗ bài tiết được tái tạo khi một đốt rời khỏi thân sán.

Cơ quan thần kinh:

Chung cho tất cả các đốt, gồm 6 dây dọc (hai dây bên, hai dây bụng, hai dây lưng) nối liền phía đầu với hạch não.

Cơ quan sinh dục:

Cơ quan sinh dục đực phát triển trước, gồm những khối tinh hoàn nhỏ phân tán, có những ống dẫn tinh nhỏ họp thành ống dẫn tinh chung, ống này tận cùng bằng một cơ quan giao hợp - dương vật, nằm trong túi dương vật. Lỗ sinh dục đực mở ra ở cạnh đốt. Cơ quan sinh dục cái phát triển sau, gồm hai buồng trứng, tuyến hoàng thể, túi tạo trứng, tử cung, âm đạo. Lỗ sinh dục cái mở ra ở bên cạnh đốt, gần lỗ sinh dục đực.

Sau khi trứng thụ tinh, đi vào túi trứng, rồi vào tử cung, tích lũy ở đó. Trứng ngày càng nhiều, làm cho tử cung phải mọc thành nhánh ngang để chứa trứng. Khi tử cung phát triển nhiều, chứa đầy trứng, các bộ phận khác bị thoái hoá, cuối cùng trong đốt sán chỉ còn tử cung phân nhánh chứa đầy trứng - đó là đốt sán già. Có loại đốt già tử cung bịt kín. Có loại đốt già, tử cung có lỗ mở ra ở giữa mặt đốt để đẻ trứng.

 

ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

Sán dây phát triển qua nhiều vật chủ. Có loại chỉ có một vật chủ phụ đó là những loại sán đầu có giác, loại có hai vật chủ phụ thường là những loại sán đầu có rãnh bám.

Vòng đời sinh học của loại sán có một vật chủ phụ:

Trứng ra ngoại cảnh vào vật chủ phụ, phát triển thành ấu trùng, kí sinh ở các mô của vật chủ phụ, trong nang. Mỗi nang có thể có một ấu trùng, dưới dạng một đầu sán có giác, có móc, cũng có thể có nhiều đầu sán trong nang.

Khi nang ấu trùng vào cơ thể vật chủ chính qua đường tiêu hoá. Ấu trùng phát triển thành sán trưởng thành.

Vòng đời sinh học của loại sán có nhều vật chủ phụ:

Trứng sán ra ngoại cảnh phát triển thành ấu trùng, rồi vào kí sinh ở vật chủ phụ thứ nhất là các động vật thuộc lớp giáp xác (Crustacea). Sau đó kí sinh ở vật chủ phụ thứ hai là cá hoặc các loài lưỡng thê. Vật chủ chính ăn phải vật chủ phụ thứ hai có nang ấu trùng, ấu trùng sẽ phát triển thành sán trưởng thành. 

Sán dây kí sinh ở người cả dưới dạng sán trưởng thành, cả dưới dạng ấu trùng, nói cách khác: người vừa là vật chủ chính, vừa là vật chủ phụ của sán dây. Ở người sán dây trưởng thành kí sinh ở ruột non, bám vào thành ruột. Ấu trùng sán dây cư trú ở nhiều bộ phận khác nhau: tổ chức dưới da, cơ, gan, phổi, não,

mắt…

 

PHÂN LOẠI SÁN DÂY

Bộ Cyclophyllidea:

Đầu có 4 giác, tử cung bịt kín, lỗ sinh dục chạy tới bờ của đốt sán, có một vật chủ phụ, ấu trùng có nang:

Taenidae: lỗ sinh dục xen kẽ trên từng đốt.

Taenia solium.

Taenia saginata.

Echinococcus granulous.

Hymenoleidae: lỗ sinh dục nằm cùng bên trên các đốt.

Hymenolepis nana.

Hymenolepis diminuta.

Dipylidae: trên mỗi đốt có hai lỗ sinh dục:

Dipylidium canium.

Bộ Pseudophyllidae:

Đầu có rãnh, trứng có nắp, trứng không có phôi lúc mới nở ra ngoài. Tử cung có lỗ đẻ. Ấu trùng sống dưới nước, đòi hỏi phải có hai loại vật chủ phụ:

Vật chủ phụ 1: giáp xác.

Vật chủ phụ 2: cá hoặc loài lưỡng thê.

Họ Diphyllobothridae:

Diphyllobthrium latum.

Diphyllobothrium mansoni.

 

DỊCH TỄ

Bệnh phân bố khắp nơi tùy thuộc vào tình hình vệ sinh ăn uống. Ở Việt Nam bệnh sán dây bò thường gặp hơn bệnh sán dây lợn (T.saginata: 78%, T.solium:

22%). Ở miền đồng bằng, sán dây bò tỉ lệ khoảng từ 1 -  4%, còn bệnh sán dây lợn thường gặp ở miền núi, tỉ lệ bệnh ở miền núi khoảng 6%.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top