1. Viêm tai ngoài là gì?
Trước hết, chúng ta cần hiểu ống tai ngoài là phần nằm ở phía ngoài của tai, chính xác là giữa vành tai và màng nhĩ. Viêm tai ngoài (hay viêm ống tai ngoài) là tình trạng viêm, nhiễm trùng ở ống tai ngoài, gây ra triệu chứng đau tai, ngứa tai. Bệnh viêm tai ngoài thường gặp ở những người hay đi bơi, bị nước ứ đọng trong tai. Bên cạnh đó, trẻ em có tiền sử viêm tai, thủng màng nhĩ, hoặc có bất thường ở giải phẫu ống tai cũng dễ bị đọng nước bên trong (có thể trong quá trình tắm hoặc đi bơi), khiến nguy cơ viêm tai ngoài sẽ cao hơn.
2. Nguyên nhân gây viêm tai ngoài là gì?
Viêm tai ngoài xảy ra khi ống tai ngoài chịu tác động mạnh gây tổn thương đến tai ngoài hoặc bị ẩm ướt khiến cho vi khuẩn, nấm dễ xâm nhập sẽ dẫn đến viêm tai. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác gây bệnh khác như:
– Bơi lội ở vùng sông hồ nhiễm bẩn: Những người bơi lội nhiều hoặc tắm ở vùng nước sông hồ bị nhiễm bẩn bị dính nước vào ống tai. Khi tiếp xúc với môi trường này, nước còn trong tai không được làm sạch và lau khô dẫn đến tình trạng ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm xâm nhập vào lớp da bao phủ ống tai ngoài và gây viêm tai.
– Do thói quen ngoáy tai:
+ Những người thường xuyên lau tai bằng tăm bông mạnh cũng dễ bị viêm ống tai ngoài. Đầu tăm bông cọ sát nhiều lần sẽ gây tổn hại lớp da ống tai, đồng thời đầy ráy tai và chất bẩn kẹt vào sâu bên trong ống tai. Sự tích tụ chất bẩn lâu ngày sẽ tạo điều kiện phát triển vi khuẩn và nấm.
+ Nhiều người ngoáy tai bằng dụng cụ không được khử khuẩn, sắc nhọn gây trầy xước da quanh ống tai cũng bị.
– Viêm tai do dị ứng các hoá chất kích thích tai như keo xịt tóc, thuốc nhuộm tóc…Ở những người có cơ địa dễ dị ứng khi tiếp xúc với các hóa chất này dính vào tai cũng có thể bị viêm tai ngoài.
– Những người mắc bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, vẩy nến, chàm, dị ứng, viêm da tiết bã… cũng dễ gây viêm tai.
3. Triệu chứng bệnh viêm tai ngoài
3.1 Triệu chứng viêm tai ngoài ở người lớn
Tùy từng cấp độ viêm tai sẽ có nhứng triệu chứng viêm tai ngoài khác nhau, cụ thể như sau:
– Viêm tai ngoài cấp tính: Tai ngứa và đau. Ống tai sưng nề, nóng, đỏ. Vi khuẩn gây bệnh hay gặp nhất là P.aeruginosa, S.aureus, và các loại liên cầu khuẩn khác.
– Viêm tai ngoài mạn tính: có triệu chứng ngứa nhưng không đau ở tai. Nguyên nhân thường do kích thích chấn thương nhẹ ống tai nhiều lần như cào xước hoặc dùng miếng gạc bông, hoặc do tiết dịch từ nhiễm khuẩn tai giữa mạn tính.
– Viêm tai ngoài xâm lấn: Bệnh nhân có triệu chứng đau tai và tiết dịch tai. Đôi khi có sốt nhẹ. Khám lâm sàng tai thấy ống tai bị phù, có mô hạt sau khoảng giữa phía dưới ống tai nơi tiếp nối sụn và xương. Một số trường hợp bệnh nhân có tình trạng cứng khít hàm hoặc liệt một phần dây thần kinh mặt: dây thần kinh số VII; các dây thần kinh số IX, X và XI thỉnh thoảng cũng bị ảnh hưởng. Đôi khi bệnh có thể bị chẩn đoán sai là viêm tai giữa mạn tính.
– Viêm tai ngoài ác tính: Đến giai đoạn này bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng gây đau rát tai nhiều. Có những dấu hiệu nhiễm trùng từ tai lan ra xương chũm đằng sau tai hoặc xương thái dương phía trước tai. Những triệu chứng có thể gây biến chứng viêm tai ngoài hoại tử hoặc ác tính. Đây là tình trạng rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
3.2 Triệu chứng viêm tai ngoài ở trẻ em
Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị viêm tai ngoài do ống tai của trẻ nhỏ hơn người lớn, khiến chất lỏng khó thoát ra ngoài hơn, làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nhiều trẻ chưa biết nói do vậy chúng không thể mô tả cho bố mẹ các triệu chứng mình đang gặp phải, do vậy, các bậc phụ huynh cần biết cách nhận biết các triệu chứng và cho bé đi khám.
Đau tai là triệu chứng thường gặp nhất ở viêm tai ngoài, và các cách mà trẻ thể hiện khi bị đau tai đó là:
– Thường xuyên kéo tai
– Khóc khi có người chạm vào tai
– Một số trường hợp trẻ bị sốt
– Trẻ quấy khóc hoặc khó ngủ hơn bình thường
– Có chất lỏng chảy ra từ tai
4. Chẩn đoán viêm tai ngoài
Để chẩn đoán bệnh viêm tai ngoài, người bệnh cần đến các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa Tai mũi họng uy tín để thăm khám và điều trị.
Qua thăm khám, kiểm tra các triệu chứng bệnh, người bệnh có thể được chỉ định làm một số xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, nội soi tai mũi họng, lấy mẫu bệnh phẩm để cấy vi trùng nhằm xác định loại vi khuẩn, virus gây bệnh, chụp CT nhằm chẩn đoán nhiễm trùng có xâm lấn vào cấu trúc xương thái dương, xương sọ hay không.
5. Các phương pháp điều trị viêm tai ngoài
Các phương pháp điều trị có thể bao gồm: nhỏ tai bằng kháng sinh để giảm sưng trong ống tai. Thuốc có thể được sử dụng từ 7 – 10 ngày, theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu nấm là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng tai ngoài, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nhỏ tai chống nấm. Loại nhiễm trùng này phổ biến hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường hoặc hệ thống miễn dịch suy giảm.
Để giảm các triệu chứng, điều quan trọng người bệnh cần nhớ đó là luôn giữ cho tai được khô ráo, không bị nước vào trong thời gian đang điều trị, nhằm giúp tai nhanh lành.
Một số trường hợp viêm tai ngoài gây đau nhiều, bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc acetaminophen.
Lưu ý: Các phương pháp trên chỉ mang tính chất tham khảo thông tin, người bệnh nên đi khám để bác sĩ nắm rõ tình trạng bệnh và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp nhất.
5.1 Làm thế nào để phòng bệnh viêm tai ngoài
Để phòng bệnh viêm tai ngoài mọi người nên giữ vệ sinh tai sạch sẽ, khô thoáng, tránh bơi lội hoặc hoạt động dưới nước nhất là những vùng nước không đảm bảo vệ sinh . Đồng thời khi có các triệu chứng bất thường nên đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm để có hướng điều trị viêm tai ngoài kịp thời.
Trên đây là những thông tin cơ bản, giúp bạn hiểu rõ hơn viêm tai ngoài là gì cũng như nguyên nhân, các phương pháp điều trị và cách phòng bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh