Chẩn đoán tràn dịch màng ngoài tim

Chẩn đoán tràn dịch màng ngoài tim

Khám sức khỏe tổng quát, sức khỏe tim mạch và nghe tim bằng ống nghe là các đánh giá đầu tiên của các bác sĩ. Nếu có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của tràn dịch màng ngoài tim, một loạt các xét nghiệm máu và cận lâm sàng bằng hình ảnh sẽ được thực hiện để xác định chẩn đoán, xác định nguyên nhân có thể và xác định điều trị. Đôi khi, tràn dịch màng ngoài tim được phát hiện khi các xét nghiệm được thực hiện vì những lý do khác và đột nhiên phát hiện ra.

Siêu âm tim

Siêu âm tim sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh thời gian thực của tim. Phương pháp này cho phép bác sĩ xem có bao nhiêu dịch chất lỏng tích tụ trong màng ngoài tim. Siêu âm tim cũng có thể cho biết tim bơm máu tốt như thế nào và giúp chẩn đoán chèn ép hoặc xẹp khoang tim.

Có hai loại siêu âm tim:

  • Siêu âm tim qua lồng ngực. Thử nghiệm này sử dụng một thiết bị phát ra sóng âm được đặt trên ngực, ngay trên tim.
  • Siêu âm tim qua thực quản. Một đầu dò nhỏ trên một đường ống được đặt xuống thực quản. Vì thực quản sát tim nên việc đặt đầu dò ở đó thường cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về tim.

Điện tâm đồ

Điện tâm đồ (ECG) ghi lại các tín hiệu điện của tim khi tim đập. Các sóng bất thường có thể gợi ý dấu hiệu chèn ép tim.

X-quang ngực

Nếu có nhiều dịch trong màng ngoài tim, chụp X-quang ngực có thể cho thấy hình ảnh tim to.

Các phương pháp khác

Chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể phát hiện tràn dịch màng ngoài tim, mặc dù chúng thường không thường được sử dụng.

 

Điều trị tràn dịch màng ngoài tim

Điều trị tràn dịch màng ngoài tim sẽ phụ thuộc vào lượng dịch trong màng ngoài tim, nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng này và liệu tình trạng này có khả năng gây chèn ép tim hay không. Điều trị nguyên nhân của tràn dịch màng ngoài tim sẽ giúp khắc phục vấn đề.

Thuốc giảm viêm

Nếu không gặp phải tình trạng bị chèn ép tim/hoặc không có nguy cơ bị chèn ép, thuốc chống viêm có thể được kê để giảm tình trạng viêm màng ngoài tim:

  • Aspirin
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như indomethacin hoặc ibuprofen
  • Colchicine (Colcrys)
  • Corticosteroid, chẳng hạn như prednisone

Thủ thuật và phẫu thuật

Nếu các phương pháp điều trị chống viêm không khắc phục được vấn đề hoặc bạn bị hoặc có khả năng bị chèn ép, bác sĩ tim mạch có thể đề nghị một trong các quy trình sau để thoát dịch hoặc ngăn chất lỏng tích tụ trở lại.

  • Chọc dịch. Bác sĩ có thể đưa 1 chiếc kim vào khoang màng ngoài tim và sau đó sử dụng một ống thông nhỏ để dẫn lưu dịch chất lỏng ra ngoài (gọi là chọc dò màng ngoài tim). Sử dụng siêu âm tim hoặc hình ảnh từ tia X để định hướng ống thông đến đúng vị trí. Trong hầu hết các trường hợp, ống thông sẽ được đặt tại chỗ trong vài ngày để giúp ngăn chất lỏng tích tụ trở lại.
  • Phẫu thuật tim hở. Nếu có chảy máu vào màng ngoài tim, đặc biệt do phẫu thuật tim trong thời gian gần hoặc các biến chứng khác, phẫu thuật tim có thể được thực hiện để dẫn lưu dịch màng ngoài tim và giải quyết các tổn thương. Đôi khi, bác sĩ cũng có thể tạo một lối đi cho phép chất lỏng chảy ra khi cần thiết vào khoang bụng, nơi nó có thể được hấp thụ.
  • Mở lớp màng ngoài tim. Thủ thuật này ít khi được thực hiện.
  • Loại bỏ màng ngoài tim. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần màng ngoài tim (cắt màng ngoài tim) thường được thực hiện trên những đối tượng bị tràn dịch màng ngoài tim tái phát mặc dù đã dẫn lưu qua ống thông.

 

Tổng kết

Nếu cảm thấy đau ngực kéo dài hơn một vài phút, nếu thở khó khăn hay cảm giác đau tức ngực; hoặc nếu gặp phải tình trạng ngất xỉu không rõ lý do, khó thở, mệt mỏi kèm theo triệu chứng của tràn dịch màng ngoài tim, cần đến bệnh viện ngay lập tức để được thăm khám chuyên khoa, chẩn đoán xác định và chỉ định phác đồ điều trị kịp thời hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top