Nước tiểu trong hoặc có màu vàng nhạt thường cho thấy bạn đang khỏe mạnh và không có gì phải đáng lo ngại. Nhưng khi nước tiểu có màu vàng đậm thì có thể do một tác nhân khác gây nên. Bài viết dưới đây điểm mặt một số tác nhân gây nước tiểu vàng đậm bạn đọc nên lưu ý.
Tuy nhiên, có đôi khi, ngay cả khi bạn khỏe mạnh, nước tiểu cũng có sự thay đổi từ trong đến vàng nhạt sang vàng đục, nếu bạn uống ít nước, do uống thuốc hoặc ảnh hưởng của một vài loại thực phẩm có dầu, gia vị và thịt, nước tiểu của bạn sẽ có màu vàng đục.
Ngoài ra, triệu chứng nước tiểu vàng đậm còn có thể do một số nguyên nhân như sau:
1. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Vi khuẩn hoặc vi rút có thể xâm nhập và gây bệnh bên trong đường tiết niệu, làm cho nước tiểu chuyển sang màu đục. Ngoài ra, khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, người bệnh cũng có thể có cảm giác đau và nóng rát khi đi tiểu.
2. Viêm niệu đạo do lậu
Ngoài triệu chứng nước tiểu đục, người bệnh sẽ có những triệu chứng khác như tiểu gắt buốt, sốt, đau hông lưng. Thậm chí nặng hơn là tiểu có mủ. Cần đến cơ sở y tế để siêu âm, xét nghiệm nước tiểu giúp chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
3. Tiểu phosphate
Đây là hiện tượng do có nhiều phosphate bài tiết trong nước tiểu. Thỉnh thoảng buổi sáng đi tiểu thấy nước tiểu đục như nước vo gạo, để lắng lại thì thấy có cặn như cặn vôi. Những lúc khác người đó đi tiểu trong. Hiện tượng tiểu phosphate không phải là bệnh lý. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài và người đó uống ít nước thì dễ bị sỏi thận do tinh thể phosphate lắng đọng.
4. Do dùng thuốc
Một số thuốc cũng có thể dẫn đến hiện tượng nước tiểu màu vàng đục. Ví dụ như người bệnh uống các loại thuốc điều trị đái tháo đường; Vitamin B và vitamin C bởi hai loại vitamin này có chứa phốt pho.
Trên đây là một số tác nhân gây nên hiện tượng nước tiểu có màu vàng đậm, nếu thấy xuất hiện triệu chứng này bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán, phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh