Hiện nay, tỷ lệ người Việt Nam dương tính với vi khuẩn Hp trong dạ dày rất cao, chiếm khoảng từ 70-80% dân số. Test Hp dương tính là nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề tiêu hóa như trào ngược dạ dày – thực quản, viêm – loét dạ dày, tá tràng, xuất huyết tiêu hóa và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
1. Dương tính với vi khuẩn Hp trong dạ dày là gì?
Vi khuẩn Hp với tên khoa học đầy đủ Helicobacter pylori, là một loại vi khuẩn có thể xâm nhập và tồn tại sâu dưới các lớp niêm mạc dạ dày, giữa các khoảng gian bào. Đây là loại vi khuẩn hiếm hoi có khả năng sinh sống và phát triển trong môi trường khắc nghiệt – dịch vị dạ dày. Chúng có cơ chế tiết Enzym Urease đặc biệt để trung hòa nồng độ acid cao trong dạ dày.
Dương tính với vi khuẩn Hp trong dạ dày hay Test Hp dương tính là thuật ngữ y tế đề cập đến tình trạng nhiễm vi khuẩn Hp trong dạ dày.
Theo số liệu thống kê, ước tính có khoảng trên 70% dân số Việt Nam nhiễm khuẩn Hp. Trong đó, trẻ em là đối tượng có nguy cơ Test Hp dương tính cao nhất do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện chưa có ý thức cảnh giác trong vấn đề ăn uống, sinh hoạt.
Phần lớn người Test Hp dương tính không có triệu chứng nên sẽ không bao giờ gây ra các tổn thương ở dạ dày. Khi đó, người bệnh có thể chung sống hòa bình với chúng suốt đời. Tuy nhiên, một số ít trường hợp, sự phát triển và hoạt động của chúng làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Từ đó gây viêm – loét dạ dày, tá tràng và một tỷ lệ rất ít gây ung thư dạ dày.
2. Dương tính với vi khuẩn Hp trong dạ dày có thể gây ra các biến chứng gì?
Theo thống kê, có tới trên 80% người Test Hp dương tính không có triệu chứng. Chỉ có khoảng 10-20% người nhiễm hp có khả năng viêm – loét dạ dày, tá tràng và 1-2% là ung thư dạ dày. Nhiễmvi khuẩn Hp trong dạ dày có thể gây ra các biến chứng sau:
2.1. Dương tính với vi khuẩn Hp trong dạ dày có thể gây tắc nghẽn dạ dày
Vi khuẩn HP sau khi xâm nhập vào dạ dày sẽ tạo ra một lớp màng bảo vệ nhằm ngăn chặn lại sự tấn công của tế bào miễn dịch trong cơ thể. Theo thời gian, chúng sẽ hình thành nên các khối u nằm bên trong dạ dày. Sự hiện diện của các khối u này gây cản trở thức ăn di chuyển từ dạ dày xuống ruột non. Nếu không được khắc phục, thức ăn sẽ bị ứ đọng và gây tắc nghẽn dạ dày.
2.2. Viêm – loét dạ dày, tá tràng
Enzyme urease và các ngoại độc tố do vi khuẩn Hp bài tiết có tác dụng kiềm hóa dịch vị acid dạ dày và phá hủy lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc. Màng bảo vệ bị hư hại khiến acid xâm lấn, ăn mòn, làm tổn thương các mô và gây nên tình trạng viêm – loét thành dạ dày. Theo thống kê, có khoảng trên 80% trường hợp viêm – loét dạ dày, tá tràng có Test Hp dương tính
2.3. Dương tính với vi khuẩn Hp trong dạ dày có thể gây xuất huyết dạ dày
Loét dạ dày, tá tràng nếu không được kiểm soát tốt có thể khiến ổ loét tiến triển nặng hơn. Một khi vết loét ăn sâu sẽ chạm đến các mạch máu bên trong, gây vỡ tĩnh mạch và dẫn đến xuất huyết. Xuất huyết dạ dày là một bệnh lý khá nghiêm trọng. Tình trạng mất máu liên tục với số lượng nhiều có thể gây sốc và dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
2.4. Thủng dạ dày
Đây là biến chứng có mức độ nặng nề. Nguyên nhân gây nên tình trạng này chủ yếu do ổ loét ở niêm mạc dạ dày phát triển ăn sâu khiến thành dạ dày bị loét nặng và làm phá vỡ hoàn toàn vách dạ dày gây thủng.
2.5. Viêm phúc mạc
Khi vi khuẩn HP gây viêm hoặc gây nhiễm trùng phát triển vào lớp niêm mạc của ổ bụng sẽ dẫn đến hiện tượng viêm phúc mạc. Viêm phúc mạc nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng toàn thân gây tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề.
2.6. Ung thư dạ dày
Đây là biến chứng nặng nề nhất mà người bệnh có thể gặp phải khi bị nhiễm khuẩn Hp. Cơ chế gây ung thư là do vi khuẩn Hp gây viêm teo niêm mạc, kích thích tế bào chuyển di sản ruột và biến đổi thành tế bào ung thư. Điều đáng buồn là có tới khoảng trên 80% người bệnh phát hiện bị ung thư dạ dày khi đã ở giai đoạn muộn và các tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan khác của cơ thể.
3. Cách xác định dương tính với vi khuẩn Hp trong dạ dày
3.1. Dựa trên các biểu hiện và triệu chứng lâm sàng
Một số dấu hiệu và triệu chứng có thể gợi ý khi Test Hp dương tính như:
– Đau tức vùng thượng kèm theo hiện tượng dạ dày cồn cào, nóng rát ở bất cứ thời điểm nào trong ngày. Các triệu chứng được biểu hiện rõ nét nhất khi người bệnh đang đói bụng hoặc sau khi ăn no.
– Bụng đầy chướng, ăn uống chậm tiêu. Cảm giác này đặc biệt rõ ràng khi người bệnh sử dụng thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, uống rượu bia và hút thuốc lá.
– Ợ hơi, buồn nôn và nôn khiến người bệnh khó chịu, chán ăn, ăn không ngon miệng.
– Cơ thể mệt mỏi, thiếu sức, suy nhược và sụt cân.
– Hôi miệng: quá trình tiêu hóa diễn ra không thuận lợi dẫn đến thức ăn dễ bị hư hỏng và sinh hơi. Dưới sự tác động của vi khuẩn Hp sẽ tạo mùi hôi khó chịu ở miệng.
– Màu sắc của phân: phân lúc cứng, lúc nát như khi bị tiêu chảy hoặc đôi khi xuất hiện lẫn máu trong phân
3.2. Thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán
Thực tế, xác định dương tính với vi khuẩn HP thông qua các triệu chứng lâm sàng thường không chính xác vì các triệu chứng thường không đặc hiệu. Vì vậy bên cạnh thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán sau:
Test hơi thở
Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay để xác định sự tồn tại của vi khuẩn Hp trong dạ dày. Phương pháp cho kết quả chính xác cao lên đến khoảng 90%, thời gian Test Hp nhanh, không cần thực hiện can thiệp. Tuy nhiên, phương pháp này không phản ánh được mức độ tổn thương của dạ dày.
Xét nghiệm phân
Vi khuẩn HP có khả năng bám vào thức ăn, di chuyển xuống đường ruột và cuối cùng được đào thải ra ngoài cơ thể qua phân. Thông qua phản ứng miễn dịch huỳnh quang xác định sự hiện diện của vi khuẩn trong mẫu phân. Phương pháp cho kết quả chính xác cao nhưng thời gian đợi kết quả lâu và gây nhiều trở ngại trong vấn đề lấy mẫu xét nghiệm.
Xét nghiệm máu
Thông qua huyết thanh của người bệnh để đo kháng thể kháng Hp. Tuy nhiên, phương pháp này thường không được ưu tiên thực hiện vì khả năng dương tính giả khá cao. Bởi kháng thể Hp trong máu giảm rất chậm. Do đó, dù đã tiêu diệt vi khuẩn nhưng nồng độ kháng thể vẫn còn tồn tại trong máu vài từ tháng đến vài năm. Mặt khác, vi khuẩn Hp có thể tồn tại ở nhiều khu vực khác như khoang miệng, xoang, đường ruột,… mà hoàn toàn không gây bệnh.
Nội soi tìm vi khuẩn Hp
Nội soi dạ dày là phương pháp Test Hp xâm lấn. Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ lấy mô tế bào tại vị trí tổn thương để phân tích tìm kiếm vi khuẩn Hp. Kỹ thuật này cho phép chẩn đoán chính xác vị trí viêm nhiễm và mức độ tổn thương dạ dày. Ngoài ra sau khi nội soi, bác sĩ có thể sinh thiết mô, xét nghiệm và nuôi cấy để xây dựng kháng sinh đồ.
4. Test Hp dương tính khi nào cần và không cần điều trị?
4.1. Khi nào cần “triệt hạ” vi khuẩn Hp?
Trên thực tế, các nhà khoa học nhận thấy rằng, sự có mặt của vi khuẩn Hp trong một số trường hợp giống như một loại vi khuẩn cộng sinh, đôi khi có một số lợi ích nhất định. Do đó, không phải tất các trường hợp Test Hp dương tính đều phải tiêu diệt. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, những trường hợp cần điều trị diệt vi khuẩn Hp là:
– Người đang bị viêm – loét dạ dày, tá tràng hoặc người có tiền sử viêm – loét dạ dày, tá tràng.
– Người mắc chứng khó tiêu chức năng: đầy bụng sau ăn, ăn nhanh no, đau hoặc nóng rát vùng thượng vị…
– Người bị thiếu máu, thiếu sắt thiếu vitamin B12 hoặc bị xuất huyết giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân.
– Người bị ung thư dạ dày muộn đã phẫu thuật hoặc ung thư dạ dày sớm được cắt hớt hoặc cắt tách niêm mạc qua nội soi.
– Người có khối u dạ dày: polyp tăng sản, adenoma, đã cắt hớt niêm mạc…
– Người Test Hp dương tính bị viêm teo toàn bộ niêm mạc dạ dày.
– Người làm việc trong môi trường có nguy cơ ung cao bị thư dạ dày: như khai thác quặng, than,…
– Người có bố, mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh ung thư dạ dày.
– Người bệnh có nguyện vọng điều trị Hp.
4.2. Cách “triệt hạ” vi khuẩn Hp
Sử dụng thuốc Tây y:
Thuốc Tây y luôn là phương án lựa chọn đầu tiên vì hiệu quả tác động nhanh và làm giảm triệu chứng nhanh chóng. Căn cứ vào kết quả Test Hp, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Nhiễm khuẩn Hp được điều trị kết hợp từ 2-3 loại thuốc cùng lúc để tối ưu hiệu quả cuối cùng. Một thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, một thuốc giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày và thuốc còn lại để ức chế acid để niêm mạc dạ dày có thời gian lành lại.
Thời gian điều trị sẽ kéo dài từ 7-14 ngày để tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm trong tương lai.
Việc chỉ định các loại thuốc điều trị nhiễm khuẩn Hp phụ thuộc vào tiền sử bệnh lý và các loại thuốc dị ứng. Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng để thuốc phát huy hết công dụng, tránh xảy ra tình trạng kháng thuốc khiến bệnh trở nên nặng và khó điều trị hơn. Sau điều trị, người bệnh cần kiểm tra theo dõi để đảm bảo vi khuẩn Hp đã được tiêu diệt hoàn toàn.
Sử dụng thực phẩm triệt hạ vi khuẩn Hp
Một số loại thực phẩm có chứa các thành phần làm giảm khả năng hoạt động của vi khuẩn Hp và tiến tới tiêu diệt chúng.
– Rau xanh, của quả: Đây là nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa giúp bảo vệ và tăng cường hệ miễn dịch. Từ đó, giúp cơ thể chống lại sự tác động của vi khuẩn và các phản ứng viêm, nhiễm trùng.
– Sữa chua và các chế phẩm lên men từ sữa chứa nhiều lợi khuẩn giúp tăng cường lợi khuẩn đường ruột và hỗ trợ loại vỏ vi khuẩn Hp.
– Dược phẩm thiên nhiên như gừng tỏi, nghệ, mật ong có tính chất kháng khuẩn, giúp làm giảm triệu chứng và ức chế hoạt động của vi khuẩn Hp.
– Nhóm thực phẩm giàu Omega 6 và 6 có tác dụng làm giảm tình trạng đau dạ dày và ngăn ngừa vi khuẩn Hp phát triển.
Bên cạnh đó, người bệnh cần hạn chế ăn các loại trái cây có tính acid mạnh, đồ ăn cay nóng, đồ chiên rán, các món ăn muối chua, rượu, bia…. Những thực phẩm này có thể gây co thắt dạ dày – thực quản, đầy bụng, chậm tiêu và bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Dương tính với vi khuẩn Hp trong dạ dày có thể gây đau, viêm – loét dạ dày, tá tràng, thậm chí là ung thư dạ dày. Tuy nhiên, nhiễm khuẩn Hp có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng thuốc Tây y kết hợp với chế độ ăn uống. Việc phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả sẽ giúp người bệnh ngăn ngừa các tổn thương do vi khuẩn Hp gây ra.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh