✴️ Các thuốc trị dày sừng bàn chân

Nội dung

Bình thường, cơ thể luôn có sự mất nước qua da. Khi thời tiết hanh khô thì sự mất nước này tăng lên, vì thế da trở nên khô hơn, một số nơi như lòng bàn tay, bàn chân thường có hiện tượng dày sừng.

Dày sừng là gì? nguyên nhân gây dày sừng

Những người mắc bệnh viêm da cơ địa, vảy nến, vảy cá hoặc cơ địa da khô thì ngoài tình trạng da khô toàn thân còn có biểu hiện dày sừng ở một số vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân. Nếu nhẹ thì chỉ dày ở vùng gót chân. Da vùng gót chân rất dày, sờ vào có cảm giác bì bì. Có những trường hợp da dày nhiều làm cho bệnh nhân khi giẫm chân không thấy có cảm giác thật của bàn chân.

Nếu nặng thì da toàn bộ lòng bàn chân bị dày và gót dày sừng nhiều hơn làm cho khi đi lại bệnh nhân đôi lúc bị đau vùng gót.

Một số trường hợp bong tróc vảy, có thể gây nứt nẻ, chảy máu. 

Dày sừng lòng bàn chân

 

Nguyên nhân gây dày sừng

Khi tiếp xúc với các chế phẩm có chứa các hóa chất có tác dụng tẩy hoặc bào mòn da như các acid, chất xút thì làm da bong tróc và gây rát hoặc ngứa.

Các chế phẩm này được dùng trong sinh hoạt như:

  • Xà phòng, bột giặt, chất tẩy rửa;

  • Các vật liệu xây dựng như: xi măng, chất đánh bóng…;

  • Các hóa chất sử dụng trong các phòng thí nghiệm…

Ngoài tình trạng dày sừng thì bệnh nhân còn có thể có một số biểu hiện lâm sàng khác như:

  • Tổ đỉa;

  • Mày đay;

  • Chàm nếp gấp;

  • Sẩn ngứa toàn thân;

  • Vảy nến;

  • Vảy cá… 

 

Cách khắc phục da khô

Chăm sóc da: Không dùng xà phòng, không ngâm nước. Ngày chỉ rửa chân 1 lần cùng với tắm. Đi tất thường xuyên, đặc biệt là khi thời tiết lạnh.

Đi giày hoặc dép đế mềm, đế phẳng, không nên đi cao gót.

Bôi một trong các chế phẩm làm mềm da, dịu da như: cream vitamin E, physiogel, lacticare, baby care… Ngày bôi nhiều lần, quan trọng nhất là bôi sau tắm và sau rửa tay, chân. Các chế phẩm trên có thể bôi kéo dài để khắc phục tình trạng da khô.

Dày sừng viêm da

 

Cách điều trị dày sừng

Điều trị:

  • Nếu dày sừng nhẹ: bôi mỡ salycilic 5% hoặc benzosali.

  • Dày sừng nhiều: có thể bôi mỡ salicylic 5% buổi sáng, bôi diprosalic buổi tối trong 2 – 3 tuần. 

  • Nếu có viêm da kèm theo như: mụn nước, mụn mủ, da sần đỏ lên hoặc kèm theo có các đám viêm da ở nơi khác thì phải dùng một đợt kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. 

  • Nếu ngứa nhiều thì có thể uống một trong các thuốc kháng histamin như: loratadin, chlorpheniramin, citerizin… trong 7 – 10 ngày. Có thể uống 1 đợt các vitamin E, C.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top