✴️ Đại tiện ra máu tươi là bệnh gì?

Nội dung

Đại tiện ra máu tươi là bệnh gì?

Đi đại tiện ra máu tươi có thể do rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân thường gặp nhất đầu tiên phải kể đến bệnh trĩ, sau đó là Polyp trực tràng và đại tràng, viêm, nứt kẽ hậu môn, viêm loét đại trực tràng chảy máu…

Đại tiện ra máu tươi cảnh báo bệnh lý nguy hiểm

 

Đại tiện ra máu tươi do viêm, nứt kẽ/ống hậu môn

Thường do táo bón, bệnh nhân cố rặn làm cho ống hậu môn sưng, phù nề, đỏ mọng, đôi khi có nứt ống hậu môn. Viêm và nứt kẽ ống hậu môn thường đi kèm với bệnh trĩ.

 

Đại tiện ra máu tươi do bệnh trĩ

Đi đại tiện ra máu đỏ tươi là triệu chứng đầu tiên và cũng là triệu chứng thường gặp ở người bệnh trĩ. Ban đầu là chảy máu kín đáo, bệnh nhân tình cờ phát hiện có máu ở giấy vệ sinh hoặc nhìn vào phân thấy một vài tia máu nhỏ dính vào phân rắn, về sau máu chảy thành giọt hoặc phun thành tia như cắt tiết gà. Muộn nữa, cứ mỗi lần đại tiện, ngồi xổm, đi lại nhiều là máu chảy. Kèm theo, bệnh nhân thường xuyên bị táo bón, sau có thể phân mềm vẫn ra máu.

 

Đại tiện ra máu tươi do polyp đại tràng, trực tràng

Bệnh nhân có triệu chứng đi đại tiện ra máu tươi với số lượng nhiều, có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu nặng. Đi đại tiện ra máu tươi từng đợt, không táo bón cũng chảy máu. Nếu polyp có cuống dài và ở thấp gần ống hậu môn, có thể polyp sa ra ngoài. Chẩn đoán chính xác bằng soi trực tràng hoặc đại tràng sẽ phát hiện được polyp có cuống hay không có cuống, vị trí polyp – điều trị bằng cách cắt polyp qua nội soi nếu polyp có cuống và chưa nghi ngờ ung thư hóa.

 

Đại tiện ra máu tươi do viêm loét đại trực tràng

Là bệnh tự miễn hiếm gặp ở nước ta. Bệnh nhân đại tiện nhiều lần, lẫn máu tươi, số lượng nhiều, có thể lẫn ít nhầy, nhưng bệnh nhân đau bụng. Chẩn đoán xác định bằng soi trực tràng và đại tràng.

 

Đại tiện ra máu tươi cần làm gì?

Như vậy, đại tiện máu tươi là triệu chứng của một số bệnh lý vùng hậu môn trực tràng.

Khi có biểu hiện triệu chứng này, bệnh nhân cần phải đi khám tại các trung tâm y tế có phương tiện nội soi để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ để tránh bị táo bón.

Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp hệ bài tiết, tiêu hóa tốt hơn.

Không ăn các loại thực phẩm có tính cay, nóng như hạt tiêu, ớt,.. các chất kích thích như bia, rượu, cà phê,…

Nên vận động thường xuyên không nên đứng hoặc ngồi quá lâu tránh làm tăng áp lực cho hậu môn, cản trở khi huyết lưu thông.

Tập thể dục thường xuyên ngăn ngừa nguy cơ bệnh lý

Vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn sau khi đi đại tiện tránh bị viêm nhiễm, vệ sinh từ trước ra sau tránh các vi khuẩn có hại ở hậu môn xâm nhập vào phần phụ, sau khi rửa cần lấy khăn mềm lau khô hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top