✴️ Viêm cầu thận là gì?

Bệnh cầu thận

Cầu thận đóng vai trò như những bộ lọc nhỏ bên trong thận. Mỗi thận chứa cả triệu cầu thận.

Nếu cầu thận bị tổn thương, thận không còn khả năng loại bỏ chất thải và dịch dư một cách hiệu quả. Các sản phẩm chuyển hoá không được lọc và cũng như không được bài tiết qua nước tiểu.

Bệnh cầu thận có thể nguyên phát hoặc thứ phát. Bệnh cầu thận chỉ có tổn thương khu trú ở cầu thận được gọi là bệnh cầu thận nguyên phát; các biểu hiện toàn thân khác (như cao huyết áp, các triệu chứng do tăng urê-máu,…) chỉ là hậu quả của tình trạng rối loạn chức năng cầu thận. Đại đa số các bệnh cầu thận là nguyên phát; và trong hầu hết các trường hợp, bệnh cầu thận nguyên phát thường vô căn. Bệnh cầu thận được gọi là thứ phát khi tổn thương cầu thận là một phần của một bệnh lý đa hệ thống như đái tháo đường, lupus, nhiễm trùng, hoặc do sử dụng thuốc

Triệu chứng

Viêm cầu thận cấp có thể xuất hiện đột ngột, sau khi có một đợt viêm họng hoặc nhiễm trùng da. Triệu chứng bao gồm:

  • Phù mặt khi ngủ dậy
  • Nước tiểu màu nâu hoặc có vệt máu
  • Giảm lượng nước tiểu
  • Dịch trong phổi dẫn tới ho và khó thở
  • Huyết áp cao

Viêm cầu thận mạn hình thành trong một khoảng thời gian dài, thường không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, suy giảm toàn bộ chức năng thận có thể xảy ra.

Những người mắc bệnh viêm cầu thận có thể có những tình trạng:

  • Có máu hoặc protein trong nước tiểu
  • Huyết áp cao
  • Phù mắt cá chân hoặc phud mặt vì hiện tượng giữ nước
  • Tiểu đêm thường xuyên
  • Tiểu nhiều bọt do đạm trong nước tiểu

Một người suy thận có thể cảm thấy chán ăn, buồn nôn, và nôn. Có thể cảm thấy mệt mỏi do rối loạn giấc ngủ, chuột rút xảy ra vào ban đêm. Da có thể khô và ngứa.

Một số người với bệnh lý này phải chịu đựng đau đớn dữ dội ở phần lưng, sau xương sườn, do hậu quả từ cơn đau của thận.

Một người trưởng thành khỏe mạnh đi tiểu khoảng 1,4-1,7 lít mỗi ngày. Người viêm cầu thận nặng có thể không đi tiểu được trong 2 hoặc 3 ngày.

Nguyên nhân

Cầu thận là một cấu trúc nhỏ hình cầu và là một thành phần của đơn vị thận (gọi là nephron). Một nephron chứa một cầu thận và một ống nhỏ thu thập chất lỏng, còn gọi là tiểu quản thận. Cả hai đều là cấu trúc chính trong thận.

Mao mạch cấu tạo nên cầu thận. Đây là những bộ lọc nhỏ có chức năng loại bỏ chất đã chuyển hoá trong máu. Máu đã được lọc sạch trở lại vào dòng máu. Các chất hoà tan này đi trong các tiểu quản thận và được tiểu quản thận hấp thu lại những chất quan trọng như đường, vitamin, phần lớn nước và các chất dinh dưỡng khác, sau cùng tạo thành nước tiểu di chuyển từ thận xuống bàng quang thông qua một ống gọi là niệu quản và sau đó rời cơ thể qua đường tiểu tiện.

Khi những bộ lọc này bị viêm, người bệnh bị viêm cầu thận.

Những tổn thương do viêm cầu thận gây ra làm giảm khả năng lọc máu của thận. Chất thải ứ lại trong dòng máu, và suy thận có khả năng xảy ra.

Bệnh lý này đồng thời gây giảm lượng đạm trong máu, bởi đạm bị bài tiết ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, thay vì quay trở lại dòng máu.

Yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân thường không rõ, nhưng có những yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng tới khả năng xảy ra viêm cầu thận.

Viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu có thể là hậu quả của viêm họng do vi khuẩn liên cầu hoặc hiếm hơn là từ nhiễm trùng da. Những bệnh lý nhiễm trùng, như bệnh lao và giang mai, cũng có thể dẫn tới viêm cầu thận. Điều này cũng đúng với viêm nội tâm mạc do vi khuẩn, một tình trạng nhiễm trùng của các van tim. Nhiễm siêu vi, như HIV, viêm gan siêu vi B, và viêm gan siêu vi C cũng làm tăng nguy cơ.

Viêm cầu thận cấp có thể tiến triển thành viêm cầu thận mạn tính.

Yếu tố di truyền cũng có vai trò trong cơ chế bệnh sinh, nhưng bệnh nhân có viêm cầu thận thường không có người thân trong gia đình cùng có bệnh lý này.

Sử dụng lâu dài một số thuốc, bao gồm NSAIDs (ibuprofen hay aspirin), có thể làm tăng nguy cơ.

Bệnh nhân có bệnh Hodgkin, bệnh hồng cầu hình liềm, hoặc các bệnh lý hệ thống, đặc biệt là đái tháo đường có nguy cơ cao hơn những bệnh nhân không có các bệnh lý được đề cập đến.

Xơ sẹo

Xơ sẹo của cầu thận cũng có thể dẫn tới viêm cầu thận.

Các bệnh lý bao gồm lupus và đái tháo đường có thể gây xơ sẹo của cầu thận, còn được gọi là xơ hóa cầu thận.

Xơ hoá xảy ra khi yếu tố tăng trưởng kích thích tế bào cầu thận tạo ra các thành phần tạo sẹo.

Các yếu tố tăng trưởng có thể được tạo ra bởi các tế bào cầu thận hoặc được mang tới từ nơi khác trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến đạm trong nước tiểu và cuối cùng có thể gây suy thận.

Huyết áp cao có thể gây tổn thương lên cầu thận và thay đổi chức năng thận. Đồng thời, thận đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp. Viêm cầu thận có thể gây tăng huyết áp bởi những tổn thương liên quan tới chức năng thận.

Bệnh lý thận do đái tháo đường là lí do chính dẫn đến suy thận ở Mỹ.

Bất kỳ ai mắc bệnh đái tháo đường đều có thể xuất hiện bệnh lý thận. Mức đường huyết cao được cho rằng sẽ làm dòng máu tưới thận với tốc độ nhanh hơn, tạo áp lực lên quá trình lọc máu và làm tăng huyết áp. Các mao mạch trong cầu thận suy sụp và có thể làm cầu thận hóa xơ sẹo.

Bệnh nhân đái tháo đường nên kiểm soát lượng đường đưa vào cơ thể bằng cách ăn uống điều độ, chế độ ăn hợp lý, và giữ huyết áp dưới 140 và trên 90 mmHg, ví dụ, bằng cách sử dụng thuốc như thuốc ức chế men chuyển. Điều này có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng về thận, chẳng hạn như viêm cầu thận.

Xơ hóa cầu thận khu trú từng vùng đề cập tới xơ sẹo ở từng vùng rải rác khắp thận, hoặc vì một rối loạn hệ thống hoặc vì một bệnh lý riêng biệt, mà không rõ nguyên nhân. Tình trạng này thường tiến triển thành suy thận trong vòng 5 đến 20 năm, đôi khi có một số trường hợp tiến triển thành suy thận sớm hơn.

Chẩn đoán

Vì nhiều người mắc bệnh không có triệu chứng, cần kiểm tra định kỳ hoặc xét nghiệm kiểm tra  ở những người mới tăng huyết áp hoặc mệt mỏi để phát hiện viêm cầu thận. Chẩn đoán có thể gặp khó khăn, bởi nguyên nhân thường không tìm ra.

Xét nghiệm bao gồm tổng phân tích nước tiểu để phát hiện máu hoặc đạm trong nước tiểu, xét nghiệm tìm kháng nguyên và kháng thể trong máu.

Xét nghiệm chức năng thận bao gồm xét nghiệm máu và phân tích nước tiểu để ghi nhận được nồng độ của một số chất do thận đào thải, như natri, clo, kali, và urê, đồng thời đánh giá lượng nước tiểu trong ngày.

Sinh thiết thận là quy trình sử dụng một cây kim nhỏ để lấy một mẫu mô thận. Thủ thuật này sẽ cung cấp thông tin về độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh lý.

Chẩn đoán hình ảnh có thể được thực hiện nếu có bằng chứng của tổn thương, bao gồm X-quang, siêu âm, hoặc CT scan.

Điều trị

Điều trị tùy thuộc vào tình trạng bệnh là cấp hay mạn, nguyên nhân đằng sau của tình trạng viêm cầu thận, và độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Viêm cầu thận hậu nhiễm thường tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị, nhưng bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để tiêu diệt mầm bệnh gây tình trạng nhiễm trùng.

Cá nhân người bệnh có thể phải giảm lượng nước nhập, và hạn chế thức ăn hoặc nước uống có chứa cồn, chứa nhiều đạm, nhiều muối, hoặc nhiều kali.

Lợi tiểu có thể giúp giảm huyết áp và làm chậm sự suy giảm chức năng thận, và thuốc huyết áp giúp dãn mạch. Kháng viêm và thuốc ức chế hệ miễn dịch kiểm soát tình trạng viêm.

Lọc máu tạm thời có thể cần thiết trong tình huống viêm cầu thận cấp. Trong quá trình lọc máu, một cỗ máy thực hiện vai trò của thận trong việc lọc những chất thải của cơ thể. Lọc máu cũng giúp kiểm soát huyết áp và loại bỏ dịch dư.

Một người có những vấn đề về tự miễn có thể trải qua lọc huyết tương, một quy trình loại bỏ huyết tương với kháng thể trong máu, và thay thế bằng loại dịch khác hoặc huyết tương khác.

Ghép thận có thể khả thi nếu bản thân người bệnh tương đối khỏe mạnh. Đối với người không thể ghép thận, lọc máu có thể là lựa chọn duy nhất.

Biến chứng

Viêm cầu thận có thể dẫn đến tăng huyết áp, suy tim, phù phổi và tổn thương những cơ quan khác.

Nếu không điều trị, chức năng của thận có thể suy giảm hoàn toàn. Các chất thải gây hại tích tụ nhanh chóng vì vậy lọc máu cấp cứu là cần thiết.

Khi chức năng thận suy giảm xuống dưới 10% khả năng bình thường, người bệnh sẽ có chẩn đoán là bệnh thận giai đoạn cuối và cần lọc máu định kỳ hoặc ghép thận để kéo dài tuổi thọ.

Phòng ngừa

Đa số các thể của viêm cầu thận không thể phòng ngừa, nhưng có một số cách để giảm thiểu nguy cơ:

  • Tìm tới cơ sở y tế đối với các tình trạng nhiễm liên cầu gây viêm họng hoặc chốc lở.
  • Kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp.
  • Thực hiện tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su.
  • Tránh sử dụng thuốc đường tĩnh mạch bất hợp pháp và dùng chung kim tiêm.

Lựa chọn một lối sống lành mạnh với vận động điều độ, duy trì giấc ngủ chất lượng và dinh dưỡng hợp lý có thể giảm thiểu nguy cơ viêm cầu thận, đồng thời giảm thiểu nguy cơ của các bệnh nhiễm trùng khác và bệnh tăng huyết áp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top