Giáo dục con về thất bại có thể nói là khá mới lạ với các cha mẹ. Tuy nhiên, còn một điều nữa mới mẻ hơn nhiều, đó là dạy con về thất bại của chính bản thân mình và đôi lúc dạy con CHỊU THUA. Là cha mẹ, hẳn chúng ta có thể suy ngẫm những điều sau:
Cha mẹ có tin là con sẽ luôn luôn thành công trong đời? Rõ ràng, con người có rất nhiều tham vọng. Nếu đạt được một thứ, chúng ta sẽ mong muốn đạt thứ khác lớn lao hơn. Cứ nhiều lần như vậy thì càng về sau, mong muốn đó càng cao hơn, việc đạt được mong muốn càng khó hơn. Vì thế, có thể nói, không ai có thể thành công cả đời. Vì vậy, dạy con chấp nhận thất bại của bản thân là vô cùng quan trọng.
Đôi khi, trong cuộc sống, những chiến thắng nào đó có khi đem lại rất nhiều hệ lụy và có thể là nguyên nhân của việc thất bại. Ví dụ: Nếu bạn nào luôn cố gắng chiến thắng trong mọi tranh cãi với bạn bè, điều mà bạn ấy nhận được sẽ đến từ từ, đó là sự xa lánh của bạn bè. Chẳng ai thích những người bạn háo thắng cả. Những người bạn luôn thích dạy bảo người khác, luôn muốn tỏ ra hơn người khác thì sẽ nhận được lời xì xào nói xấu nhiều hơn là những lời tâm sự chân tình. Vì thế, dạy con đối diện với thất bại là một điều vô cùng quan trọng. Các cha mẹ phải dạy con thế nào đây? Thú thật là cũng không đơn giản lắm đâu vì ai cũng có tính sĩ diện và háo thắng trong người. Tuy nhiên, có vài cách sau đây có thể trợ giúp cho trẻ rất nhiều:
1. Không chê trách, chỉ trích con về điểm số và thất bại. Thật ra, các cha mẹ luôn sợ là nếu không phê phán con vụ đó thì con sẽ không có chí tiến thủ. Các bậc phụ huynh đến các lớp học của con mà nghe, bệnh thành tích trong đó vẫn còn nặng nề lắm, các thầy cô giáo vẫn so sánh rất nhiều. Nhiêu đó là đủ để con biết phải học sao cho tốt, phải tiến thủ như thế nào rồi. Cha mẹ nói thêm cũng chẳng được gì đâu, chỉ làm cho con thêm ức chế mà thôi. Điều này có vẻ rất khó nhỉ. Nếu vậy thì giảm bớt được những lời chỉ trích bao nhiêu sẽ tốt bấy nhiêu. Đặt ra cho con một tiêu chuẩn phải vượt qua tùy thuộc vào khả năng của con, tiêu chuẩn đó phải vừa sức với con. Như vậy con sẽ làm được mọi việc dễ dàng. Khi con đạt được, cha mẹ chỉ cần ghi nhận bằng một lời khen là đủ để con sống thật sự tự tin rồi.
2. Khi con thất bại trong học tập và cuộc sống, cần động viên con. Các cha mẹ chú ý, để có thành công, con cần có thất bại. Nếu con bị chỉ trích, con sẽ ức chế và khó chịu. Điều này có thể sẽ tạo ra một vài tính xấu cho con như: nói dối để che dấu không thừa nhận thất bại, ghen tị với bạn bè, nói xấu thầy cô giáo. Những khi con thất bại, cha mẹ cần động viên con rằng lần sau con cố gắng thì mọi chuyện sẽ tốt hơn rất nhiều. Lúc đó con sẽ có động lực để phấn đấu nhiều hơn.
3. Dạy con đối mặt với thất bại. Khi con gái tôi thi lên cấp 3, cháu đạt điểm thấp hơn khả năng và mong muốn. Tuy rằng điểm đó vẫn giúp cháu vào được ngôi trường theo nguyện vọng nhưng cháu thất vọng về bản thân rất nhiều. Lúc đó, tôi gọi con vào, ngồi nói chuyện thẳng thắn. Tôi nói: “Hiện giờ con đang rất thất vọng với bản thân. Nhưng mẹ nghĩ, thay vì bực bội và đổ lỗi, con hãy nghĩ xem nguyên nhân tại sao con không đạt như mong muốn.” Tôi và con gái cùng phân tích rất kĩ và con đã hiểu ra một điểm có thể nói là rất dở hơi của con là: con rất ghét môn toán. Vì ghét nên lười học toán, và con đã phải trả giá khá đau vì kết quả kì thi. Sau vụ đó, con hiểu ra nhiều hơn, tuy vẫn ghét môn toán nhưng con cũng đã hiểu là phải học dù ghét thế nào. Đó chính là việc chấp nhận đối mặt với những thứ mình căm ghét, cố gắng sống chung với nó.
4. Dạy con chấp nhận thử thách lần 2. Khi con đã thất bại, thay vì chỉ trích, cha mẹ động viên con chấp nhận thử thách lần 2, phân tích kĩ để rút kinh nghiệm và liên tục nói: tin tưởng con sẽ chiến thắng. Nếu các cha mẹ làm tốt việc này, con sẽ dễ dàng vượt qua thử thách. Nếu con thất bại đã ngay lập tức đầu hàng thì mọi việc sẽ ngày càng tồi tệ đi. Nhưng chấp nhận thử thách lần 2, 3, 4… và tìm cách vượt qua sẽ cho con nhiều động lực hơn. Khi ấy, dù con thành công hay không, thì con vẫn sẽ học được vô khối bài học làm người.
5. Dạy con chấp nhận THUA trong một số cuộc tranh cãi. Khi con trẻ tranh cãi, chắc chắn các cháu đều thích cãi thắng. Đặc biệt, khi con ở lớp và tranh cãi với bạn bè. Tuy nhiên, nếu các cha mẹ phân tích cho con rằng: tranh cãi thắng chẳng đem lại điều gì, đôi khi nhường bạn chút ít sẽ tốt hơn, thì các con sẽ giảm dần tình háo thắng. Ngay trong gia đình, chúng ta cũng cần dạy con nhường nhịn người thân. Nếu ai đó đang tức quá, việc dừng tranh cãi chắc chắn sẽ tốt hơn là tiếp tục làm găng. Con sẽ hiểu và dần dần điều chỉnh được bản thân. Con sẽ tìm ra cách để thể hiện khi mình đúng và sẽ biết cách rút kinh nghiệm và rút lui khi mình sai.
6. Khi con sinh hoạt trong nhóm hoặc tập thể, nếu có ấm ức về dốc bầu với bố mẹ, các bố mẹ cần khuyên con “dĩ hòa vi quý”. Tranh cãi trong nhóm chắc chắn sẽ gây ra nhiều bất đồng và cản trở công việc. Sống trong nhóm, trong tập thể nếu mỗi người nhường một chút xíu thì công việc sẽ tốt đẹp và tình bạn sẽ bền vững.
7. Dạy con tuyệt đối không tìm cách đáp trả người lớn. Ngày xưa, các cụ dạy rất kĩ vụ này, nhưng ngày này có nhiều cha mẹ đã “quên” công việc này rồi. Tớ nhớ rằng ngày còn nhỏ, hễ mình đáp trả lại người lớn là bị mắng ngay là hỗn. Hồi đó tớ cũng nghĩ là rất không công bằng với người nhỏ tuổi. Tuy nhiên, sau này ra đời, tớ nhận ra rằng, nếu luôn đáp trả và chiến thắng trong mọi vụ giao tiếp như vậy, mình mất nhiều hơn là được. Đặc biệt là người lớn tuổi mà bị đáp trả thường rất khó chịu. Không có sự hợp tác thì chắc chắn chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn.
8. Hãy làm gương cho con trong mọi việc. Nếu các cha mẹ cay cú, bực tức vì thất bại, con sẽ nhanh chóng học được điều đó. Nếu cha mẹ dũng cảm ngồi rút kinh nghiệm, thừa nhận sai sót thì con cũng sẽ học theo rất nhanh. Nếu cha mẹ nhường nhịn bạn bè, người thân, thì con cũng sẽ học được.
9. Dạy con biết thể hiện chủ ý của mình mà không gây căng thẳng. Thực tế chứng minh, ngay lúc xảy ra sự việc thì ai cũng rất nóng vội. Nếu ngay lúc đó cương quyết bảo vệ chính kiến, có thể là sẽ nhận được nhiều hậu quả hơn là kết quả. Nhưng nếu chỉ cần im lặng và kiên nhẫn đợi cho mọi người bình tĩnh lại, ví dụ như để sau đó vài hôm, rồi mới bày tỏ quan điểm thì lúc đó mọi việc sẽ khác ngay. Khi tất cả đều bình tĩnh lại, chúng ta cũng có thời gian để suy nghĩ kĩ, lựa chọn cách trình bày phù hợp, khoa học và chính xác hơn thì chắc chắn chúng ta vẫn bảo vệ được chính kiến của mình mà vẫn giữ được hòa khí. Có thể nói, dạy con CHỊU THUA và CHẤP NHẬN THẤT BẠI không hề đơn giản. Nhưng việc này là vô cùng cần thiết. Nó sẽ đảm bảo cho con có quyết tâm thực hiện công việc, biết cách rút kinh nghiệm khi sai, giữ hòa khí với bạn bè và người thân. Vì thế, rất mong mỏi các bạn trẻ Việt học được bài học này. Trời rất đẹp và chúc một tháng ba tươi vui.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh