1. Mụn đinh râu và những điều bạn cần biết
Mụn đinh râu là gì?
Về bản chất, mụn đinh râu là một loại mụn độc, thường mọc ở vùng da quanh miệng như hai bên mép, cằm, môi trên, xung quanh và bên trong mũi. Vị trí mọc ở chân lông hoặc râu. Đầu mụn khi hình thành cồi trông như cây đinh nên cách gọi tên có thể xuất phát từ đây. Nhìn qua sẽ thấy mụn sưng đỏ, có mủ trắng hoặc vàng khá giống mụn trứng cá nhưng cứng và to hơn. Loại mụn này khi mọc gây đau nhức một vùng quanh nhân mụn, ê nhức như kim châm khi cử động cơ mặt.
Nguyên nhân mụn đinh râu
Không giống như mụn trứng cá thường xuất hiện ở tuổi dậy thì, mụn đinh có thể xuất hiện ở mọi đối tượng và lứa tuổi. Nguyên nhân xuất phát từ các hành động khiến da bị tổn thương và dễ hình thành mụn:
- Nặn mụn trứng cá, mụn mủ không đúng cách.
- Nhổ râu, cạo râu gây xước da mặt.
- Không kiêng cữ khi xăm môi.
- Không giữ vệ sinh da mặt.
- Da mặt bị xước gây nhiễm trùng.
Ngoài ra, do thay đổi tiết tố bên trong cơ thể hoặc do cơ địa từng người vào từng giai đoạn mà loại mụn này cũng có thể tự phát.
Các giai đoạn phát triển chính của mụn
Chu kỳ của một lần lên mụn đinh râu thường sẽ hình thành và kết thúc trong khoảng 8 - 10 ngày, qua 03 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Đau ê ẩm và sưng đỏ. Thời gian đầu trước khi hình thành, bạn sẽ cảm thấy vùng da chuẩn bị mọc mụn đau nhức mặc dù không bị tổn thương gì. Ngày hôm sau, mụn bắt đầu được hình thành và sưng lồi lên.
- Giai đoạn 2: Xuất hiện ngòi trắng, mưng mủ. Khoảng 2 - 3 ngày sau khi hình thành, bạn sẽ quan sát được nhân mụn màu trắng. Qua thời gian, phần nhân sẽ dần cứng lại tạo ngòi đen và mưng mủ bên trong.
- Giai đoạn 3: Mụn già, thoát ngòi, dần dần sẽ khô lại, đầu mụn đét cứng. Đây là thời điểm bạn có thể xử lý mụn bằng cách nặn ngòi.
2. Mụn đinh râu có nguy hiểm không?
Loại mụn này thường mọc ở vùng da quanh miệng và mũi, nơi tập trung nhiều dây thần kinh quan trọng. Việc nặn mụn không đúng cách có thể gây nhiễm trùng máu, co thắt cơ mặt, viêm tắc tĩnh mạch và nặng hơn là nguy hiểm đến tính mạng.
Vì bản chất là mụn mủ nên nếu nặn quá sớm sẽ dễ gây lây lan ra nhiều vùng da khác. Ngoài ra, những trường hợp mụn bị viêm nặng sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, thậm chí là sốt cao. Với những trường hợp trên, chúng tôi khuyến khích bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời thay vì tự xử lý ở nhà.
3. Cách phân biệt mụn đinh râu với mụn trứng cá
Mụn đinh râu rất dễ bị nhầm lẫn với mụn trứng cá thông thường, dẫn tới việc xử lý sai cách, khiến tình trạng mụn trở nên tệ hơn, gây đau đớn và tốn kém chi phí. Để phân biệt loại mụn này, bạn có thể dựa vào những dấu hiệu sau đây:
- Chủ yếu xuất hiện ở vùng da quanh miệng như vùng quanh mép, cằm và mũi (có thể mọc cả bên trong mũi), thường mọc đơn lẻ và có kích cỡ lớn.
- Cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn và chán ăn trong thời gian mọc mụn.
- Với trường hợp mụn viêm nặng sẽ xuất hiện triệu chứng sốt cao.
- Mụn cứng, sưng nóng, đỏ.
- Gây đau nhức một vùng quanh mụn.
4. Cách điều trị như thế nào?
Khi mụn đinh râu xuất hiện, bạn không nên hấp tấp nặn ngay mà phải chịu khó tuân theo những nguyên tắc nhất định để “chăm sóc” nốt mụn mà không để lại các biến chứng về sau. Việc vệ sinh và làm sạch nốt mụn cũng như các vùng da xung quanh sẽ thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của mụn
- Giai đoạn 1: Ở thời điểm này, mụn mới bắt đầu hình thành. Bạn nên vệ sinh da mặt sạch sẽ và hạn chế bôi các hóa mỹ phẩm để che nốt mụn. Hành động trên có thể gây bí tắc khiến mụn viêm nặng hơn.
- Giai đoạn 2: Hạn chế dùng tay kiểm tra nốt mụn nhất có thể. Thường xuyên dùng nước muối y tế hoặc cồn có nồng độ 1 - 3% nhẹ nhàng lau rửa vùng da có mụn. Ngoài ra, có thể sử dụng những loại kem đặc trị theo hướng dẫn của bác sĩ giúp mụn nhanh chín.
- Giai đoạn 3: Tùy vào tình trạng mụn nặng hay nhẹ mà bạn có các cách xử lý khác nhau. Nếu nhẹ, bạn có thể để mụn tự vỡ. Trong trường hợp viêm nặng, bạn nên tới các bệnh viện da liễu để được các chuyên gia sử dụng các dụng cụ được sát khuẩn để nặn mụn, tránh việc nhiễm trùng khiến mụn hình thành lại nặng hơn và có thể để lại sẹo trên da.
5. Những lưu ý trong quá trình chăm sóc
Mụn đinh râu sẽ không biến chuyển xấu nếu được chăm sóc đúng cách. Vì vậy, trong quá trình điều trị, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Hạn chế ăn đồ dầu mỡ, cay nóng.
- Hạn chế sữa động vật và các chế phẩm từ sữa động vật.
- Tránh chạm tay lên mụn.
- Không sử dụng chườm đá và chườm nóng lên nốt mụn
- Hạn chế để hóa mỹ phẩm tiếp xúc với nốt mụn.
- Vệ sinh da mặt và nốt mụn sạch sẽ.
- Không áp dụng các phương pháp dân gian như bôi tỏi tươi lên mụn,...
Xem thêm: Phân biệt mụn với nhọt
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp