1. Hiểu biết cơ bản về bệnh viêm tai giữa
Tai được chia làm ba phần, gồm: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai giữa và tai trong là khu vực nằm phía sau màng nhĩ. Viêm tai giữa là tên gọi chung của một nhóm các bệnh lý tại khu vực tai giữa. Nguyên nhân của bệnh này có thể do vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong tai hoặc do tác động từ các yếu tố bên ngoài. Ở trẻ em, nguyên nhân bệnh còn do chưa chức năng vòi nhĩ và hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện.
Bệnh có hai dạng chính là:
– Viêm tai giữa cấp thường diễn ra ở trẻ dưới 3 tháng tuổi. Nguyên nhân chính là do nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, đặc biệt là ở những đối tượng mắc bệnh bạch cầu, sởi, ho gà…
– Viêm tai giữa mạn là tình trạng bệnh kéo dài hơn ba tháng. Lúc này, bệnh không chỉ ảnh hưởng tới khoang tai giữa mà còn lan sang các cơ quan khác như thượng nhĩ, sào bào, xương chũm…
Bệnh viêm tai giữa thường gặp ở trẻ em
2. Giai đoạn viêm tai giữa vỡ mủ ở người bị bệnh
Bệnh viêm tai giữa sẽ trải qua 3 giai đoạn: sung huyết, ứ mủ và vỡ mủ. Tương ứng với mỗi giai đoạn, mức độ nguy hiểm của bệnh sẽ khác nhau và có xu hướng tăng dần.
2.1. Viêm tai giữa vỡ mủ có biểu hiện gì?
Vỡ mủ là giai đoạn sau khi ứ mủ mà không được điều trị kịp thời. Vì thế, các triệu chứng bệnh ở giai đoạn này bao gồm những biểu hiện bệnh ở cả giai đoạn viêm tai giữa ứ mủ, chỉ khác nhau về mức độ biểu hiện. Ở thời kỳ ứ mủ, người bệnh có biểu hiện sốt, chảy dịch mũi, ho, có thể kèm theo rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhân bị đau tai rõ rệt, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt hàng ngày. Ở bệnh nhân nhi, trẻ có thể quấy khóc và bỏ bú, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.
Khi bệnh tiến triển tới giai đoạn ứ mủ, các bác sĩ sẽ cân nhắc việc chích rạch mủ để dẫn lưu mủ ra ngoài, giảm áp lực trong khoang tai giữa. Sau đó, việc điều trị vẫn được tiếp tục với các loại thuốc theo chỉ định.
Tới giai đoạn vỡ mủ, dịch mủ đã tự phá vỡ phần mỏng của màng nhĩ để thoát ra ngoài. Phần dịch chảy ra ở tai lúc đầu có màu vàng và chuyển dần sang dạng đục nhầy. Áp lực trong khoang tai giữa được giảm đi đáng kể, giúp các triệu chứng bệnh cũng thuyên giảm.
Ở giai đoạn vỡ mủ, các triệu chứng của viêm tai giữa có xu hướng giảm dần
2.2. Cách điều trị ở giai đoạn viêm tai giữa vỡ mủ
Ở giai đoạn vỡ mủ, thủng màng nhĩ là biến chứng nhiều người quan tâm nhất vì lo lắng ảnh hưởng tới khả năng thính giác của người bệnh. Tuy nhiên điều này không quá đáng lo ngại vì màng nhĩ thường tự lành. Thời gian của quá trình kéo lành màng nhĩ là khoảng vài tuần hoặc vài tháng với điều kiện tai được giữ khô, không bị vi khuẩn tấn công.
Để đảm bảo điều trị viêm tai giữa giai đoạn vỡ mủ, người bệnh phải tuyệt đối tránh để nước vào tai, khiến môi trường phía trong ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Bên cạnh đó, bạn cũng cần sử dụng kháng sinh, uống thuốc chống viêm hoặc các loại thuốc khác theo chỉ định tới khi tai không còn mủ, khô ráo hoàn toàn.
Việc dùng thuốc nhỏ tai để làm sạch tai cần phải được lưu ý đặc biệt, nhất là khi thành phần thuốc có aminosid. Bạn nên tham khảo y kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc nhỏ tai, tuyệt đối không dùng thuốc nếu không có sự chỉ định của bác sĩ.
Việc tự ý điều trị có thể kiến quá trình lành màng nhĩ lâu hơn, tăng nguy cơ nhiễm trùng màng nhĩ. Biến chứng xa hơn là ảnh hưởng khả năng nghe, ổ nhiễm trùng có thể lan sang các vùng cận kề và gây ra các bệnh nguy hiểm như: áp xe não, viêm màng não, viêm xoang tĩnh mạch, liệt mặt…
Người bệnh cần giữ tai khô ráo, tránh bị vi khuẩn thâm nhập
3. Các cách phòng tránh viêm tai giữa
Nhìn chung, viêm tai giữa là một bệnh lý phổ biến, không quá nguy hiểm nếu sớm phát hiện và được điều trị tốt. Viêm tai giữa nếu bị tái đi tái lại sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thống tai giữa, làm giảm thính lực. Vì thế, chúng ta nên chủ động phòng tránh bệnh bằng cách tạo một môi trường sống trong lành, hạn chế các yếu tố gây viêm nhiễm đường hô hấp trên như khói thuốc lá.
Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, cha mẹ nên hạn chế để bé bú nằm, nhất là vào ban đêm. Nếu trẻ có biểu hiện sổ mũi phải chữa sớm và dứt điểm để tránh bệnh kéo dài có thể lan sang khoang tai gây viêm tai giữa. Trẻ cũng cần được chích ngừa vaccine phòng viêm tai giữa do khuẩn phế cầu gây ra.
Viêm tai giữa ở giai đoạn đầu có những triệu chứng không rõ ràng nên rất khó phát hiện. Rất nhiều trường hợp chỉ phát hiện bị viêm tai giữa khi bệnh đã ở giai đoạn vỡ mủ, chảy mủ trong tai. Việc phát hiện bệnh ở trẻ lại càng khó hơn bởi trẻ chưa biết nói hoặc khó miêu tả cho người lớn.
Phụ huynh nên chú ý biểu hiện ban đầu của bệnh ở trẻ là quấy khóc, khó chịu, dỗ không nín, thường lắc đầu, dụi tai. Khi thấy bé có một số dấu hiệu này, cha mẹ có thể nắm vành tai của bé và kéo ngược lên. Nếu trẻ khóc ré lên thì có nghĩa là tai của trẻ đang có vấn đề, bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai-mũi-họng sớm.
Ở người lớn, bệnh nhân sẽ thường xuyên bị sốt, cảm giác mệt mỏi, đau nhức tai, ù tai kéo dài. Khi nhận thấy những triệu chứng này, bạn cũng nên khám sớm tại các cơ sở y tế để tránh tình trạng bệnh kéo dài, gây biến chứng tới chức năng thính giác.
Với những thông tin trong bài viết này, hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ hơn về bệnh viêm tai giữa và cách chủ động phòng tránh, ngăn ngừa bệnh tái phát. Chúc bạn sức khỏe!
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh