Những sai lầm hay mắc phải khi đánh răng

Có rất nhiều sai lầm mà bạn có thể gặp phải khi chải răng, từ việc chải răng không đúng cách, cho đến thời điểm chải răng và loại kem đánh răng sử dụng đều có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ răng miệng của bạn.

Không thay bàn chải thường xuyên

Bạn không nhớ lần cuối cùng bạn thay bàn chải là khi nào? Mặc dù chúng ta phụ thuộc vào bàn chải để giữ răng miệng sạch sẽ, nhưng rất nhiều người trong số chúng ta quên mất rằng, chúng ta cũng phải giữ bàn chải sạch sẽ. Theo CDC, bàn chải nên được thay mới 3-4 tháng/lần hoặc thậm chí là thường xuyên hơn nếu lông bàn chải bị cùn. Vi khuẩn trong miệng và nhà tắm có thể tích tụ dần trên bàn chải theo thời gian, từ đó có thể khiến lông bạn chải bị cùn và không làm sạch răng hiệu quả.

 

Chỉ chải răng một lần một ngày

Theo khuyến nghị, bạn cần chải răng ít nhất 2 lần/ngày, vào lúc trước khi ăn sáng và trước khi đi ngủ buổi tối là tốt nhất. Trong suốt cả ngày và ban đêm, các mảng bám dính sẽ bám lại trên răng và viền lợi. Ăn thực phẩm ngọt có thể khiến các mảng bám sẽ tấn công men răng và khiến bạn bị sâu răng. Nếu những mảng bám này bị lờ đi trong một khoảng thời gian dài, chúng sẽ tích tụ lại cứng hơn và tạo thành cao răng, gây viêm lợi.

 

Chải răng quá nhanh

Cũng giống như rửa tay, chải răng cần có một khoảng thời gian nhất định để giúp giữ cho răng luôn khoẻ mạnh: hai phút. Nghiên cứu cho thấy chải răng trong vòng 2 phút sẽ giúp loại bỏ gần như gấp đôi lượng mảng bám so với những người đánh răng nhanh hơn.

 

Dùng chỉ nha khoa sau khi chải răng

Rất nhiều người tự hào rằng họ tuân theo một quy tắc chải răng đúng khi dùng chỉ nha khoa sau khi chải răng. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai. Nghiên cứu cho rằng dùng chỉ nha khoa trước khi chải răng, thay vì sau khi chải răng sẽ làm giảm số lượng mảng bám tích tụ trên răng. Dùng chỉ nha khoa sẽ giúp loại bỏ các thức ăn thừa giữa các kẽ răng và nếu bạn thực hiện sau khi chải răng, thì những mảng thức ăn này sẽ “bơi” ở trong mồm của bạn. Ngược lại, chải răng sau khi dùng chỉ nha khoa sẽ giúp loại bỏ toàn bộ vi khuẩn. Trên thực tế, dùng chỉ nha khoa góp phần loại bỏ khoảng 40% vi khuẩn trong miệng.

 

Dùng chụp hoặc hộp đựng bàn chải ngay sau khi chải răng

Để bàn chải hở trong không khí không phải là lựa chọn an toàn, nhưng nếu bạn dùng chụp hoặc hộp đựng bàn chải ngay sau khi chải răng thì việc này thậm chí còn tệ hơn. Chụp bàn chải sẽ tạo ra một môi trường lý tưởng để nuôi dưỡng vi khuẩn do các lông bàn chải vẫn còn ướt. Trên thực tế, đa số các vi khuẩn trên lông bàn chải sẽ bị tiêu diệt bằng cách để bàn chải trong không khí. Cách an toàn nhất, theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ là dựng đứng bàn chải lên và để tự khô trong không khí.

 

Không rửa bàn chải ngay sau khi chải răng

Sau khi bạn chải răng xong, cần thực hiện thêm một bước nữa. Hãy đảm bảo rằng bạn đã rửa sạch các lông của bàn chải để dự phòng vi khuẩn tích tụ lại. Bạn cũng chỉ cần dùng nước từ vòi ra ra để rửa sạch, vậy là đủ. Trên thị trường có nhiều sản phẩm diệt khuẩn, và bạn có thể nghĩ rằng có thể sử dụng những sản phẩm này để rửa bàn chải? Vậy thì bạn nên nghĩ lại. Theo CDC, việc ngâm, rửa bàn chải trong dung dịch nước súc miệng hoặc bất cứ dung dịch diệt khuẩn nào là không cần thiết, thậm chí có thể làm tăng lượng vi khuẩn trong miệng.

 

Chỉ dùng một loại kem đánh răng duy nhất

Có rất nhiều lý do khiến bạn yêu thích sử dụng một loại kem đánh răng nào đó. Kể cả khi bạn mua loại kem đánh răng đó vì hàng loạt thành phần đặc biệt, nhưng có thể vẫn không thu được lợi ích gì. Ví dụ, kem đánh răng làm trắng răng, có thể là một ý tưởng hay, nhưng thực ra chúng có thể sẽ làm tổn thương men răng nếu bạn phụ thuộc vào chúng nhiều hơn so với thời gian khuyến nghị.  Một điểm nữa bạn cần lưu ý đó là thời gian hết hạn sử dụng. Nếu bạn nhận thấy bạn có một tuýp kem đánh răng cũ, bạn nên vứt đi, đặc biệt là nếu kem đánh răng có chứa triclosan. Nghiên cứu cho thấy triclosan có thể gây ảnh hưởng đến tuyến giáp và thậm chí là ảnh hưởng đến khả năng xử lý kháng sinh của cơ thể.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top