Triệu chứng ung thư tuyến nước bọt

Tuyến nước bọt

Tuyến nước bọt là tên gọi của nhiều loại ống, tuyến có nhiệm vụ mang nước bọt đến miệng, cổ và các xoang. Nước bọt sẽ giúp niêm mạc miệng và các xoang luôn ẩm ướt. Nước bọt là một dịch lỏng, trong chứa rất nhiều enzyme giúp bạn phân huỷ thức ăn. Nước bọt cũng có chứa các loại kháng thể và các chất khác giúp bảo vệ miệng và họng khỏi tình trạng nhiễm trùng.

Ung thư tuyến nước bọt xảy ra khi các tế bào bất thường hình thành ở các mô trong tuyến nước bọt hoặc hình thành ở các ống nối giữa các tuyến nước bọt.

Tuyến nước bọt bao gồm 2 loại là tuyến nước bọt chính và tuyến nước bọt nhỏ

Tuyến nước bọt chính được chia thành 3 loại:

  • Tuyến mang tai: đây là tuyến nước bọt lớn nhất và nằm phía trước tai. Gần 80% khối u tuyến nước bọt là ở tuyến mang tai nhưng đa số lại là lành tính, chỉ có 20-25% là ác tính (ung thư).
  • Tuyến dưới lưỡi: đây là tuyến nước bọt chính nhỏ nhất, nằm ở dưới khoang miệng và cạnh lưỡi. Khối u ở tuyến dưới lưỡi rất hiếm gặp mặc dù nguy cơ khối u ở vị trí này là ác tính lên đến 40%
  • Tuyến dưới hàm: nằm ở phía dưới hàm, có chức năng vận chuyển nước bọt đến vùng dưới lưỡi. Khoảng 10-20% khối u tuyến nước bọt sẽ phát triển ở tuyến dưới lưỡi và khoảng 90% trong số này là u ác tính.

Ngoài 3 tuyến nước bọt chính, còn vô số các tuyến nước bọt nhỏ nằm ở niêm mạc môi, vòm họng và lưỡi, trong má, mũi và các xoang. Khối u phát triển tại các tuyến nước bọt nhỏ này thường rất hiếm gặp, tuy nhiên, nếu có, thì nguy cơ ung thư sẽ cao hơn. Vòm họng là vị trí phổ biến nhất.

 

Triệu chứng ung thư tuyến nước bọt.

Triệu chứng ung thư tuyến nước bọt có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào có tuyến nước bọt, tuy nhiên các vị trí khác nhau vẫn thường cho các dấu hiệu giống nhau, cụ thể:

  • Khối u phát triển ở bên trong miệng, hàm, má hoặc cổ
  • Bị loét ở trong miệng
  • Thường xuyên bị đau ở bên trong miệng, hàm, má, cổ hoặc tai
  • Một bên mặt thường sẽ bị sưng lên so với bên còn lại
  • Khó mở miệng rộng
  • Tê miệng, hàm
  • Yếu cơ ở một bên mặt
  • Khó nuốt (triệu chứng ở giai đoạn muộn)

 

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến nước bọt

Cho đến nay, vẫn chưa rõ tại sao ung thư tuyến nước bọt phát triển. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ sẽ làm tăng nguy cơ phát triển dạng ung thư hiếm gặp này. Những yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Tuổi: người cao tuổi thường dễ phát triển ung thư tuyến nước bọt hơn, độ tuổi được chẩn đoán trung bình là 64
  • Giới: ung thư tuyến nước bọt phổ biến hơn ở nam giới
  • Phơi nhiễm với tia xạ: nếu bạn gần đây mới điều trị xạ trị vùng đầu hoặc cổ, nguy cơ ung thư tuyến nước bọt sẽ cao hơn. Cũng giống như vậy, những người phơi nhiễm với tia xạ tại nơi làm việc hoặc với các chất phóng xạ cũng sẽ có nguy cơ cao hơn
  • Một số ngành nghề sẽ có nguy cơ ung thư cao hơn: phục vụ bàn, dọn nhà, sửa chữa điện nước, thợ sơn nhà, thợ hàn,…
  • Dinh dưỡng kém cũng là một yếu tố nguy cơ của tình trạng ung thư tuyến nước bọt.

Nếu bạn có tiền sử gia đình bị ung thư tuyến nước bọt, nguy cơ của bạn có thể sẽ cao hơn. Tuy nhiên, đa số những bệnh nhân ung thư tuyến nước bọt đều không có tiền sử gia đình. Cũng nên lưu ý rằng, một khối u tuyến nước bọt lành tính ban đầu cũng có thể sẽ phát triển thành khối u ác tính theo thời gian.

 

Các giai đoạn

Ung thư tuyến nước bọt được chia thành 5 giai đoạn:

  • Giai đoạn 0: khối u ở nguyên vị trí và chưa lan ra các mô bên cạnh, thông thường giai đoạn này tỷ lệ điều trị khỏi rất cao
  • Giai đoạn 1: khối u dưới 2cm và chưa lan ra các mô hoặc hạch bạch huyết bên cạnh
  • Giai đoạn 2: khối u lớn hơn 2cm nhưng nhỏ hơn 4cm, chưa lan
  • Giai đoạn 3: khối u trên 4cm và/hoặc đã lan ra các mô mềm hoặc hạch bạch huyết ở bên cạnh
  • Giai đoạn 4: khối u đã di căn đến các cơ quan khác

 

Điều trị

Ung thư tuyến nước bọt chỉ chiếm 6% trong tổng số các loại ung thư vùng đầu và cổ khác. Do vậy, bạn nên làm việc với một bác sĩ chuyên về ung thư vùng đầu cổ hoặc ung thư tuyến nước bọt. Điều trị thường dựa vào mức độ ung thư cũng như giai đoạn ung thư.

Ung thư mức độ nặng, phát triển nhanh sẽ cần phải điều trị tích cực hơn, bằng cả việc phẫu thuật và xạ trị, hoá trị. Ung thư mức độ nhẹ có thể không cần điều trị tích cực do tốc độ phát triển chậm. Phối hợp điều trị bao gồm:

  • Phẫu thuật: cắt bỏ khối u cùng với các mô, tuyến và hạch bạch huyết xung quanh
  • Xạ trị: để làm hẹp và tiêu diệt các tế bào ung thư.
  • Hoá trị: ít được sử dụng trong điều trị ung thư tuyến nước bọt.

 

Triển vọng

Triển vọng điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại ung thư, vj trí ung thư, giai đoạn ung thư, tuổi, giới….Nhưng tỷ lệ sống khi bị ung thư nhìn chung là:

  • 94% với những dạng ung thư chưa di căn
  • 65% với ung thư đã di căn tới các mô và hạch bạch huyết xung quanh
  • 35% với ung thư đã di căn ra ngoài tuyến nước bọt

 

Kết luận

Nếu bạn nhận thấy bất cứ thay đổi nào ở trong miệng, họng, hàm, ví dụ như khối u, sưng hoặc đau, hãy đi khám ngay lập tức. Chẩn đoán sớm sẽ giúp điều trị được dễ dàng hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top