✴️ Tụt nướu có lấp đầy lại được không? Những điều cần biết về tụt nướu

Nướu khỏe mạnh ôm khít lấy phần thấy được của răng, tức là thân răng. Tụt nướu là tình trạng  nướu bị tụt xuống làm lộ chân răng bên dưới.

Không giống như phần thân răng, chân răng không có lớp men bảo vệ bao phủ. Điều này khiến chân răng bị lộ nhạy cảm và dễ bị sâu hơn.

Một khi mô nướu bị tụt thì không thể lấp đầy trở lại. Tuy nhiên, có một số phương pháp điều trị có thể giúp tái tạo mô nướu quanh răng.

Bài viết này khái quát về các phương pháp điều trị tụt nướu, cũng như các cách làm chậm và ngưng lại quá trình tụt nướu.

Nguyên nhân gây tụt nướu

Có nhiều tác nhân khác nhau gây tụt nướu, chẳng hạn:

Bệnh viêm nha chu

Bệnh viêm nha chu, hay còn gọi là bệnh nha chu, là tình trạng nhiễm trùng nướu răng và các cấu trúc khác trong miệng.

Tình trạng viêm nhiễm này xảy ra do sự tích tụ vi khuẩn được gọi là mảng bám.

Các yếu tố có thể là nguyên nhân hoặc góp phần gây ra bệnh viêm nha chu bao gồm:

  • Vệ sinh răng miệng kém;
  • Răng chen chúc;
  • Miếng trám hỏng hoặc sai kĩ thuật;
  • Cầu răng hoặc hàm giản bán phần không còn khít sát;
  • Yếu tố di truyền;
  • Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ hoặc do thuốc tránh thai;
  • Thuốc gây khô miệng;
  • Một số rối loạn miễn dịch;
  • Căng thẳng;
  • Hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm từ thuốc lá.

Có hai giai đoạn của bệnh viêm nha chu:

  • Viêm nướu

Viêm nướu khiến nướu sưng, đỏ và đôi khi chảy máu. Nếu không điều trị, viêm nướu có thể dẫn đến viêm nha chu.

  • Viêm nha chu

Viêm nha chu là giai đoạn muộn của bệnh viêm nha chu và có thể gây tụt nướu.

Khi nướu và các mô liên kết bị đẩy tụt khỏi răng, một túi hình thành giữa răng và nướu, từ đó tích tụ vi khuẩn. Dần dần, vi khuẩn sẽ gây viêm nhiễm nhiều hơn.

Nếu tụt nướu quá nhiều có thể dẫn đến tiêu xương, gây lung lay răng và mất răng.

Chải răng quá mạnh và không đúng cách

Chải răng thường xuyên là cần thiết để duy trì thói quen vệ sinh răng miệng tốt. Tuy nhiên, thực hiện kỹ thuật chải răng không đúng cách có thể góp phần gây ra tụt nướu.

Đường viền nướu là phần nướu tiếp xúc với thân răng. Chải răng không đúng cách hoặc quá mạnh có thể làm tổn thương đường viền nướu, từ đó có thể gây viêm nướu và tụt nướu.

Các yếu tố chải răng không đúng cách có thể gây tụt nướu bao gồm:

  • Sử dụng quá nhiều lực;
  • Dùng bàn chải lông cứng hoặc lông cứng trung bình;
  • Chải răng theo chiều ngang, biên độ lớn.

Nghiến răng

Một số người nghiến răng trên và dưới với nhau trong khi ngủ.

Hành động nghiến răng tạo lực quá tải lên vùng nướu, có thể gây tụt nướu dần theo thời gian.

Nghiến răng cũng có thể khiến răng lung lay trong ổ răng. Nghiến răng tạo ra những túi sâu giữa răng và nướu, nơi vi khuẩn tích tụ. Những vi khuẩn này gây nên tình trạng viêm nhiễm nướu răng, khiến tình trạng tụt nướu trầm trọng thêm.

Chấn thương

Chấn thương trực tiếp đến mô nướu có thể làm tụt nướu ở vùng đó. Những tổn thương như vậy có thể xảy ra trong các trường hợp sau.

  • Khi bị té hoặc gặp tai nạn;
  • Khi đang thực hiện thủ thuật nha khoa;
  • Trong khi đeo hàm giả bán phần không phù hợp;
  • Trong khi chơi các môn thể thao tương tác.

Điều trị

Điều trị tụt nướu tùy thuộc vào nguyên nhân tiềm ẩn. Các phương pháp điều trị sau đây có thể giúp hồi phục mô nướu quanh răng:

  • Cạo vôi răng và xử lý mặt gốc răng

Cạo vôi răng và xử lý mặt gốc răng là các điều trị đầu tiên cho việc tụt nướu mà nha sĩ khuyến nghị.

Những thủ thuật này loại bỏ mảng bám và vôi răng dưới đường viền nướu, nơi mà khi chải răng không làm sạch tới được.

Xử lý mặt gốc răng loại bỏ mảng bám và vôi răng đặc biệt ở vùng chân răng. Sau đó, nha sĩ sẽ sử dụng những dụng cụ chuyên biệt để làm nhẵn chân răng, giúp nướu liên kết lại với răng.

  • Phẫu thuật ghép nướu

Nha sĩ có thể khuyến nghị phẫu thuật ghép nướu nếu nướu của bạn bị tụt trầm trọng.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ lấy một mảnh nhỏ mô nướu từ nơi khác của miệng và dùng nó để che lại vùng chân răng bị lộ.

Phẫu thuật ghép nướu giúp ngăn ngừa việc tiêu xương và tụt nướu thêm. Nó cũng có thể bảo vệ phần chân răng bị lộ do sâu răng.

  • Phẫu thuật Pinhole

Phẫu thuật Pinhole (PST) là một phương pháp điều trị tương đối mới cho tình trạng tụt nướu nhẹ đến trung bình.

PST là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu bằng cách tạo một lỗ nhỏ trên mô nướu phía trên chân răng bị lộ.

Nha sĩ sẽ đưa một dụng cụ đặc biệt vào lỗ này để tách nướu ra khỏi răng, sau đó sẽ kéo giãn và tái tạo lại vị trí của nướu phủ lên chân răng bị lộ.

Phòng ngừa

Những mẹo sau đây có thể giúp làm chậm hoặc dừng lại quá trình tụt nướu:

Giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt

  • Dùng chỉ nha khoa ít nhất mỗi ngày 1 lần;
  • Dùng kem đánh răng có fluor;
  • Chải răng mỗi ngày 2 lần với bàn chải lông mềm;
  • Dùng nước súc miệng kháng khuẩn để giảm lượng vi khuẩn  và loại bỏ cặn bẩn;
  • Lựa chọn bàn chải có kích thước và hình dạng cho phép tiếp cận tất cả các vùng trong miệng;
  • Thay bàn chải mỗi 2-4 tháng;
  • Khám răng định kỳ theo lịch hẹn.

Thực hiện kĩ thuật chải răng đúng cách

Áp dụng kĩ thuật chải răng đúng cách có thể giúp ngăn ngừa tụt nướu.

Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ đưa ra các hướng dẫn sau:

  • Đặt bàn chải ở vùng nướu với góc 45o.
  • Sử dụng lực nhẹ nhàng, đưa bàn chải tới lui với biên độ nhỏ.
  • Chải cả mặt trong và mặt ngoài, cũng như mặt nhai của răng.
  • Khi làm sạch mặt trong của răng trước, cầm bàn chải theo chiều dọc.
  • Chải răng trong vòng 2 phút.

Bạn cũng có thể xin ý kiến của nha sĩ về các cách điều chỉnh kĩ thuật chải răng để kiểm soát tình trạng tụt nướu của mình.

Đeo dụng cụ bảo vệ miệng

Đeo dụng cụ bảo vệ miệng vào ban đêm có thể giúp ngăn ngừa tụt nướu do nghiến răng. Dụng cụ bảo vệ miệng tạo ra một áp lực đều khắp xương hàm và hoạt động như một rào cản vật lý để ngăn cách răng hàm trên và hàm dưới.

Dụng cụ bảo vệ miệng có bán sẵn ở các nhà thuốc. Nha sĩ cũng có thể tạo ra dụng cụ bảo vệ miệng cá nhân mang lại cảm giác vừa vặn hơn.

Thay mới hàm giả không còn khít sát

Hàm giả bán phần đã từng khít sát trước đây có thể trở nên không tương thích với miệng theo thời gian. Điều này có thể xảy ra vì một số lý do, bao gồm:

  • Xương và nướu co lại theo thời gian;
  • Sự khác biệt trong căn chỉnh hàm;
  • Sự hao mòn của hàm giả bán phần.

Hàm giả bán phần không còn khít sát có thể chà xát và gây kích ứng nướu, khiến nướu quanh răng khỏe mạnh bị tụt. Bạn có thể ngăn ngừa điều này bằng cách thay thế hàm giả bán phần cũ khi cần thiết.

Khám nha sĩ định kỳ

Thăm khám nha khoa rất quan trọng trong việc phát hiện các giai đoạn sớm của tình trạng tụt nướu.

Thăm khám cũng có thể giúp nha sĩ xác định và thay mới các miếng trám hỏng hay hàm giả bán phần không còn khít sát là yếu tố góp phần gây tụt nướu.

Tóm lại

Khi nướu đã bị tụt, chúng ko thể đầy lại được nữa. Tuy nhiên, một số điều trị có thể tái tạo và tái bám dính mô nướu quanh răng.

Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng tốt và thăm khám nha khoa thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa, làm chậm hoặc ngưng lại tình trạng tụt nướu.

Bạn nên xin ý kiến nha sĩ cho lời khuyên phù hợp để phòng ngừa và điều trị tụt nướu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top