Vì đâu gây nên bệnh hôi miệng?

Chứng hôi miệng là một tình trạng gây xấu hổ có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai bất cứ lúc nào, và được gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân phổ biến nhất gây hôi miệng có thể phòng ngừa và điều trị dễ dàng, tuy nhiên một số tình trạng bệnh nhất định cũng có thể gây ra hơi thở hôi. Hơi thở hôi mãn tính có thể cho thấy bạn đang mắc phải một tình trạng bệnh tiềm ẩn và cần được điều trị bởi nha sỹ hoặc bác sỹ.

Tìm hiểu về những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng hơi thở hôi, và khi nào bạn nên đi khám nha sĩ vì chứng hôi miệng của bạn.

Nguyên nhân: Thực phẩm

Thức ăn chúng ta ăn có thể ảnh hưởng xấu đến hơi thở. Mùi tỏi, hành tây, bắp cải và một số loại gia vị có thể dẫn đến chứng hôi miệng khi thức ăn được hấp thu vào dòng máu sau khi tiêu hóa. Khi máu đã chuyển đến phổi, mùi của thức ăn sẽ xuất hiện khi bạn thở ra.

Quá trình tiêu hóa là một nguyên nhân khác gây hơi thở hôi. Khí được tạo ra trong quá trình tiêu hóa có thể thoát ra khỏi miệng của bạn và gây mùi. Tiêu hóa kém dẫn đến táo bón và rối loạn ruột cũng có thể góp phần gây ra hơi thở hôi do khí được tạo ra trong quá trình này.

 

Nguyên nhân: Đánh răng và dùng chỉ nha khoa không thường xuyên

Khi thức ăn chúng ta ăn bị mắc kẹt ở những nơi khó chải như răng khôn, những nang lông nhỏ xíu trên lưỡi, hoặc đơn giản chỉ vì việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa bị bỏ quên, thức ăn sẽ bắt đầu phân hủy trong miệng của bạn. Miệng có nhiệt độ trong lý tưởng cho thực phẩm bắt đầu phân hủy. Khi bạn thở ra, mùi từ thực phẩm phân hủy, vi khuẩn và mảng bám gây ra mùi khó chịu.

 

Nguyên nhân: Các bệnh và nhiễm trùng đường miệng

Bệnh nha chu liên quan trực tiếp đến việc chải răng và dùng chỉ nha khoa không đúng cách. Một khi bạn đã bị hôi miệng thì điều này chứng tỏ, các bệnh và nhiễm trùng đường miệng của bạn đã không thể hồi phục được. Sự tích tụ mảng bám, vi khuẩn và thực phẩm đã bị phân hủy góp phần gây hơi thở hôi vì chúng đã phá hủy các mô tế bào xung quanh răng.

Các loại vi khuẩn gây bệnh nướu răng, sâu răng và răng bị áp xe cũng góp phần gây chứng hôi miệng.

 

Nguyên nhân: Khô miệng

Khô miệng là một tình trạng làm giảm sản xuất nước bọt. Rất nhiều yếu tố gây khô miệng, một vài trong số đó có thể cần phải được điều trị bởi bác sĩ của bạn.

Nước bọt rất cần thiết để bôi trơn miệng để nhai và nuốt. Nước bọt tự nhiên làm sạch miệng và giúp ngăn ngừa sâu răng. Nếu bạn đang bị khô miệng, hơi thở hôi có thể là do các vụn thức ăn vẫn còn bị mắc kẹt trong miệng bắt đầu bị thối và gây ra mùi khó chịu.

 

Nguyên nhân: Hút thuốc lá

Hơn 4.000 hóa chất đã được xác định có trong thuốc lá, 200 trong số đó là các chất độc. Ung thư phổi và COPD là những bệnh rõ ràng mà bạn nghĩ đến khi bạn nghĩ về các nguy cơ sức khoẻ liên quan đến thuốc lá. Nhưng bạn có biết hút thuốc lá cũng là một nguyên nhân chính gây bệnh nha chu? Khói được tạo ra từ một điếu thuốc được hít vào phổi và sau đó thở ra qua mũi và miệng. Điều này gây ra một hiệu ứng hôi miệng ngay lập tức bởi vì các hóa chất và khói vẫn còn tồn dư trong miệng và đường hô hấp của bạn. Tiếp tục sử dụng thuốc lá góp phần gây bệnh nướu răng, một nguyên nhân chính gây ra hơi thở hôi.

 

Nguyên nhân: Các tình trạng bệnh tật

Hơi thở hôi không rõ nguyên nhân hoặc mạn tính có thể là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý khác.

Toan ceton xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường khi không có đủ glucose trong máu để cơ thể sử dụng làm năng lượng. Một dấu hiệu rõ ràng của tình trạng toan ceton là có mùi trái cây trong hơi thở. Những người bị rối loạn ăn uống và những người thường xuyên ăn kiêng cũng có thể bị chứng hôi miệng. Hơi thở có mùi cá hoặc mùi amoniac có thể gặp ở những người bị suy thận mãn tính. Sau khi nôn mửa kéo dài hoặc nếu ruột bị tắc nghẽn, hơi thở có thể có mùi giống như phân. Viêm xoang và nhiễm trùng phổi cũng gây hôi miệng. Trẻ em có dị vật bị mắc kẹt trong mũi cũng có thể bị chứng hôi miệng.

 

Điều trị và dự phòng hơi thở hôi

Để điều trị chứng hơi thở hôi, nguyên nhân gốc rễ của chứng hôi miệng cần phải được xác định. Hãy đến gặp nha sĩ nếu bạn bị hôi miệng mãn tính.

Các sản phẩm không kê đơn như kẹo cao su, kẹo bạc hà, thuốc xịt miệng, và nước súc miệng sẽ chỉ làm giảm chứng hơi thở hôi tạm thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top