Vì sao răng bị đau vào buồi sáng khi thức dậy?

Nguyên nhân khiến rau bị đau khi thức dậy

Nghiến răng khi ngủ

Những người mắc chứng này, khi ngủ sẽ vô thức nghiến chặt hàm và nghiến răng. Nếu bạn mắc chứng nghiến răng, bạn cũng có thể nghiến chặt hàm khi thức, gọi là chứng nghiến răng khi thức giấc. Những cơn nghiến răng thường xuyên có thể dẫn đến: bệnh đau răng, đau tai, đau hàm, đau đầu, tổn thương răng.

Mặc dù nguyên nhân gây ra chứng nghiến răng khi ngủ vẫn chưa được biết, nhưng căng thẳng và các rối loạn liên quan đến giấc ngủ, bao gồm cả chứng ngưng thở khi ngủ, thường có thể là nguyên nhân chính, thậm chí là do di truyền.

Viêm xoang

Nếu bạn bị đau răng hàm sau khi ngủ dậy thì có thể là do bạn bị viêm xoang. Các xoang nằm ngay phía trên răng, nếu bạn bị viêm xoang, dịch có thể tích tụ ở đó khi bạn nằm, kể cả khi bạn ngủ. Điều này có thể gây đau ở răng hàm trên hoặc răng hàm nhỏ. Các triệu chứng phổ biến khác của viêm xoang bao gồm: đau đầu, ho, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, khó ngửi, mệt mỏi, sốt.

Rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ)

Khớp thái dương hàm nối xương hàm với hộp sọ ở mỗi bên khuôn mặt. Viêm và kích ứng ở khớp thái dương hàm có thể gây ra cơn đau ở mặt, cổ, răng, khớp. Nguyên nhân gây rối loạn khớp thái dương hàm là do chứng nghiến răng và viêm khớp ở hàm. Các triệu chứng phổ biến của rối loạn khớp thái dương hàm gồm: đau răng, đau đầu, đau mặt, đau tai, đau hàm khi ăn hoặc nói, có tiếng kêu lục cục khi mở hoặc đóng hàm, cứng khớp hàm.

Sâu răng

Sâu răng là nguyên nhân phổ biến gây đau răng. Khi không được điều trị, sâu răng có thể lan rộng vào tuỷ răng - nơi chứa các dây thần kinh và mạch máu của răng. Sâu răng không được điều trị có thể gây đau nhức dữ dội hoặc đau nhói theo từng đợt.

Bệnh về nướu

Bệnh nướu răng ở giai đoạn sớm và nhẹ được gọi là viêm nướu. Viêm nướu có thể khiến nướu đỏ, sưng tấy và chảy máu khi đánh răng. Khi mảng bám tích tụ dọc theo đường viền nướu, tình trạng đau răng có thể xảy ra. Bệnh nướu răng không được điều trị có thể biến thành viêm nha chu, một dạng bệnh nướu răng nghiêm trọng. Viêm nha chu là một bệnh nhiễm trùng nướu lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến nướu, răng, mô và xương hàm. Viêm nha chu gây đau răng và đôi khi mất răng.

Răng bị mọc lệch, ngầm

Một chiếc răng bị mọc lệch, ngầm khi nó không thể mọc xuyên qua đường viền nướu. Răng bị mọc lệch, ngầm một phần hoặc toàn bộ khi không có đủ chỗ trong miệng để chứa chúng. Điều này có thể là do răng mọc chen chúc và di chuyển. Răng bị mọc lệch, ngầm có thể gây ra:

  • Nướu đỏ, sưng và đau
  • Đau âm ỉ, đau nhức hoặc đau dữ dội

Răng hàm có nhiều khả năng bị mọc lệch, ngầm nhất. Răng nanh hàm trên cũng có thể bị mọc lệch, ngầm.

Áp xe răng

Áp xe là một túi mủ do nhiễm trùng vi khuẩn. Áp xe răng có thể xảy ra ở chân răng hoặc ở nướu xung quanh răng. Áp xe có thể gây đau nhức dữ dội cũng như gây sưng nướu và sốt.

 

Một số biện pháp khắc phục tại nhà cho chứng đau răng

Có một số biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp giảm hoặc loại bỏ cơn đau răng nhẹ mà bạn cảm thấy chủ yếu vào buổi sáng. Đầu tiên, hãy cố gắng xác định nguyên nhân gây đau răng vào buổi sáng bằng cách đọc qua phần mô tả các tình trạng trên.

Bạn có thể thử một hoặc nhiều cách sau để tìm ra cách nào có tác dụng với cơn đau của bạn:

  • Đeo máng chống nghiến răng vào ban đêm nếu bạn nghiến răng hoặc mắc bệnh rối loạn khớp thái dương hàm.
  • Dùng thuốc chống ngạt mũi không kê đơn nếu bạn nghi mình bị viêm xoang hoặc đến gặp bác sĩ.
  • Sử dụng kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm nếu răng bị đau khi ăn hoặc uống đồ nóng, lạnh.
  • Đắp một miếng bông gòn nhúng vào tinh dầu đinh hương lên răng bị mọc lệch, ngầm vài lần mỗi ngày.
  • Súc miệng bằng nước muối ấm vài lần mỗi ngày
  • Chườm lạnh 15 phút mỗi lần, vài lần mỗi ngày
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen.

 

Khi nào nên đi gặp bác sĩ?

Các triệu chứng cần được nha sĩ đánh giá bao gồm:

  • Đau răng, xoang hoặc đau nướu dữ dội
  • Cơn đau không đáp ứng điều trị hoặc giảm đi sau vài ngày
  • Sưng mặt
  • Dấu hiệu nhiễm trùng nướu như đỏ, sưng hoặc rò rỉ mủ
  • Sốt

Sâu răng, răng bị mọc lệch, mọc ngầm, áp xe và bệnh nướu răng phải được nha sĩ điều trị. Điều này sẽ giúp ngăn chặn hoặc giảm thiểu mọi tổn thương gây ra và giảm nguy cơ nhiễm trùng hoặc mất răng.

 

Một số phương pháp điều trị

  • Những lỗ sâu răng đủ lớn gây đau răng cần được trám lại. Những lỗ sâu nghiêm trọng hơn có thể sẽ được bọc mão răng hoặc lấy tuỷ răng
  • Viêm nướu thường được điều trị bằng vệ sinh răng miệng tốt và hỗ trợ nha khoa như làm sạch chuyên nghiệp thường xuyên
  • Viêm nha chu có thể điều trị bằng cách cạo cao răng và làm sạch chân răng, giúp loại bỏ mảng bám bên dưới đường viền nướu và làm phẳng bề mặt chân răng. Trường hợp viêm nặng có thể phải phẫu thuật nha khoa
  • Áp xe răng thường cần phải dẫn lưu và dùng kháng sinh để ngăn chặn nhiễm trùng. Bạn cũng có thể cần thêm thủ thuật như lấy tuỷ hoặc nhổ răng
  • Răng mọc lệch, ngầm gây đau cần phải nhổ bỏ
  • Viêm xoang cấp tính được điều trị bằng kháng sinh để giúp loại bỏ vi khuẩn. Viêm xoang mạn tính có thể cần phải cắt bỏ các polyp phát triển trong khoang mũi. Phẫu thuật cũng có thể giúp mở các khoang xoang hoặc loại bỏ tắc nghẽn hạn chế không khí đi qua xoang.

Có nhiều nguyên nhân gây đau răng vào buổi sáng có thể đáp ứng với các phương pháp điều trị tại nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp cần đến sự chăm sóc của nha sĩ. Nếu thấy các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc bất thường gì thì hãy đi gặp nha sĩ để được điều trị sớm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top