ĐÁNH GIÁ TRÀO NGƯỢC HỌNG THANH QUẢN VÀ RỐI LOẠN NUỐT BẰNG THANG ĐIỂM RSI, RFS VÀ BẢNG CÂU HỎI EAT – 10 Ở BỆNH NHÂN KHÀN TIẾNG

Nội dung

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trào ngược họng thanh quản là sự trào lên của dịch trong dạ dày lên vùng họng và thanh quản. pH acid và các men tiêu hóa trong dịch dạ dày có thể dẫn đến tổn thương ở niêm mạc họng và thanh quản. Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán trào ngược họng thanh quản là đo pH đồng thời ở đoạn xa thực quản và hạ họng. Tuy nhiên, kĩ thuật đo phức tạp và giá trị bình thường của phương pháp đo này rất thay đổi theo các tác giả khác nhau. Theo Wiener, chỉ cần có một đợt trào ngược họng thanh quản trong vòng 24 giờ được xem là bệnh lý. Tuy vậy, rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các đợt trào ngược họng thanh quản có thể diễn ra ở một người khỏe mạnh.

Vì những lí do trên, năm 2002, Belafsky và cộng sự đã xây dựng thang điểm RFS và RSI với mục đích ứng dụng vào lâm sàng trong chẩn đoán trào ngược họng thanh quản, cũng như giảm sự chủ quan của thầy thuốc trong chẩn đoán bệnh lý này. RSI là thang điểm bao gồm các triệu chứng cơ năng của trào ngược họng thanh quản. RSI ≥13 điểm gợi ý có trào ngược họng thanh quản. RFS khảo sát biểu hiện của trào ngược họng thanh quản trên nội soi thanh quản. RFS ≥ 7 điểm có giá trị gợi ý chẩn đoán. 

Trào ngược họng thanh quản đã được báo cáo là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến rối loạn giọng. Theo thống kê, có gần 50% bệnh nhân rối loạn giọng có biểu hiện trào ngược. Trong khi đó, rối loạn nuốt được xem là một trong những triệu chứng không đặc hiệu mà rất nhiều bệnh nhân khàn tiếng than phiền.

Có rất nhiều công cụ để khảo sát triệu chứng rối loạn nuốt. Một trong những bảng câu hỏi thường được sử dụng nhất trên lâm sàng là bảng câu hỏi EAT – 10. EAT – 10 được phát triển bởi một nhóm các chuyên gia về rối loạn nuốt, đã được thẩm định và được chứng minh là có độ thống nhất và độ tin cậy cao.

KẾT LUẬN

Số bệnh nhân khàn tiếng có điểm RSI từ 13 điểm trở lên là 12,8%. Triệu chứng than phiền nhiều nhất là tằng hắng hoặc khạc nhổ, cảm giác vướng đàm hoặc nghẹn ở cổ, có chất nhầy trong họng hoặc chất nhầy từ mũi xuống họng và ho khó chịu.

Có 23,1% bệnh nhân có điểm RFS từ 7 điểm trở lên. Đặc điểm thường gặp nhất trên nội soi ở nhóm bệnh nhân này là phù nề dây thanh, phù nề thanh quản lan tỏa, sung huyết thanh quản và quá mép sau.

Những bệnh nhân khàn tiếng có biểu hiện trào ngược họng thanh quản trên lâm sàng (dựa vào điểm RSI từ 13 hoặc RFS từ 7) là 25,6%.

Có 17,9% bệnh nhân khàn tiếng có biểu hiện rối loạn nuốt dựa theo bảng câu hỏi EAT – 10. Trong đó, 92,9% số bệnh nhân này có biểu hiện trào ngược họng thanh quản. Ở những bệnh nhân có biểu hiện rối loạn nuốt và trào ngược họng thanh quản, và than phiền về nuốt thường gặp nhất là nuốt đau (38,5%).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Belafsky PC, Postma GN, Koufman JA (2002). Validity and reliability of the reflux symptom index (RSI). J Voice, 16 (2): 274–277.
  2. Koufman JA, Amin MR,  Panetti M (2000). Prevalence of reflux in 113 consecutive patients with laryngeal and voice disorders. Otolaryngol Head Neck Surg, 123: 385–388.
  3. Smith CF (2000). Gastropharyngeal and gastroesophageal reflux in globus and hoarseness. Arch Otolaryngol Head Neck Surg, 126: 827–830.
  4. Wiener GJ, Koufman JA, Wu WC, Cooper JB, Richter JE (1989). Chronic hoarseness secondary to gastroesophageal reflux disease: documentation with 24-h ambulatory pH monitoring. Am J Gastroenterol,  84: 1503–1508.
  5. Koufman JA, Aviv JE, Casiano RR, Shaw GY (2002). Laryngopharyngeal reflux: position statement of the committee on speech, voice, and swallowing disorders of the American Academy of Otolaryngology-Head and Neck Surgery. Otolaryngol Head Neck Surg,  127: 32–35.
  6. Belafsky PC, Mouadeb DA,  Rees CJ (2008). Validity and reli-ability  of  the  Eating  Assessment  Tool  (EAT-10). Ann  Otol  Rhinol Laryngol.,  117(12): 919-924.
  7. Burgos R, Sarto B,  Segurola H (2012). Translation and validation of the Spanish version of the EAT-10 (Eating Assessment Tool-10)  for  the  screening  of  dysphagia  [in  Spanish]. Nutr Hosp,  27(6): 2048-2054.
  8. Lechien JR, Hamdan AL,  Schindler A (2019). Evaluation and Management of Laryngopharyngeal Reflux Disease: State of the Art Review. Otolaryngology–Head and Neck Surgery, 160(5):762-782.

 

 

return to top