✴️ Sỏi kẹt niệu đạo: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Nội dung

Sỏi kẹt niệu đạo phần lớn do sỏi từ bàng quang và đường tiết niệu trên rơi xuống. Bệnh thường xảy ra ở nam giới với tỷ lệ ít nhất trong nhóm bệnh sỏi hệ tiết niệu. Tuy nhiên người bệnh không thể chủ quan, bởi đây là bệnh lý rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

 

1. Sỏi kẹt niệu đạo là gì?

Sỏi niệu đạo là các tinh thể cứng hình thành ngay tại niệu đạo hoặc những viên sỏi rơi từ bàng quang, niệu quản và thận xuống. Các viên sỏi tại niệu đạo không bài xuất ra khỏi cơ thể và mắc kẹt lại niệu đạo.

Nam giới có đường niệu đạo dài hơn nữ giới nên thường gặp phải tình trạng này. Thông thường 2/3 sỏi sẽ xuất hiện ở niệu đạo trước và 1/3 sỏi xuất hiện ở niệu đạo sau. Sỏi thường kẹt lại tại các đoạn hẹp như hố thuyền, gốc dương vật, xoang tuyến tiền liệt…

Sỏi niệu đạo nam giới có tính chất cứng, hình thoi, nằm dọc niệu đạo, thường chỉ có một viên.

 

2. Những dấu hiệu sớm của sỏi kẹt niệu đạo

Tình trạng này gây ra những dấu hiệu sau:

– Người bệnh bị đau bụng dưới, đau dương vật: Ống niệu đạo rất nhỏ, viên sỏi chắn ngang chèn ép các dây thần kinh cảm giác. Không chỉ thế, sỏi còn cọ sát vào niêm mạc niệu đạo gây ra triệu chứng đau bụng dưới, đau buốt dương vật. Bệnh nhân đi lại nhiều và làm việc nặng cơn đau càng dữ dội hơn.

– Người bệnh bị tiểu buốt, khó tiểu: Niệu đạo rất nhỏ nên khi viên sỏi chặn ngang làm bít tắc đường tiểu. Viên sỏi cản trở sự lưu thông của dòng nước tiểu khiến cho người bệnh khó tiểu. Đồng thời sỏi cọ xát vào niêm mạc niệu đạo khiến người bệnh bị đau buốt khi đi tiểu.

– Nước tiểu có lẫn máu, nước tiểu đục màu vàng sẫm, có mùi hôi: Nước tiểu có lẫn máu vì viên sỏi va chạm với niệu quản gây chảy máu. Khi sỏi gây tổn thương niệu đạo dẫn đến viêm nhiễm gây ra tình trạng nước tiểu đục, màu vàng sẫm và có mùi hôi.

– Người bệnh bị sốt, ớn lạnh và buồn nôn: tình trạng này xảy ra do viêm nhiễm đường tiết niệu…

 

3. Nguyên nhân gây ra tình trạng sỏi kẹt niệu đạo

Sỏi niệu đạo chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong bệnh lý sỏi hệ tiết niệu. Tình trạng sỏi kẹt niệu đạo được gây ra do ba nguyên nhân sau:

– Nguyên nhân chủ yếu nhất là do sỏi bàng quang, sỏi niệu quản và sỏi thận di chuyển xuống niệu đạo và mắc kẹt tại đây.

– Nguyên nhân thứ hai do sỏi hình thành ngay tại niệu đạo. Nước tiểu ứ đọng lâu ngày tại những chỗ bị chít hẹp trong niệu đạo tạo thành sỏi.

– Nguyên nhân thứ ba do nam giới bị hẹp bao quy đầu hay bao quy đầu bị viêm dính khiến nước tiểu bị ứ đọng tại đây gây sỏi kẹt niệu đạo.

nguyên nhân gây sỏi kẹt niệu đạo

Nguyên nhân chủ yếu gây sỏi niệu đạo là do sỏi từ thận, niệu quản, bàng quang di chuyển xuống

 

4. Biến chứng nguy hiểm

4.1. Gây ra tình trạng viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang, viêm thận

Đây là biến chứng sớm nhất, do sỏi kẹt niệu đạo gây ra ứ đọng nước tiểu, viên sỏi cọ xát niêm mạc niệu đạo gây ra những tổn thương cùng với môi trường nước tiểu dẫn đến sự sinh sôi của vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu. Tình trạng viêm có thể lan đến bàng quang và thận.

4.2. Gây ra tình trạng thận ứ nước, giãn đài bể thận

Khi viên sỏi chặn đường nước tiểu gây ra tình trạng nước tiểu bị ứ đọng trong thận, niệu quản và bàng quang. Tình trạng này không được can thiệp sẽ dẫn đến thận ứ nước, giãn đài bể thận rất nguy hiểm.

4.3. Gây biến chứng suy thận cấp và mạn tính

Sỏi kẹt trong niệu đạo không được xử lý sớm gây nguy cơ nhiễm trùng thận, thận ứ nước. Kéo dài khiến chức năng thận bị mất, gây ra suy thận cấp và mạn tính.

 

5. Chẩn đoán sỏi kẹt niệu đạo như thế nào?

– Bước thứ nhất thăm khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ dựa vào những triệu chứng mà bệnh nhân cung cấp để đưa ra nhận định. Qua thăm khám bằng tay sẽ thấy sỏi kẹt ở niệu đạo đoạn dương vậy. Thăm khám bằng dụng cụ sẽ thấy sỏi va chạm với dụng cụ kim loại.

– Bước thứ 2, bệnh nhân được chỉ định các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh

+ Xét nghiệm nước tiểu để xác định trong nước tiểu có các thành phần khác như mủ, máu hay không.

+ Xét nghiệm máu xác định tình trạng viêm ở mức độ nào.

+ Các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp X Quang, chụp CT… giúp xác định chính xác vị trí và kích thước của viên sỏi.

 

6. Điều trị

6.1. Điều trị sỏi kẹt niệu đạo bằng phương pháp nội khoa

Căn cứ vào kết quả thăm khám cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị thích hợp.

Nếu có thể điều trị nội khoa bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân thuốc giảm đau, kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc giãn cơ trơn, thuốc lợi tiểu… Nhằm mục đích khiến viên sỏi tự bài xuất ra khỏi cơ thể theo đường tiểu.

6.2. Điều trị sỏi kẹt niệu đạo bằng phương pháp ngoại khoa

Điều trị nhằm mục đích loại bỏ sỏi, làm thông thoáng đường tiểu và xử lý tình trạng viêm. Với những trường hợp sỏi kẹt niệu đạo gây bít tắc hoàn toàn đường tiểu cần mổ cấp cứu. Vì nước tiểu bị ứ lại có thể dẫn đến tình trạng gây vỡ thận.

Trường hợp không cấp cứu, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp tán sỏi công nghệ cao. Hiện nay có 3 phương pháp tán sỏi tiên tiến giúp loại bỏ sỏi hệ tiết niệu. Với những ưu điểm vượt trội là không mổ, không đau và nhanh hồi phục. Ba phương pháp tán sỏi đó là:

– Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể: Không mổ, không xâm lấn, không có sẹo, không chảy máu…

– Phương pháp tán sỏi qua da đường hầm nhỏ: Xâm lấn rất ít (đường kính vết rạch chỉ 0,5cm), ít đau, ít chảy máu…

– Phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng: Tán sỏi theo đường tự nhiên, không mổ, ít đau, mau hồi phục…

Sỏi kẹt niệu đạo là bệnh lý ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm. Chính vì vậy, khi thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào tại hệ tiết niệu, cần kịp thời thăm khám để nâng cao hiệu quả điều trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top