Yếu tố nào ảnh hưởng đến men răng?

Hiện nay, tỷ lệ nhiễm sắc răng khá cao trong cộng đồng. Theo một nghiên cứu, có 86,9% người dân có răng bị nhiễm sắc và 89,97% người dân mong muốn có hàm răng trắng đẹp... Như vậy, có nhiều người trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ mong muốn có hàm răng trắng đẹp để tự tin trong giao tiếp. Vậy, đổi màu răng do đâu? Giải pháp nào giúp hàm răng trắng đẹp? Bài viết sau đây giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Yếu tố nào ảnh hưởng đến men răng?

Màu sắc răng phụ thuộc vào tính thấm, độ trong mờ, tính tán sắc, đặc tính quang học của men răng và bị ảnh hưởng bởi tất cả các cấu trúc men, ngà và tủy răng. Bất kỳ sự thay đổi cấu trúc nào trong suốt quá trình hình thành, phát triển có thể gây ra thay đổi đường truyền ánh sáng và dẫn đến thay đổi màu sắc răng.

Mọi người quan niệm, thức ăn và đồ uống không thể làm thay đổi màu răng, tuy nhiên, trên thực tế các loại đồ uống như: trà, cà phê, thuốc lá, gia vị, rau và rượu vang đỏ, cocacola... lắng đọng vào cấu trúc răng và khiến răng bị đổi màu. Nhất là các nước trái cây có màu và màu tối như nho. Các loại thức ăn có màu như xì dầu, nước sốt cà chua, cacao, mận,... cũng là một nguyên nhân gây thay đổi màu răng.
Vệ sinh răng miệng kém, chải răng không đúng cách tạo ra mảng bám răng và cao răng lắng đọng chất ngoại lai gây nhiễm sắc răng. Ngoài ra, do liên kết với các caution ở thuốc khử trùng và muối kim loại, những chất không có màu hoặc màu sắc khác với những vết màu được tạo ra như kết quả của một phản ứng hóa học với những hợp chất khác. Các nước súc miệng có chứa chloherxidine, hexetidine cũng gây nên nhiễm màu khi sử dụng trong thời gian dài.

Do rối loạn trong quá trình phát triển răng làm rối loạn hình thành và phát triển của men răng và ngà răng. Đối với một số trường hợp dùng thuốc kháng sinh trong thời kỳ hình thành răng có thể gây nhiễm sắc răng. Phổ biến và gây hậu quả nặng nhất là nhiễm sắc răng sau khi dùng thuốc tetracycline ở phụ nữ mang thai hoặc trẻ em dưới 12 tuổi đang trong thời kỳ hình thành xương và răng.
Một số trường hợp mắc bệnh về máu và các yếu tố khác cũng có thể làm thay đổi màu răng như: Nhiễm sắc bilirubin: bilirubin máu cao bẩm sinh, nhiễm sắc porphyrin, alkapton niệu. Sâu răng, chấn thương răng cũng gây đổi màu...

 

Dự phòng để bảo vệ răng tốt nhất

Để phòng bệnh răng miệng nói chung, thay đổi màu răng nói riêng, ngay từ nhỏ cần biết cách vệ sinh răng miệng đúng cách. Chải răng đúng cách ngay sau khi ăn.

Một chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng và hạn chế đồ ăn uống có màu làm thay đổi màu răng cũng là một biện pháp dự phòng hiệu quả. Trong thời kỳ mọc răng cần cung cấp đầy đủ canxi và các khoáng chất, vi chất giúp cho quá trình khoáng hóa men răng tốt.

Nên uống nước chè hoặc cà phê, các nước có tính acid hoặc có màu bằng ống hút và sau uống phải súc miệng bằng nước lọc.

Khám răng định kỳ từ 3-6 tháng/ lần. Khi mắc các bệnh về răng miệng, cần tới cơ sở y tế có chuyên khoa uy tín để được điều trị các tổn thương sâu răng, khi có các tổn thương sâu răng phải hàn phục hồi lại. Điều cực kỳ quan trọng ngay từ nhỏ khi dùng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ nhi khoa, không sử dụng thuốc kháng sinh nhóm tetracyclin  cho bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 12 tuổi. Khi sử dụng viên uống fluor cần tuân thủ sự kiểm soát chặt chẽ của nha sĩ.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm nước súc miệng, nhiều người tự ý sử dụng không đúng cách dẫn đến thay đổi màu răng, vì vậy, khi sử dụng nước súc miệng cần tham khảo ý kiến của nha sĩ; không sử dụng nước súc miệng chlohexidine trong thời gian dài.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Để có hàm răng trắng đẹp, cần lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần, chăm sóc răng đúng cách. Đối với những răng đổi màu, nhiều bạn trẻ thường tẩy trắng răng. Tuy nhiên, nếu tẩy trắng răng không đúng kỹ thuật cũng bị đổi màu, vì vậy để tẩy trắng răng hiệu quả và an toàn cho người sử dụng cần phải đến các cơ sở y tế.

Các trường hợp đổi màu sậm kết hợp với bề mặt men răng xù xì không nhẵn bóng để trắng đẹp có thể làm: veener composite, veener sứ hoặc chụp sứ toàn phần. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa răng hàm mặt có uy tín khám và điều trị.

Men răng có vị trí ngoài cùng của răng, giúp răng chịu được tác động của acid, kiềm, nóng, lạnh. Fluor và canxi là hai yếu tố kiến tạo nên men răng. Khi uống, fluor sẽ nạp vào cấu trúc răng đang hình thành trong bề dày xương hàm, chưa mọc; sau khi răng đã mọc fluor cũng có thể ảnh hưởng “từ bên ngoài” vào lớp men răng. Trẻ sinh ra từ những bà mẹ khẩu phần ăn lúc mang thai thiếu canxi và fluor hay khi còn nhỏ không được cung cấp đủ hai chất này thì sẽ bị thiểu sản men răng (men răng không được mịn, có những đám màu trên mặt răng) hoặc thiểu sản ngà răng (ngà răng bị khiếm khuyết khiến cho răng bị trắng đục hay xanh tái, phần trên răng bị màu xám đen, phần dưới có màu vàng nhợt nhạt).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top