Sự cần thiết của chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng

Nội dung

40% người trong dân số toàn cầu có mắc viêm mũi dị ứng, 30% người sẽ có thể bị nổi mày đay ít nhất 1 lần trong đời, 20% số trẻ sinh ra có thể mắc viêm da cơ địa, 5% người lớn và 7% trẻ em có mắc hen suyễn, 1% người trong dân số mắc mày đay mạn tính. Những con số thống kê cho thấy dị ứng không phải là một bệnh lý hiếm gặp, thế nhưng đôi khi căn bệnh này lại chưa thực sự được lưu tâm.

Mặc dù bệnh lý dị ứng phổ biến, nhưng tại Việt Nam, hiện còn rất ít các bệnh viện hay trung tâm chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh lý dị ứng. Do đó, khi triệu chứng dị ứng xuất hiện ở cơ quan trên cơ thể người thì người bệnh sẽ đi đến chuyên khoa liên quan để khám và điều trị. Ví dụ như người bệnh mày đay hay viêm da cơ địa sẽ khám ở chuyên khoa da liễu, viêm mũi dị ứng sẽ khám tại chuyên khoa tai mũi họng, hen suyễn sẽ khám tại chuyên khoa hô hấp. Các chuyên khoa đã điều trị rất tốt các bệnh lý dị ứng này. Tuy nhiên, các bệnh lý dị ứng thường đi chung với nhau và đó là bệnh hệ thống liên quan đến rối loạn miễn dịch. Cho nên, việc thăm khám tại các nơi có chuyên khoa Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng sẽ giúp có cách nhìn tổng quát về tình trạng dị ứng, tìm nguyên nhân và hướng dẫn người bệnh cách theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng ở cơ quan khác, từ đó sẽ có cách quản lý bệnh dị ứng toàn diện hơn. 

 

Sai lầm: Dị ứng là bệnh da liễu 

Đây là hiểu lầm thường gặp nhất và người dân cứ luôn cho rằng bệnh lý da nào cũng có thể do dị ứng gây ra, và ngược lại, bệnh dị ứng là chỉ khi nào bị “ngứa” da mà thôi. Thật ra, bệnh lý da có thể liên quan đến rối loạn miễn dịch, hay dị ứng, thường gặp nhất là mày đay, viêm da cơ địa và vảy nến. Tuy nhiên, nhiều bệnh lý về da khác lại không liên quan đến dị ứng. Ngược lại, bệnh lý dị ứng ngoài ảnh hưởng đến da, còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác như mắt, mũi, phổi, đường tiêu hoá… 

 

Sai lầm: Nổi mày đay là do giun sán hay do gan yếu 

90% bệnh nhân nổi mày đay cấp hay mạn tính sẽ tự xét nghiệm hoặc yêu cầu bác sĩ xét nghiệm tìm tình trạng nhiễm ký sinh trùng, cũng như đánh giá chức năng gan, do một “truyền thuyết” lưu truyền trong dân gian cứ hễ mày đay là do nhiễm giun hoặc gan yếu. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp sau khi điều trị giun thì vẫn tiếp tục nổi mày đay, xét nghiệm chức năng gan hầu như bình thường, làm cho người bệnh tiếp tục hoang mang vì cả bác sĩ và người bệnh không hiểu tại sao. Theo các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị mày đay trên thế giới, mày đay liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, thậm chí không rõ nguyên nhân, nên không chỉ dựa vào 2 xét nghiệm trên là có thể xác định được nguyên nhân gây bệnh. Các bác sĩ được huấn luyện về dị ứng và miễn dịch sẽ biết cần phải làm gì và tư vấn cho bệnh nhân hiểu rõ về tình trạng bệnh, giúp bệnh nhân bớt lo lắng và an tâm điều trị. 
Sai lầm: Dị ứng với tất cả các loại thức ăn 

Một sai lầm tiếp theo là những người bệnh bị nổi mày đay mạn tính, kéo dài thường hay cho rằng mình dị ứng với thức ăn, từ đó ăn kiêng khem mọi thứ, chỉ dám ăn thịt heo và cá đồng, rau xanh. Nhưng cho dù có ăn kiêng đến “ốm o gầy mòn” thì mày đay vẫn cứ nổi. Lý do là tình trạng mày đay mạn tính kể trên không liên quan đến dị ứng thức ăn nên dù có ăn hay có kiêng thì vẫn không hết bệnh. Người bệnh cần phải được thăm khám, xét nghiệm (nếu cần) và tư vấn đúng cách để có thể an tâm điều trị.

 

Sai lầm: Dị ứng với tất cả các loại thuốc

Tình huống rất thường gặp tại phòng khám Dị ứng – Miễn Dịch Lâm Sàng, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM, là tình trạng bệnh nhân đến miêu tả mình dị ứng với rất nhiều loại thuốc. Nhưng đại đa số trường hợp là do bệnh nhân dị ứng với nhóm thuốc kháng viêm-giảm đau (như paracetamol, ibuprofen, diclofenac…). Do dị ứng với nhiều loại thuốc kháng viêm mà các toa thuốc thường có kèm một trong các loại thuốc này nên khi uống toa thuốc nào cũng có tình trạng sưng quanh mắt, sưng môi, sưng lưỡi, nổi mày đay, làm cho người bệnh và cả nhân viên y tế hiểu nhầm là dị ứng “tất cả các loại thuốc”. Điều khó khăn là khi bệnh nhân đang cần phẫu thuật, hoặc đang cần dùng thuốc thì mới được chỉ định đi khám dị ứng, đến đó thì phải trì hoãn do cần phải làm xét nghiệm tìm loại thuốc dị ứng hoặc an toàn cho người bệnh trước khi phẫu thuật. Do đó, người bệnh dị ứng thuốc cần chủ động đến khám ngay, tránh để trường hợp khi cần dùng thuốc mới đi khám, vì sẽ làm trì hoãn cuộc phẫu thuật hoặc việc điều trị các bệnh lý khác. Nguy hiểm hơn, nếu người bệnh không được xét nghiệm tìm thuốc an toàn thì việc dùng nhầm thuốc gây dị ứng có thể gây ra tình trạng dị ứng nặng (như sốc phản vệ), nguy cơ tử vong cao.

 

Sai lầm: Bệnh dị ứng có thể lây

Rất nhiều trường hợp bé bị viêm da cơ địa (hay còn gọi là chàm thể tạng), khi đi học bị bạn bè xa lánh, thầy cô cũng ngại tiếp xúc vì sợ bị lây bệnh. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và sự phát triển kỹ năng xã hội của trẻ, gây áp lực tâm lý cho cả bố mẹ và người thân. Trong khi người thân của bé hiểu rất rõ là bệnh lý viêm da cơ địa nói riêng và bệnh lý dị ứng nói chung không phải là bệnh lây nhiễm, nhưng do kiến thức của cộng đồng còn rất hạn chế về bệnh lý này nên sinh ra tâm lý lo sợ. Do đó, cộng đồng cần được trang bị những kiến thức đúng đắn về bệnh lý dị ứng để có thể sống chung và hỗ trợ với những người có bệnh dị ứng trong nơi làm việc hay nơi ở.

Đó là một vài ví dụ thường gặp về những sai lầm về bệnh lý dị ứng. Những hiểu lầm này sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, làm tăng gánh nặng kinh tế cho cá nhân, xã hội do việc chẩn đoán và điều trị không đúng cách. Từ sau đại dịch Covid-19, vai trò của miễn dịch học trong y khoa đã được nhìn nhận một cách đúng mức hơn. Miễn dịch học không chỉ liên quan đến sự đề kháng của cơ thể trước các bệnh lý nhiễm trùng, cũng như vắc-xin và tiêm chủng, nó còn liên quan đến các bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh tự miễn, điều trị ung thư, ghép tạng và một lĩnh vực khá lớn của miễn dịch là các bệnh lý dị ứng. Thiết nghĩ, để không bị tụt hậu so với sự phát triển của thế giới, kiến thức về dị ứng - miễn dịch lâm sàng cần được giảng dạy nhiều hơn trong chương trình giáo dục y khoa các bậc học, cũng như đưa vào chương trình giáo dục cộng đồng để nâng cao kiến thức bảo vệ sức khoẻ cho người dân. 

 

TS.BS Phạm Lê Duy

return to top