✴️ Bệnh trào ngược dạ dày và chứng trào ngược khi ngủ

Nội dung

1. Bản chất của trào ngược dạ dày – thực quản là gì?

1.1. Bản chất

– Trào ngược dạ dày – thực quản mô tả một dòng chảy ngược của acid từ dạ dày đến thực quản. Các đợt trào ngược thỉnh thoảng là bình thường. Khi chúng xảy ra một cách thường xuyên sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng đó được gọi là bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD).

– Đối với bệnh nhân bị GERD, triệu chứng trào ngược thường xảy ra ít nhất một lần mỗi tuần. Các triệu chứng có thể tăng dần mức độ khó chịu.

– Các triệu chứng thường xuất hiện hoặc nặng lên về đêm do hiện tượng acid trào ngược khi ngủ.

– Trào ngược dạ dày – thực quản thường xảy ra ở người lớn. Tuy nhiên nó cũng có thể xảy ra ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.

 

1.2. Cơ chế sinh bệnh

Bình thường, cơ ở thực quản (cơ vòng) hoạt động như một rào cản để ngăn acid từ dạ dày chảy ngược lên. Khi các cơ này bị yếu, chúng không đóng kín được hàng rào. Do vậy, acid từ dạ dày có thể trào lên.

 

2. Triệu chứng của GERD là gì?

Dưới đây là các triệu chứng phổ biến nhất của trào ngược dạ dày – thực quản (tuy nhiên không phải người bệnh nào cũng đều có tất cả các triệu chứng này):

– Ợ hơi;

– Ợ chua;

– Ợ nóng;

– Nóng rát sau xương ức. Thậm chí xuất hiện đau ngực lan tỏa

– Một số trường hợp xảy ra khó nuốt hoặc có cảm giác vướng ở cổ họng

– Buồn nôn, nôn cũng là một triệu chứng phổ biến khác của trào ngược dạ dày – thực quản. Khi đó, một lượng nhỏ acid dạ dày và đôi khi có cả ít thức ăn trào lên miệng hoặc vùng cổ họng.

– Ngoài ra, nếu acid trong dạ dày trào ngược đến vùng hầu họng và thanh quản, các triệu chứng có thể xảy ra khi đang ngủ hoặc khi bắt đầu ngủ. Khi đó, người bệnh có thể phải thức dậy để ho, có cảm giác nghẹn, nói khàn. Đồng thời, có thể xảy ra tình trạng đau ngực nhiều, đau lan lên cổ hoặc ra sau lưng. Cơn đau đó có thể kéo dài hàng phút đến hàng giờ.

Bên cạnh các triệu chứng khó chịu tạm thời, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản theo thời gian có thể gây tổn thương đáng kể cho thực quản. Theo đó, bệnh làm tăng nguy cơ gây ung thư thực quản.

 

3. Bệnh trào ngược khi ngủ

3.1. Tại sao xuất hiện trào ngược khi ngủ?

Có một số nguyên nhân giải thích tình trạng bệnh GERD thường nặng hơn vào ban đêm, khi ngủ.

– Thứ nhất, khi nằm, trọng lực của cơ thể giữ acid trong dạ dày bị giảm. Điều đó khiến trào ngược dễ xảy ra.

– Thứ hai, khi ngủ, phản xạ nuốt giảm đi. Diều này làm giảm một lực quan trọng đẩy acid dạ dày xuống dưới.

– Thứ ba, trong giai đoạn ngủ sâu, sự sản xuất – tiết nước bọt giảm đi. Nước bọt lại giúp trung hòa acid dạ dày. Vì vậy hiện tượng trào ngược xuất hiện.

Sự kết hợp của các nguyên nhân này tạo điều kiện thuận lợi cho việc acid dạ dày chảy ngược lên thực quản. Đồng thời cho phép acid lưu lại thực quản lâu hơn. Từ đó, gây ra triệu chứng trào ngược nặng nề hơn. Tình trạng sẽ tồi tệ hơn nếu một người đi ngủ ngay sau khi ăn. Đặc biệt là chế độ ăn có các thực phẩm kích hoạt trào ngược.

 

3.2. Yếu tố nguy cơ mắc trào ngược khi ngủ

Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ mắc GERD cần lưu ý:

– Béo phì: GERD xảy ra với tỷ lệ cao hơn ở những người thừa cân (mặc dù không có lời giải thích chính xác cho lý do xảy ra điều này).

– Hút thuốc lá: do ảnh hưởng đến áp lực cơ thắt thực quản nên làm chậm quá trình đào thải acid trong dạ dày.

– Uống rượu. Rượu tác động đến quá trình làm trống thực quản và dạ dày. Theo đó có thể tạo điều kiện cho acid dạ dày tồn đọng và trào ngược lên.

– Làm việc nặng nhọc và chịu căng thẳng thường xuyên.

– Vi khuẩn H.pylori.

– Sử dụng một số loại thuốc: điều trị hen phế quản, huyết áp, chống trầm cảm, an thần. Các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ bị trào ngược dạ dày – thực quản.

– Chế độ ăn: một số loại thực phẩm và đồ uống được ghi nhận là gây ra chứng ợ nóng hoặc trào ngược. Ví dụ: socola, cà chua, giấm, cam, quýt, thực phẩm béo, thực phẩm cay, đồ uống có ga, cà phê, bạc hà…

– Mang thai cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh GERD. Phụ nữ trong thai kì thường bị GERD nhưng các triệu chứng trào ngược thường chấm dứt ngay sau sinh.

 

4. GERD và chứng ngưng thở khi ngủ

Các nghiên cứu đã xác định rằng có mối liên quan giữa GERD và chứng ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên, còn nhiều tranh luận về việc GERD gây ra ngưng thở khi ngủ hay chứng ngưng thở khi ngủ gây ra GERD. Các nghiên cứu đã xác định rằng có mối liên quan giữa GERD và chứng ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên, còn nhiều tranh luận về nguyên nhân.

Có thể GERD ảnh hưởng đến đường thở bình thường. Đây là lý do gây ra nhiều cơn ngưng thở hơn vào ban đêm. Đồng thời, những người mắc chứng ngưng thở vào ban đêm thường bị thức giấc bởi các triệu chứng trào ngược như buồn nôn, nóng rát, đau ngực.

 

4.1. Làm thế nào để có giấc ngủ tốt hơn khi bị GERD?

Một điều tất yếu là những người bị trào ngược dạ dày – thực quản cũng như những người bị acid trào ngược khi ngủ nói riêng luôn mong muốn tìm hiểu bệnh của mình. Từ đó, người bệnh sẽ có phương pháp phù hợp để giảm các triệu chứng, cải thiện giấc ngủ. Mặc dù không có giải pháp đặc hiệu nào với tất cả mọi người, nhưng có một số phương pháp sau đây được chứng minh là có cải thiện triệu chứng.

 

Đi khám bác sĩ

Điều quan trọng là đi khám nếu bạn có các triệu chứng dai dẳng của GERD. Các bác sĩ có thể kiểm tra tốt nhất về tình trạng bệnh và xác định nguyên nhân tiềm ẩn cho bạn.

 

Thay đổi lối sống

Người bệnh cần thay đổi lối sống để làm giảm các yếu tố nguy cơ. Đây là một biện pháp phổ biến để kiểm soát tình trạng trào ngược. Vì nhều vấn đề về GERD xảy ra vào ban đêm nên một số thay đổi lối sống có thể tập trung vào việc thay đổi thói quen ngủ.

 

Điều chỉnh chế độ ăn uống

– Hạn chế ăn thức ăn cay và chua, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc. Tránh uống rượu. Đặc biệt không uống rượu trước khi đi ngủ. Tránh sử dụng café và nicotine (thuốc lá). Nghiên cứu cho thấy, tác dụng của cafein có thể kéo dài đến 8 tiếng.

– Tránh ăn khuya. Tránh ăn nhiều và đồ uống vào đêm muộn. Đồng thời cần kết thúc bữa ăn ít nhất ba giờ trước khi nằm xuống giúp dạ dày có thời gian tiêu hóa. Điều này không chỉ giúp tránh việc phải thức dậy đi vệ sinh mà còn giảm nguy cơ acid trào ngược khi ngủ.

 

Tư thế nằm ngủ

Sau đây là những điều đó có thể góp phần nâng cao chất lượng giấc ngủ cho người bệnh:

– Nằm ngủ nghiêng bên trái. Nhiều nghiên cứu phát hiện ra tư thế nằm tốt nhất cho bệnh nhân GERD là nằm nghiêng trái. Khi nằm nghiêng trái, áp lực trong dạ dày giảm, giảm khả năng acid trào ngược lên thực quản.

– Nằm kê đầu khỏi mặt giường. Nằm với độ cao vừa đủ giúp cơ thể có thêm trọng lực để giữ acid lại trong dạ dày.

– Cải thiện môi trường ngủ: Người mắc bệnh trào ngược dạ dày – thực quản có thể thay đổi môi trường ngủ và thói quen liên quan đến giấc ngủ để cải thiện tình trạng khó ngủ. Vệ sinh môi trường ngủ, phòng ngủ thoải mái, đảm bảo sự yên tĩnh. Hạn chế các tác nhân có thể gián đoạn giấc ngủ. Ví dụ: tắt Tivi, máy tính, tắt đèn, giảm tiếng ồn.

– Duy trì thời gian biểu ổn định, thư giãn trước khi ngủ. Bạn nên để tinh thần thoải mái, cơ thể thả lỏng trước khi đi ngủ.

– Tập thể dục, bao gồm việc tập luyện thường xuyên hàng ngày.

– Không nên nằm thức trên giường. Nếu bạn nằm trên giường hơn 20 phút và không ngủ, hãy đứng dậy. Bạn có thể thực hiện vài hoạt động thư giãn cho đến khi cảm thấy buồn ngủ.

– Không nên ngủ trưa sau 3 giờ chiều. Thói quen ngủ như vậy có thể làm giảm khả năng đi vào giấc ngủ vào buổi tối.

 

4.2. Điều trị GERD bằng thuốc

Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc để điều trị GERD khi thay đổi lối sống nhưng không cải thiện triệu chứng. Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng.

Hầu hết các thuốc hiện tại chỉ có tác dụng giảm triệu chứng tạm thời và tác dụng tùy từng cá nhân. Thuốc trung hòa acid giảm đau nhanh nhưng hết tác dụng cũng nhanh. Thuốc ức chế bơm proton có tác dụng giảm sự sản xuất acid của dạ dày. Các thuốc này được bán sẵn ngoài hiệu thuốc nhưng tốt nhất nên đi khám và sử dụng theo đơn bác sĩ kê, tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Một số rất ít trường hợp, khi cả thay đổi lối sống và dùng thuốc đều không hiệu quả. Khi đó, có khả năng cân nhắc phẫu thuật được chỉ định điều trị trào ngược dạ dày – thực quản.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top