✴️ Chăm sóc và điều trị cho người bệnh có biến chứng tiêu chảy do hóa trị

ĐẠI CƯƠNG

Tiêu chảy là một trong những độc tính của hóa trị trên đường tiêu hóa (không kể những nguyên nhân khác có thể gây tiêu chảy như vấn đề vệ sinh ăn uống, vi khuẩn, vi rút…) 

Tiêu chảy do hóa trị hay gặp trên những người bệnh được điều trị với công thức có fluoropyrimidines (5-fluorouracil), capecitabine và irinotecan. Một số thuốc điều trị đích như erlotinib, gefitinib, cetuximab… cũng có thể gây tiêu chảy.

Tiêu chảy có thể gây suy nhược và trong một số trường hợp đe dọa tính mạng. Ở những người bệnh nặng thường thấy giảm thể tích tuần hoàn, suy thận, rối loạn điện giải như hạ kali máu, toan chuyển hóa, hạ natri máu (tăng lượng nước đưa vào mà không được bài tiết bởi vì sự giảm thể tích kích thích giải phóng các hormone chống bài niệu) hoặc tăng natri máu (lượng nước đưa vào không đủ so với lượng nước mất đi). Tiêu chảy cũng có thể dẫn đến sự chậm trễ điều trị, tăng chi phí chăm sóc, chất lượng cuộc sống giảm và giảm đi sự tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị.

 

CHỈ ĐỊNH

Cho những người bệnh bị tiêu chảy do hóa trị 

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Cho những người bệnh tiêu chảy do các bệnh lý khác 

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện 

Người bệnh được hóa trị phải được giám sát bởi bác sĩ nội khoa ung bướu. Bác sĩ cần phải hiểu rõ cơ chế tác dụng, hiệu quả, các độc tính của các thuốc trong công thức hóa trị sắp được chỉ định cho người bệnh 

Điều dưỡng thực hiện Y lệnh tiêm truyền do bác sĩ chuyên khoa ung bướu chỉ định (tên thuốc, liều lượng, dung dịch pha loãng thuốc, lượng dịch, tốc độ truyền …) cần phải hiểu những tác dụng phụ của hóa trị, cùng với bác sĩ xử trí và hướng dẫn người bệnh. Cùng với bác sĩ giải thích để người bệnh yên tâm, không quá lo lắng, hốt hoảng và thông báo sớm cho bác sĩ, điều dưỡng khi có triệu chứng khác thường xảy ra.

Người bệnh 

Được giải thích rõ hiệu quả cũng như các tác dụng phụ không mong muốn có thể sẽ xảy ra trong suốt quá trình điều trị, thông báo sớm cho bác sĩ hoặc điều dưỡng khi có triệu chứng khác thường xảy ra.

Người bệnh hóa trị có thể nằm hoặc ngồi tùy theo điều kiện của bệnh viện và theo ý kiến của người bệnh, tránh di chuyển nhiều, tránh những nơi gió lùa. 

Tuân thủ theo đúng hướng dẫn về cách sử dụng thuốc, các thuốc hỗ trợ đặc biệt là chế độ ăn uống vệ sinh tốt, nghỉ ngơi...

Phòng điều trị 

Phòng điều trị nên thoáng, kín gió, đủ ánh sáng... người bệnh hóa trị có thể nằm hoặc ngồi tùy theo sức khỏe và nguyện vọng của mỗi người bệnh 

Trang bị thêm vô tuyến, đài báo...để giúp người bệnh quên đi cảm giác buồn nôn trong lúc đang hóa trị 

Phương tiện, thuốc men

Loperamide, Octreotide, Các chất chống tiêu chảy khác như các loại thuốc kháng acetylcholin, các chất tăng hấp thu nước, dung dịch huyết thanh …

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH 

Kiểm tra hồ sơ: phải có đầy đủ các xét nghiệm máu (công thức máu, sinh hóa...) trước khi tiến hành 

Kiểm tra người bệnh: mạch, huyết áp, nhiệt độ, tình trạng mất nước...

Phân độ tiêu chảy:

Các mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy thường được chia theo các mức độ (từ 0 đến 4) theo tiêu chuẩn của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ. 

Độ I đại tiện 2-3 lần/ ngày; 

Độ II từ 4-6 lần/ ngày nhưng chưa ảnh hưởng đến các hoạt động khác của người bệnh; 

Độ III 7-9 lần/ ngày và ảnh hưởng đến các hoạt động khác của người bệnh  

Độ IV là rất nghiêm trọng cần điều trị. 

Lưu ý đối với người bệnh có hậu môn nhân tạo cần theo dõi và so sánh với trước điều trị để kịp thời phát hiện dấu hiệu của tiêu chảy, nếu cần phải bồi phụ nước và điện giải hoặc chăm sóc đặc biệt.

Điều trị 

Chức năng gan thận, điện giải 

Điều trị chủ yếu là bù nước và điện giải trên nguyên tắc đánh giá đúng tình trạng mất nước 

Nếu tiêu chảy mức độ nhẹ (độ I), không biến chứng có thể cho người bệnh ngoại trú nhưng phải theo dõi sát. Bồi phụ nước bằng đường uống khi còn uống được, thường dùng oresol theo chỉ dẫn. Nếu không có oresol thì dùng nước cháo muối

Tiêu chảy mức độ II chưa có biến chứng nặng, ngoài việc bồi phụ như trên, dùng Loperamide một liều 4 mg ban đầu sau đó cứ 2 mg mỗi bốn giờ hoặc sau mỗi lần đi ngoài. Lưu ý không dùng loperamide kéo dài vì có thể dẫn đến liệt ruột nhất là trên những người bệnh lớn tuổi.

Tiêu chảy mức độ II trở lên có biến chứng nặng (ví dụ co cứng cơ bụng, buồn nôn, nôn, sốt, nhiễm trùng huyết, giảm bạch cầu hoặc xuất huyết) phải được nhập viện và điều trị tích cực với các thuốc chống tiêu chảy, truyền dịch, bù nước điện giải, kháng sinh... Dịch truyền chủ yếu là dung dịch mặn, ngọt đẳng trương. Kháng sinh được chỉ định cho những người bệnh có dấu hiệu tiêu chảy xâm nhiễm (có bạch cầu trong phân). Tùy theo nguyên nhân mà sử dụng kháng sinh thích hợp. 

Phòng tiêu chảy và hội chứng cường cholinergic do irinotecan, nên dự phòng bằng atropin 0,25mg tiêm dưới da trước khi truyền irinotecan 15 phút. 

Chế độ ăn trong lúc bị tiêu chảy cũng rất quan trọng, ngoài bù nước, điện giải và thuốc men còn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng thích hợp. Người bệnh bị tiêu chảy, khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn kém do vậy thức ăn cần chế biến kỹ, nấu nhuyễn dễ tiêu hóa hợp khẩu vị, đảm bảo đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng. Không kiêng khem quá mức, vẫn phải đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng. Ăn chín uống sôi. Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…

 

THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

Theo dõi

Theo dõi sát các chỉ số sinh tồn, xét nghiệm máu, điện giải đồ, đường huyết, chức năng gan, thận... để điều chỉnh thuốc và lượng dịch điện giải đưa vào 

Xử trí tai biến

Nếu tiêu chảy do hóa trị không được điều trị đúng và kịp thời có thể dẫn đến suy tuần hoàn do mất nước hoặc sốc do nhiễm khuẩn 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top