Ngăn chặn đông máu sau phẫu thuật

Khi bạn bị đứt tay, cục máu đông sẽ hình thành ở vết thương để ngưng chảy máu và để vết thương có thể lành lại. Loại máu đông này không chỉ có lợi mà còn có tác dụng ngăn mất máu quá nhiều trong những trường hợp tổn thương nặng.Máu đông có thể hình thành ở bất cứ phần nào của cơ thể. Cục máu đông thường không có hại. Tuy nhiên, đôi khi, máu đông có thể rất nguy hiểm. Ví dụ, trải qua một ca phẫu thuật sẽ làm bạn dễ phát triển các cục máu đông nguy hiểm ở phổi hoặc não hơn.

Máu đông là gì?

Tiểu cầu (một loại tế bào máu) và huyết tương (phần dịch lỏng của máu) cùng tham gia vào quá trình ngưng chảy máu và hình thành cục máu đông ở vùng bị tổn thương. Bạn có thể rất quen thuộc với các cục máu đông trên bề mặt da. Thông thường, khi vết thương đã lành, các cục máu đông sẽ tự động bong ra.

Có một số trường hợp cục máu đông hình thành trong các mạch máu mặc dù bạn không bị chấn thương. Những cục máu đông này thường không tự biến mất và sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn. Máu đông ở tĩnh mạch có thể hạn chế lượng máu về tim, và có thể gây ra sưng đau do tích tụ máu ở phía dưới cục máu đông.

 

Yếu tố nguy cơ của phẫu thuật

Nguy cơ hình thành cục máu đông sẽ tăng lên sau phẫu thuật. Một loại cục máu đông dễ hình thành trong trường hợp này đó là huyết khối tĩnh mạch sâu. Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng cục máu đông hình thành ở những tĩnh mạch sâu trong cơ thể như tĩnh mạch ở chân, cánh tay hoặc vùng chậu. Máu đông trong huyết khối tĩnh mạch sâu có thể sẽ vỡ ra và tìm đường lên tim, phổi hoặc não, làm ngăn chặn dòng máu đến nuôi dưỡng các cơ quan này.

Lý do chính làm bạn tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu sau phẫu thuật là do việc bạn không hoạt động trong và sau phẫu thuật. Các cử động của cơ là cần thiết để hỗ trợ việc bơm máu lên tim. Việc bất động của bạn sẽ làm cho máu tích tụ lại ở những phần thấp của cơ thể, thường là chân và vùng hông. Việc này sẽ dẫn đến hình thành cục máu đông. Nếu máu của bạn không được tuần hoàn một cách tự do và không được trộn với các chất chống đông máu, bạn sẽ có nguy cơ phát triển cục máu đông cao hơn.

Ngoài việc bất động, phẫu thuật làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông bởi phẫu thuật làm cho các phân tử ngoại vi có thể xâm nhập vào máu, ví dụ như các mảnh vỡ mô, collagen và chất béo. Khi máu tiếp xúc với các tác nhân lạ này, máu sẽ phản ứng bằng việc đông lại. Việc này sẽ dẫn đến việc hình thành cục máu đông. Thêm vào đó, trong các đáp ứng để loại bỏ hoặc di chuyển các mô mềm trong quá trình phẫu thuật, cơ thể bạn có thể giải phóng ra các chất tự nhiên, kích thích hình thành việc đông máu.

 

Ngăn chặn đông máu sau phẫu thuật

Có rất nhiều cách bạn có thể làm để ngăn chặn việc hình thành cục máu đông sau phẫu thuật. Cách quan trọng nhất bạn có thể làm là báo cáo tiền sử bệnh tật của mình với bác sỹ. Nếu bạn có tiền sử hình thành cục máu đông hoặc gần đây bạn đang uống thuốc chống đông máu, bạn nên nói điều này với bác sỹ.

Một số rối loạn về máu cũng có thể dẫn đến các vấn đề về đông máu và gây ra các vấn đề sau phẫu thuật. Uống aspirin cũng được chứng minh là có ích cho việc chống đông máu, bởi vậy phác đồ điều trị aspirin có thể sẽ được áp dụng.

Bác sỹ cũng có thể sẽ kê warfarin (Coumadin) hoặc heparin là những loại thuốc làm loãng máu phổ biến. Thuốc làm loãng máu hay thuốc chống đông máu, thường được dùng để điều trị các tình trạng hình thành quá nhiều cục máu đông. Thuốc này cũng có thể ngăn chặn việc các cục máu đông phát triển lớn hơn.

Trước phẫu thuật, bác sỹ có thể sẽ tiến hành tất cả các chú ý cần thiết để tránh hình thành cục máu đông. Sau phẫu thuật, bác sỹ cũng sẽ đảm bảo rằng chân và tay của bạn được nâng cao để cải thiện tuần hoàn.

Nếu bạn có nguy cơ hình thành cục máu đông cao, bác sỹ có thể sẽ theo dõi và kiểm soát bạn thông qua việc siêu âm duplex theo hàng. Thuốc làm tan huyết khối cũng có thể được sử dụng trong các trường hợp có nguy cơ cao bị nghẽn mạch phổi. Loại thuốc này sẽ được tiêm trực tiếp vào máu.

Thay đổi lối sống sau phẫu thuật cũng rất quan trọng. Cai thuốc lá và luyện tập thể thao có thể có ích trong việc ngăn chặn hình thành cục máu đông.

Sau phẫu thuật, nếu được bác sỹ cho phép, bạn nên đi lại càng nhiều càng tốt. Đi lại sẽ làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Bác sỹ cũng có thể sẽ khuyên bạn nên đi tất bó chặt để chân không bị phù.

 

Triệu chứng của việc hình thành cục máu đông

Luôn luôn có các nguy cơ đi kèm với bất kỳ loại phẫu thuật nào. Huyết khối tĩnh mạch sâu và tắc mạch phổi là hai biến chứng có thể xảy ra nhiều nhất. Theo thống kê có khoảng 900.000 người ở Mỹ bị huyết khối tĩnh mạch sâu mỗi năm, và khoảng 100.000 người tử vong vì tình trạng này mỗi năm.

Nhiều người không hiểu rõ triệu chứng và các yếu tố nguy cơ đi kèm với việc hình thành cục máu đông. Các triệu chứng phổ biến của việc hình thành cục máu đông bao gồm:

Ở tim: đau tức ngực, tê bì cánh tay, khó chịu ở những vùng khác ở phần trên của cơ thể, thở gấp, vã mồ hôi, buồn nôn, có cảm giác lâng lâng

Ở não: yếu cơ mặt, cánh tay hoặc chân, khó nói, nói năng lộn xộn, các vấn đề về thị lực, đau đầu dữ dội và bất ngờ, chóng mặt.

Ở tay hoặc chân: đau các chi một cách bất ngờ hoặc thường xuyên bị đau, sưng, căng tức và các chị bị nóng lên

Ở phổi: đau nhói ngực, tim đập nhanh hoặc nhịp thở nhanh, thở gấp, vã mồ hôi, sốt, ho ra máu.

Ở bụng: đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy.

Nếu bạn nghĩ rằng mình có cục máu đông, hãy liên lạc với bác sỹ ngay để nhận được sự hỗ trợ y tế. Trong trường hợp bạn trải qua phẫu thuật, bác sỹ sẽ xem xét kỹ lưỡng các yếu tố nguy cơ cũng như sẽ đưa ra lời khuyên cho bạn về cách tốt nhất để bạn có thể ngăn chặn việc hình thành cục máu đông.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top
Close menu