Về phía cung ứng, sản xuất khí Oxy, theo báo cáo của Hiệp hội khí Việt Nam (AIGA Việt Nam), tổng lượng sản xuất Khí Oxy Việt nam của các đơn vị thuộc hiệp hội trong điều kiện bình thường hiện nay là 1.115 tấn/ ngày, tăng hết công suất là khoảng 1.430 tấn/ ngày. Chưa tính lượng Oxy phục vụ trong sản xuất công nghiệp (lớn hơn sản lượng Oxy y tế hiện nay) có thể chuyển đổi thành Oxy y tế trong tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, hiện nay đối với khâu sản xuất, cung ứng Oxy y tế đang có một số khó khăn: vận chuyển (logistic) vì thực hiện giãn cách xã hội của các tỉnh có dịch; chưa thực hiện tiêm vắc xin cho cán bộ, công nhân để duy trì sản xuất; chính sách hỗ trợ giúp các doanh nghiệp nhập khẩu bồn, chai chứa, ống đồng, khẩu Oxy để dự trữ.
Hệ thống đại lý, trạm chiết nạp Oxy tại các địa phương do các Sở Công thương quản lý cần được kết nối với các cơ sở y tế sử dụng Oxy đảm bảo không đứt gãy. Cần có thông tin của các cơ sở cung ứng, trạm chiết nạp để điều tiết trong quá trình cung cấp đến các cơ sở y tế, Bộ Y tế (qua nền tảng công nghệ thông tin).
Hiện nay, nguồn Oxy sử dụng trong ngành công nghiệp rất lớn, cần xây dựng phương án sản xuất chuyển đổi sang Oxy y tế và quy trình chuyển đổi bình, bồn chứa các loại khí công nghiệp đảm bảo chủ động nguồn Oxy trong nước trong trường hợp khẩn cấp.
Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án “Tăng cường khả năng cung ứng, sử dụng Oxy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19” là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách, đòi hỏi sự tham gia không chỉ riêng ngành y tế, Chính phủ, các Bộ, ban ngành mà còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương và toàn xã hội.
Cơ sở điều trị COVID-19 cần có các loại khí y tế sau:
- Trạm y tế lưu động: Oxy khí nén.
- Tầng 1: Oxy khí nén.
- Tầng 2: Oxy khí nén kết hợp Oxy lỏng, khí nén y tế 4 bar.
- Tầng 3: Oxy lỏng, khí nén y tế 4 bar, khí hút chân không.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu, hồi sức tích cực, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc điều trị cho các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo các phương án bảo đảm công tác y tế, đặc biệt chuẩn bị cho tình huống xấu/nghiêm trọng xảy ra trong thời gian sớm nhất:
Tầng 1 bảo đảm tối thiểu có chai oxy khí đáp ứng nhu cầu xử trí cấp cứu cho người bệnh thở oxy qua mặt nạ, thở oxy gọng kính.
Tầng 2 bảo đảm tối thiểu có máy thở oxy dòng cao, máy thở không xâm nhập, chai oxy khí, bình oxy lỏng, đường khí nén, đường hút áp lực, dàn hóa hơi để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, hồi sức tích cực cho người bệnh thở oxy dòng cao, thở máy không xâm nhập cho người bệnh tiến triển nặng.
Tầng 3 bảo đảm tối thiểu có máy thở oxy dòng cao, máy thở không xâm nhập và xâm nhập, bồn oxy lỏng, đường khí nén, đường hút áp lực, dàn hóa hơi, bình oxy lỏng và chai oxy khí để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, hồi sức tích cực cho người bệnh nặng và nguy kịch.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh