✴️ Quản lý nguy cơ từ môi trường (P3)

Nội dung

THEO DÕI, GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC HẬU QUẢU CỦA Ô NHIỄM LÊN  SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG

Theo dõi và giám sát môi trường 

Đây là hệ thống kỹ thuật nhằm phát hiện tình trạng ô nhiễm môi trường và cảnh báo về các nguy cơ gây ô nhiễm. 

Hệ thống lấy mẫu và phân tích mẫu 

Hiện nay hệ thống này ở nước ta còn hoạt động khá rời rạc, thụ động và thiếu chuẩn mực. Hệ thống giám sát môi trường ở các địa phương chưa mang tính dự phòng mà mang nặng tính vụ việc khi có vấn đề ô nhiễm xảy ra hay có những khiếu kiện của người dân hay của các cơ quan. Việc lấy mẫu rất ít được chú ý về tiêu chuẩn, đối với từng yếu tố ô nhiễm, từng loại nguồn phát tán ô nhiễm, các quy luật ô nhiễm rất khác nhau. Câu hỏi đặt ra là: cần lấy bao nhiêu mẫu cho mỗi điểm là đủ? lấy ở đâu? lấy vào thời điểm nào? (chiến lược lấy mẫu ra sao?). Trên thực tế, người ta ít để ý tới chiến lược lấy mẫu mà chú ý nhiều tới các kỹ thuật phân tích mẫu. Các máy lấy mẫu và phân tích mẫu tự động (máy hiện số) cho phép cùng một lúc thu và phân tích nhiều loại chất ô nhiễm. Tuy nhiên, độ nhạy của các thiết bị này bị giới hạn cũng như tính chính xác của các kết quả đưa ra từ các máy hiện số cũng khó được chuẩn hoá (nhất là chưa có một cơ quan nào có một la bô chuẩn để hiệu chỉnh các thiết bị này). 

ở những nước tiên tiến, chiến lược lấy mẫu và giám sát môi trường được quan tâm rất nhiều. Các phương tiện thu mẫu và phân tích mẫu định kỳ theo thời gian, thông báo kết quả về mức độ ô nhiễm của một số yếu tố chỉ điểm cho mọi người cùng biết (có thể nhận thấy bảng báo ô nhiễm ngay trên trục đường cao tốc). Với kỹ thuật này cộng đồng được thông tin rộng rãi và ý thức bảo vệ môi trường của họ qua đó được nâng lên. 

Trong thực tế, không phải lúc nào cũng dễ dàng thu mẫu và phân tích các mẫu. Có nhiều cách đánh giá mức ô nhiễm môi trường khác không chỉ dựa trên kỹ thuật kinh điển phân tích trong la bô. Sau khi lấy mẫu, phân tích mẫu để đánh giá mức độ phát tán các yếu tố ô nhiễm trong môi trường, người ta phải tính toán tiếp các chỉ số đo lường tiếp xúc. 

Đo lường tiếp xúc

Thuật ngữ tiếp xúc (exposure) trong một số tài liệu được gọi là phơi nhiễm, cũng có tài liệu định nghĩa là yếu tố được nghiên cứu vì nhiều trường hợp không có biểu hiện gì của tiếp xúc hay phơi nhiễm (ví dụ tình trạng căng thẳng tinh thần, stress trong môi trường xã hội, trong mối liên quan nhân - quả với chứng suy nhược thần kinh, tình trạng trầm cảm, tự tử, ly hôn). Trong thực tế, tiếp xúc có nghĩa rất rộng: nếu nghiên cứu ảnh hưởng của nghề nghiệp với một đặc trưng nào đó, tiếp xúc có thể là: làm nghề gì? làm nghề đó bao nhiêu năm? yếu tố ô nhiễm là gì? mức độ ô nhiễm như thế nào; nếu nghiên cứu ảnh hưởng của khí thải nhà máy ra môi trường xung quanh thì tiếp xúc có thể là: loại nhà máy? chất thải chủ yếu trong khói của nhà máy là gì? lượng chất thải của nhà máy thải vào môi trường xung quanh trong một năm là bao nhiêu? vào từng mùa, từng hướng gió, nồng độ các chất ô nhiễm ở các khoảng cách khác nhau ra sao? Ví dụ, tình hình ung thư trong công nhân ngành cao su (tiếp xúc là ngành cao su) hoặc tình hình bệnh hô hấp và ô nhiễm khí CO2 từ nhà máy nhiệt điện (nồng độ SO2 theo các thời điểm, khoảng cách là tiếp xúc). Đo đạc ô nhiễm bằng phương tiện xét nghiệm là cách đánh giá trực tiếp tình trạng tiếp xúc. Song khi số mẫu không đủ lớn, không đại diện, kỹ thuật phân tích không đủ nhạy sẽ không nói lên mức độ ô nhiễm. Mặt khác những chỉ số về ô nhiễm không kém phần chắc chắn như tổng lượng nước thải, tổng lượng tro toả vào môi trường xung quanh cũng có thể sử dụng để ước tính tiếp xúc. Dưới góc độ của đánh giá tiếp xúc, môi trường được chia ra thành 2 loại: (1) môi trường khách quan (lý học, hoá học, sinh học và xã hội học); (2) môi trường chủ quan hay còn gọi là môi trường cảm nhận được màu, mùi, vị. Môi trường còn được phân chia thành:

Môi trường gia đình (vi môi trường) bao gồm: nhà ở, các thói quen, sở thích, nghiện hút, sử dụng mĩ phẩm, thuốc sát khuẩn sử dụng trong vườn. 

Môi trường làm việc: với những tiếp xúc nghề nghiệp, chế độ làm việc, quan hệ chủ thợ, quan hệ đồng nghiệp. 

Môi trường địa phương: đó là những nơi tiếp xúc với những yếu tố môi trường sinh hoạt. 

Môi trường khu vực: điều kiện địa lý, khí hậu của một vùng.  

Trong đánh giá tiếp xúc của cá nhân, một cộng đồng với các tác nhân nào đó phải tính đến mức độ tham dự của một hoặc nhiều trong nhóm trên. 

Tiếp xúc khác với yếu tố tác hại, vì không phải lúc nào tiếp xúc cũng gây ra tác hại. Nhiều khi tiếp xúc lại là yếu tố có lợi cho sức khoẻ trong trường hợp nghiên cứu yếu tố làm tăng cường sức khoẻ (ví dụ: chế độ ăn hợp lý, thể thao). 

Trong nghiên cứu độc chất học, dược học người ta còn dùng thuật ngữ liều (dose) để chỉ khối lượng chất hấp thụ và chỉ suất liều (dose-rate) để nói lên liều đó đưa vào trong một đơn vị thời gian. Trong dịch tễ học khó có thể xác định liều một cách chính xác, nên thường dùng thuật ngữ tiếp xúc. Tiếp xúc cũng được tính tương tự như chỉ suất liều bằng con số tổng hợp tiếp xúc và thời gian tiếp xúc (trong ca, tháng, trong năm hoặc tuổi nghề với công việc đó). Nhiều trường hợp mức tiếp xúc phụ thuộc chặt chẽ vào thời gian tiếp xúc hơn là cường độ ô nhiễm (vì cường độ ô nhiễm dao động rất lớn giữa các mẫu đo trong cùng một thời điểm và khác nhau giữa các thời điểm tới mức xét nghiệm các mẫu chất độc, bụi trong môi trường cũng chỉ mang ý nghĩa định tính: vượt tiêu chuẩn hay dưới tiêu chuẩn cho phép), cách tính nồng độ chất ô nhiễm theo thời gian TWA (Time  Weighted - Average) là một ví dụ (TWA = Nồng độ chất độc trong môi trường x Thời gian tiếp xúc). 

Các dạng tiếp xúc

Khác với các con đường tiếp xúc, các dạng tiếp xúc mang ý nghĩa rộng hơn, nó bao gồm 4 dạng cơ bản:

Tiếp xúc bên ngoài theo ý nghĩa chung: đây là cường độ hiện có của các yếu tố ô nhiễm trong môi trường như đất, nước, không khí, thức ăn, có mối liên quan tới tần suất và thời gian tiếp xúc. 

Tiếp xúc bên ngoài theo nghĩa hẹp: sự hấp thu là khối lượng chất ô nhiễm hấp thu vào cơ thể. Khối lượng này không chỉ tuỳ thuộc vào mức ô nhiễm trong môi trường mà còn tuỳ thuộc vào thời gian tiếp xúc trong ngày, tuần, năm. Phương thức tiếp xúc: với liều cao ngắn hay liều thấp kéo dài. Tình trạng cơ thể, với cùng một nồng độ chất ô nhiễm trong môi trường, nếu lao động thể lực nặng, vi khí hậu nóng, mức tiếp xúc sẽ cao hơn hoặc người nhẹ cân sẽ phải chịu ảnh hưởng cao hơn so với người có cân nặng hơn họ ở cùng môi trường; chế độ ăn, khối lượng thức ăn cũng là yếu tố ảnh hưởng tới tiếp xúc qua thực phẩm. 

Tiếp xúc bên trong: khi hít thở phải hơi khí độc, bụi, không phải tất cả đều được hấp thu. Cũng như thế với chất độc qua đường tiêu hoá, qua da. Tỷ lệ hấp thu khác nhau theo từng yếu tố và cả đối với thể trạng cơ thể. 

Tiếp xúc tại cơ quan chính: mỗi tác nhân độc hại có một vài cơ quan đích, nơi đó chịu tác động của chúng. Nồng độ chất độc ở những cơ quan này càng cao, tác hại của chúng càng lớn. Việc xác định hàm lượng yếu tố độc hại tại cơ quan đích không phải lúc nào cũng đạt được. Trong một số trường hợp, khi có mối liên quan thuận, chặt chẽ giữa nồng độ chất độc ở một số tổ chức, dịch sinh học dễ lấy bệnh phẩm xét nghiệm (như tóc, răng rụng của trẻ em, sữa máu) với hàm lượng tại cơ quan đích một cách gần đúng (ví dụ: lượng chì trong tóc phản ánh sự nhiễm chì ở tuỷ xương - cơ quan đích). 

Trong tìm hiểu tiếp xúc, trong công nghiệp nhất là công nghiệp sử dụng hoá chất làm nguyên liệu, nhiên liệu, có những trường hợp chất độc chỉ là chất lẫn nhiễm do hoá chất sử dụng không tinh khiết (ví dụ: dioxin lẫn trong chất gây rụng lá, diệt cỏ; benzen lẫn trong xăng...). 

Đánh giá sơ bộ định tính:

Đánh giá định tính có nghĩa là xác định xem tiếp xúc với yếu tố gì, trong khoảng thời gian bao lâu và tốt hơn nếu có được những khái quát về cường độ ô nhiễm: vượt quá mức cho phép, vượt quá mức cho phép 2 lần, vượt quá mức cho phép trên 2 lần, dưới mức cho phép. Kỹ thuật liệt kê nhanh (rapid inventory technique) ngày càng tỏ ra có tính thực tiễn trong đánh giá môi trường ở các nước đang phát triển, nơi thiếu thốn các kỹ thuật đo đạc môi trường. Nguyên tắc của kỹ thuật này là tính toán lượng chất ô nhiễm thải vào môi trường xung quanh dựa trên cơ sở: tổng số chất thải từ một cơ sở sản xuất, một quy trình công nghệ tỷ lệ thuận với sản phẩm làm ra của cơ sở đó (mức độ hoạt động). 

Tỷ lệ giữa lượng chất thải với mức độ hoạt động (gọi là lượng thải) có thể được xác định cho mỗi nhà máy, một quy trình công nghiệp. Từ đây cho phép ước tính mức thải ra một chất độc, bụi từ nhà máy hay một quy trình công nghệ đã biết tổng sản phẩm làm ra của cơ sở đó trong một thời gian định trước. 

Công thức:  e(j) = E(j)/SA Trong đó:

e(j): lượng thải do chất j tính bằng kg trên đơn vị sản phẩm trong một khoảng thời gian (năm). 

E(j): lượng chất thải j tính bằng kg /năm.  

SA: mức độ hoạt động tính bằng đơn vị sản phẩm /năm.

Yếu tố lượng thải e (j) phụ thuộc vào: ư Loại nguồn thải, loại nhà máy.

Quy trình công nghệ và /hoặc các chỉ số thiết kế. 

Tuổi của nguồn thải, trình độ công nghệ. 

Loại và chất lượng nguyên liệu sử dụng. 

Điều kiện xung quanh. 

Những yếu tố khác về mẫu thiết kế, hệ thống điều khiển. 

Bằng kỹ thuật này cho phép ước tính mức độ ô nhiễm một cách gián tiếp song rất thực tế và đáng tin cậy. 

Đánh giá định lượng về tiếp xúc:

Đây là phương pháp đánh giá chặt chẽ, đáng tin cậy song tốn kém và khó thực hiện rộng rãi. Khi đánh giá tiếp xúc cần dựa vào hệ thống giám sát môi trường: là hệ thống lấy mẫu, đo đạc ô nhiễm một cách có hệ thống. Trong nghiên cứu dịch tễ học, hệ thống này cho phép đánh giá gần đúng với mức tiếp xúc. 

Khi thiết kế hệ thống giám sát, cần đặt ra các câu hỏi sau:

Các chất ô nhiễm nào cần được nghiên cứu? 

Lấy mẫu phải tiến hành trong các khoảng thời gian bao lâu và mẫu được lấy bao nhiêu lần?

Điểm lấy mẫu phải đặt ở đâu?

Chất lượng lấy mẫu, phân tích mẫu cần theo tiêu chuẩn nào?

Cần dùng phương tiện gì và kỹ thuật phân tích nào?

Trong thực tế, khó có thể đạt được tất cả những yêu cầu trên. Cũng có thể hệ thống lấy mẫu, theo dõi môi trường ở nước ta chưa đảm bảo là hệ thống giám sát môi trường cho dù đi lấy mẫu định kỳ hàng năm (song sự thay đổi mức ô nhiễm xảy ra hàng giờ, hàng phút), có phân tích mẫu song số lượng mẫu thường rất ít, không đại diện và chưa nói tới năng lực phân tích mẫu rất thấp so với yêu cầu của phân tích một số chất ô nhiễm cơ bản chỉ bằng kỹ thuật đơn giản (bảng 2.5). 

Bảng 2.5. Một số chỉ số dùng để theo dõi, giám sát chất lượng môi trường

Từ hệ thống theo dõi mức độ ô nhiễm, hoặc các chỉ điểm của ô nhiễm, đo lường mức độ tiếp xúc, người ta tập hợp và phân tích các số liệu để đưa ra các cảnh báovề:

Loại yếu tố ô nhiễm hoặc các nhóm yếu tố ô nhiễm. 

Mức độ ô nhiễm (qua đối chiếu với các tiêu chuẩn, các điều lệ vệ sinh). 

Các yếu tố về các nguồn phát sinh ô nhiễm (sử dụng nhiên liệu, tốc độ phát triển đô thị, quy trình công nghệ phát sinh ô nhiễm, sản lượng của từng ngành công nghiệp...). 

Dự báo xu hướng tăng giảm loại yếu tố và mức độ ô nhiễm trong tương lai gần và tương lai xa dựa trên các yếu tố tác động hoặc phát sinh ô nhiễm. 

Dự báo các nguy cơ trên sức khoẻ cộng đồng. 

Đề xuất các giải pháp nhằm giảm nhẹ nguy cơ, hạn chế ô nhiễm.

Giám sát các hậu quả của ô nhiễm

Để theo dõi và giám sát các hậu quả của ô nhiễm người ta dựa trên các hệ thống thống kê bệnh tật để biết các tác hại của tình trạng ô nhiễm môi trường trước đó hoặc khám sàng lọc để phát hiện một số nguy cơ gây bệnh liên quan đến ô nhiễm (các bệnh chỉ danh) và khám chẩn đoán các bệnh đặc thù do ô nhiễm. 

Thống kê tình hình mắc bệnh và tử vong

Tình hình mắc bệnh và tử vong được phân tích dựa trên các số liệu thống kê từ báo cáo của hệ thống bệnh viện nhà nước chỉ phản ánh một phần tình trạng sức khoẻ cộng đồng. Rất nhiều trường hợp ốm đến y tế tư nhân hoặc tự chữa. Rất nhiều trường hợp ốm chỉ đến trạm y tế cơ sở xã, phường nên chỉ thể hiện ở số mắc. 

Thống kê bệnh tật có thể được tính toán theo tần suất mắc trên 100. 000 dân và /hoặc theo cấu trúc mô hình bệnh tật - phân bố các loại bệnh trong số các trường hợp đến bệnh viện khám chữa bệnh. 

Các số liệu thống kê trên được tập hợp trong các nhóm bệnh theo phân loại quốc tế về bệnh tật lần thứ 10 (ICD10) với các mức độ chi tiết khác nhau: từ theo tên bệnh đến các mức dưới nhóm và nhóm bệnh. 

Phân tích theo tên bệnh cho tất cả các trường hợp ốm gồm 312 bệnh, 21 chương là rất khó và nhiều khi không cần thiết. Chỉ nên chọn một số bệnh có tính chất chỉ danh như: hen phế quản, bệnh phổi phế quản mạn tính tắc nghẽn (viêm phế quản mạn tính co thắt), ung thư phổi, leucose, ung thư dạ dày, các khối u trung biểu mô, ung thư da, các bệnh dị ứng hoặc quá mẫn, các bệnh nhiễm trùng, các dị tật bẩm sinh, các bệnh gan mạn tính, các bệnh nghề nghiệp, các bệnh nhiễm độc cấp tính... Bệnh tật được gộp lại thành từng nhóm để phân tích qua so sánh sự khác nhau theo vùng, theo nhóm dân cư ở các khu vực có đặc trưng môi trường khác nhau, theo thời gian, theo nhóm nghề nghiệp. Việc gộp các nhóm bệnh theo từng nhóm không thực tế bằng việc gộp thành ba nhóm:

Các bệnh lây nhiễm, bệnh phụ nữ, trẻ em suy dinh dưỡng. 

Các bệnh không lây nhiễm. 

Các tai nạn, chấn thương (do con người, thảm hoạ, chiến tranh, bạo lực, tự tử...) Bảng 2.6 và hình 2.2 đưa ra ví dụ so sánh tình hình bệnh tật theo các năm.

Bảng 2.6. Xu hướng bệnh tật tử vong (đơn vị: %)

(Nguồn: Niên giám thống kê y tế năm 2000 -  Bộ Y tế)

Hình 2.2. Xu hướng mắc bệnh

Với kết quả trên cho thấy cơ cấu bệnh tật (của các trường hợp đến bệnh viện công các tuyến) thay đổi rõ rệt qua các thời kỳ. 

Từ năm 1976 - 1986: khi kinh tế chậm phát triển, môi trường ô nhiễm chủ yếu bởi các yếu tố sinh vật học, các bệnh dịch chiếm ưu thế. Tai nạn chấn thương có xu hướng tăng nhẹ. 

Từ năm 1986: khi cải cách kinh tế bắt đầu, công nghiệp phát triển, mức sống được nâng cao, môi trường có thể đã được cải thiện, vì vậy ô nhiễm bởi các yếu tố sinh vật học đã giảm đi làm thay đổi cơ cấu bệnh tật. Các bệnh không lây nhiễm chiếm ưu thế, cùng với nó là sự gia tăng mạnh tỷ lệ tai nạn, chấn thương. 

Số liệu trên sẽ được giải thích một cách rõ ràng hơn nếu đưa ra các số liệu về chất lượng môi trường và các chỉ số về tăng trưởng kinh tế. Ví dụ: từ năm 1990 - 1999 hàng năm (tổng lượng chất thải do phương tiện giao thông tăng 6 - 8%) tổng lượng rác thải năm 1977 là 19 tấn đã tăng lên 25 ngàn tấn vào năm 1999; số xe ô tô năm 1990 là 27.400 chiếc đã tăng lên 57.822 chiếc vào năm 1999 (nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê. Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 10 năm 1991 - 2000). 

Nguồn số liệu từ khám sàng lọc, phát hiện nguy cơ trên sức khoẻ

Trong khám sàng lọc có thể sử dụng các xét nghiệm đo lường mức độ thấm nhiễm: chất độc xâm nhập vào cơ thể nhưng có thể chưa gây hậu quả. Thể hiện bằng nồng độ chất độc trong máu, trong các mô (xương, mỡ, tóc), hay các chất độc và chất chuyển hoá của nó được đào thải qua nước tiểu, qua hơi thở (ví dụ: xét nghiệm phenol trong nước tiểu; xét nghiệm chì trong tóc...). 

Khám sàng lọc cũng có thể sử dụng các test lâm sàng hoặc các xét nghiệm cận lâm sàng phát hiện tình trạng bệnh lý dưới lâm sàng hoặc lâm sàng. Ví dụ: xét nghiệm ALA niệu khi có tiếp xúc với chì; đo ngưỡng nghe khi tiếp xúc cới tiếng ồn; xét nghiệm trứng giun trong phân, tìm người lành mang trùng; đo chức năng hô hấp cho hàng loạt người tiếp xúc với bụi và hơi khí kích thích; khám phát hiện người bị viêm phế quản mạn tính. 

Khám phát hiện một số bệnh đặc trưng do môi trường: mắt hột, nhiễm độc nghề nghiệp, bụi phổi, dị ứng da với yếu tố môi trường đặc trưng. 

Đi tìm mối liên quan giữa tiếp xúc trong quá khứ và biểu hiện bệnh lý hiện tại không dễ dàng (kể cả tổ chức khám và làm xét nghiệm ở quy mô lớn), nhất là khi có nhiều yếu tố tác hại cùng tồn tại và bệnh thì không đặc hiệu (ví dụ viêm phế quản mạn tính có thể do ô nhiễm khói và bụi trong môi trường sinh hoạt, cũng có thể do tiếp xúc với khói bụi trong môi trường lao động và cũng có thể do hút thuốc lá). 

Kinh nghiệm cho thấy, khám lâm sàng rộng rãi các bệnh tật của các cộng đồng dân cư thường ít khi đáp ứng được nhu cầu thông tin, trong khi đó việc tổ chức khám lại rất tốn kém và đòi hỏi phải tổ chức cũng như tập huấn các bác sĩ rất kỹ và theo những quy trình, tiêu chuẩn chẩn đoán thống nhất. 

Vì vậy, nên tổ chức khám chuyên khoa, tập trung vào một số bệnh đặc trưng cho từng loại ô nhiễm. Cũng có thể chỉ khám cho một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao, làm các chỉ điểm về hậu quả của môi trường ô nhiễm với một hoặc vài yếu tố ô nhiễm đặc trưng. 

Phương pháp phỏng vấn về tình trạng sức khoẻ cộng đồng (điều tra hộ gia đình)

Đây là phương pháp khá phổ biến và được áp dụng ở các hình thức khác nhau: hỏi một người trong hộ gia đình để biết tình trạng sức khoẻ của mọi người trong hộ trong khoảng thời gian 2 tuần hoặc 4 tuần. Cũng có thể hỏi từng người đối với công nhân, đối với nông dân hỏi từng người trong hộ (trẻ em thì hỏi mẹ) về những triệu chứng bệnh vừa mắc trong 2 tuần trước đó. Ngoài những thông tin về bệnh tật hoặc tử vong, còn có những thông tin khác được phát hiện bằng phỏng vấn như tình trạng nhân khẩu học, kinh tế, nghề nghiệp, kiến thức về sức khoẻ - môi trường, thái độ và thực hành (biết gì, thái độ về những điều mình biết như thế nào: lo sợ, thờ ơ, cẩn thận và thực tế đã làm gì?), cách ứng xử y tế và môi trường, kiến thức vệ sinh an toàn lao động, hiểu biết về chất độc, tác hại nghề nghiệp, thái độ ứng xử với tình trạng thiếu nước sạch và công trình vệ sinh... 

Các nguồn số liệu sẵn có

Báo cáo tổng kết sổ khám chữa bệnh định kỳ hàng tháng, quý, năm qua hệ thống thống kê. Nhưng cần chú ý: tỷ lệ người dân mỗi khi bị ốm đến cơ sở y tế nhà nước chỉ khoảng 20 - 30%. Vì vậy, nếu lấy số liệu thống kê sẽ bỏ sót rất nhiều các trường hợp ốm tự chữa (chiếm đa số) và đến y tế tư nhân; còn cơ sở sản xuất thì 80% các trường hợp ốm đến y tế cơ quan hoặc cơ sở bệnh viện, phòng khám đa khoa. 

Nguồn số liệu từ thống kê bệnh viện

Nguồn số liệu này chỉ phản ánh các trường hợp bệnh nặng (đỉnh của tảng băng nổi), hoặc các bệnh khó chữa, các bệnh của người dân gần bệnh viện, bệnh nhân bảo hiểm y tế. Cho dù số liệu thống kê bệnh viện có chẩn đoán chính xác nhất song vẫn phản ánh đầy đủ hậu quả của môi trường lên sức khoẻ, bệnh tật, tử vong của quần thể có nguy cơ. 

Nguồn số liệu nghỉ ốm tại các cơ sở sản xuất

Đây là những số liệu quý vì được quản lý khá chặt chẽ. Mỗi trường hợp ốm và nghỉ ốm đều được ghi chép. Mặt khác, môi trường sản xuất tác động mạnh nhất trước hết đến công nhân nhà máy, sau đó mới tác động đến dân chúng xung quanh. Tuy nhiên, ảnh hưởng trên sức khoẻ đôi khi lại không rõ vì hiệu ứng công nhân khoẻ (thường công nhân được tuyển vào nhà máy là những người khoẻ hơn những người khác). Người dân xung quanh nhà máy có những nhóm tuổi nhạy cảm hơn và thời gian tiếp xúc dài hơn (không chỉ 8 tiếng). 

Nguồn số liệu từ khai báo tử vong

Trường hợp không được mổ tử thi thì nguyên nhân tử vong thường khó chính xác. Có thể dùng kỹ thuật giải phẫu lời nói (hỏi tỷ mỉ triệu chứng trước khi chết với bảng câu hỏi tiêu chuẩn) có thể cho phép nhận định nguyên nhân chết khá đúng. 

Dù nguồn số liệu nào, câu hỏi chung nhất vẫn luôn là: đối tượng nào bị ảnh hưởng? Bệnh hoặc ảnh hưởng đó là gì? Xảy ra ở đâu và khi nào? Để góp phần tìm hiểu nguyên nhân và các khả năng can thiệp vào cộng đồng với các loại nghề nghiệp và tình trạng tiếp xúc khác nhau, cần đặt câu hỏi như: biết gì về các yếu tố môi trường đó? Bệnh hoặc ảnh hưởng trên sức khoẻ là gì? Thái độ đối với môi trường và bệnh do môi trường ra sao? Đã làm gì để giải quyết những vấn đề về môi trường xung quanh bị ô nhiễm?

Mục tiêu của giám sát môi trường (các tác nhân ô nhiễm): giám sát hậu quả của môi trường ô nhiễm trên sức khoẻ là nhằm cung cấp các thông tin cho việc xác định các vấn đề tồn tại và mức độ trầm trọng của nó trên sức khoẻ cộng đồng, sau đó là chọn ra các vấn đề cấp bách nhất nhưng đã có giải pháp xử lý và có nguồn lực cần thiết để đưa ra các ưu tiên. Khi đã chọn được các vấn đề ưu tiên, chọn giải pháp thích hợp (khả thi, không tốn kém, có hiệu quả cao, kịp thời...) cần lên kế hoạch để từng bước can thiệp giảm nhẹ nguy cơ. 

Các bản kế hoạch phải được những người ra chính sách ủng hộ bằng chủ trương, bằng tài chính và cam kết duy trì. Các bản kế hoạch cũng cần có sự tham gia của động đồng trong việc xác định các vấn đề, chọn giải pháp, đóng góp công sức và tài chính

(nếu có), theo dõi, giám sát, đánh giá các hiệu quả của giải pháp can thiệp đã áp dụng. 

Ví dụ minh họa về quản lý nguy cơ môi trường

Quản lý nguy cơ là một quá trình xuất phát từ việc xác định xem có yếu tố nguy cơ nào (ô nhiễm môi trường bởi yếu tố gì), đánh giá mức độ nguy cơ (đo lường mức độ ô nhiễm). Chọn các giải pháp can thiệp làm giảm nguy cơ, thực hiện các giải pháp đó. Thực hiện quản lý nguy cơ cũng phải tính đến các giải pháp nào vừa khoa học, vừa khả thi và phải vừa có hiệu quả cao, chi phí thấp. Khi chọn giải pháp cũng phải dựa trên các quy định pháp lý, các chuẩn mực văn hóa, xã hội, đạo đức cũng như đường lối chính trị. Như vậy có nhiều mối liên quan đến quá trình quản lý nguy cơ, không phải chỉ có người dân chịu tác hại, người gây ô nhiễm và cơ quan y tế. Sau đây là bài tập tình huống mô tả 6 bước trong chu trình quản lý nguy cơ. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top