ĐẠI CƯƠNG
U máu nói chung được chia thành 3 loại: U máu dạng mao mạch hay dạng phẳng (Capillary hemangioma); U máu dạng chồi (Immature hemangioma); U máu dạng hang (Cavernous hemangioma).
Các kỹ thuật điều trị hiện đang được áp dụng có: phẫu thuật (áp dụng cho u máu sâu: dạng chồi, dạng hang, hình thái phức tạp); chiếu tia X mềm (áp dụng cho u máu nông: dạng phẳng); tiêm hóa chất gây xơ vào khối u (áp dụng cho u máu nông, dễ gây viêm, hoại tử vùng tiêm, ảnh hưởng đến thẩm mỹ); điều trị bằng tia laser (áp dụng cho u máu nông, đang được nghiên cứu);
Điều trị xạ áp sát da nơi có u bằng tấm áp 32P áp dụng cho u máu nông, hiệu quả cao, an toàn, ít tai biến.
NGUYÊN NHÂN
U máu là bệnh bẩm sinh, nguyên nhân chưa rõ ràng. Bệnh có liên quan đến yếu tố gia đình.
CHẨN ĐOÁN
Lâm sàng
Bệnh xuất hiện ngay khi sinh hoặc trong vài tuần, vài tháng sau sinh, tổn thương có xu hướng lan rộng dần từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 10. Sau đó, 80 % trường hợp bệnh phát triển chậm lại và một số có thể sẽ mất hẳn.
Vị trí: 60%: đầu-cổ; 20%: thân mình; 15%: chi.
Tổn thương cơ bản: dạng bớt máu: đó là các vết, mảng da màu hồng hoặc đỏ, hình thù đa dạng, ranh giới rõ với da lành, mật độ mềm.
Cận lâm sàng
Có thể tiến hành một số thăm dò cận lâm sàng sau để đánh giá thêm:
Siêu âm: đánh giá xem có u máu trong gan không.
Siêu âm Doppler: đánh giá xem có dị dạng hệ mạch máu sâu dưới da không.
MRI, CT, Angiography: đánh giá xem có dị dạng hệ mách máu não hoặc cơ quan khác không.
Chẩn đoán xác định
Dựa trên quan sát lâm sàng, bệnh sử.
Chẩn đoán phân biệt
Naevi sắc tố: tổn thương ranh giới không rõ, bề mặt phẳng, ít tiến triển.
ĐIỀU TRỊ
Nguyên tắc chung
Chỉ áp tấm áp ở tổn thương dưới da, không áp dụng với tổn thương vùng niêm mạc. Khi điều trị vùng mặt lưu ý che chắn mắt nếu áp xạ gần hốc mắt.
Chỉ định
U máu phẳng, nông (u mao mạch) dưới da.
Chống chỉ định
Người bệnh đang bị nhiễm khuẩn tại vùng u máu; cần phải điều trị hết nhiễm khuẩn mới tiến hành điều trị bằng tấm áp 32P.
Tổn thương u máu lan đến niêm mạc mắt, mũi, miệng, hậu môn, âm đạo; chỉ điều trị phần u máu ở da, phía ngoài niêm mạc.
Các bước tiến hành
Kiểm tra hồ sơ:
Họ tên, tuổi, chẩn đoán, liều lượng áp xạ32P, liệu trình điều trị.
Kiểm tra người bệnh:
Tình trạng cơ thể, tình trạng u máu.
Duyệt liều, liệu trình điều trị do bác sỹ chuyên ngành y học hạt nhân đảm nhiệm.
Thực hiện kỹ thuật:
Điều dưỡng viên: dùng kẹp dài để gắp và áp tấm áp 32P theo bề mặt u máu, lưu ý che chắn vùng da lành cho người bệnh (dùng mảnh bìa mỏng).
Liều chiếu xạ áp sát 32P: 30 - 32 Gy.
Liệu trình: 2 Gy/ ngày x 5 ngày/ tuần.
Lịch áp xạ cụ thể(trình bày ở trang sau)
Đánh giá kết quả:
Tốt: xóa hết tổn thương.
Khá: xóa được 50-70% tổn thương, tiếp tục theo dõi, nếu cần có thể điều trị tiếp liệu trình thứ 2 sau 3 tháng.
Trung bình: xóa được < 50% tổn thương, tiếp tục điều trị áp xạ cho đến khi xóa hết tổn thương.
Lịch áp xạ cụ thể như sau(với tấm áp 32P kích thước 2x4cm/120 mCi- Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt sản xuất):
Biến chứng và xử trí
Biến chứng: viêm, loét tại chỗ; mất sắc tố da tại vị trí áp xạ.
Viêm, loét: cần điều trị kháng sinh, chống viêm, chống phù nề, thay băng… Mất sắc tố da tại vị trí áp xạ: dùng kem thẩm mỹ để khắc phục.
Lưu ý: không dùng tay không để cầm; không cắt nhỏ tấm áp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Amanda Oakley (1997). Infantile haemangioma, NZDSI, New Zealand.
C.J.Furst, M Lundell, L.E. Holm (1987). Radiation therapy of Heamangioma, 1909-1959, a cohort based on 50 years of clinical practice at Radiumhemmet, Stockholm, Acta Onclologica, Vol 26, pages 33-36.
Genie M. Bang, Pete Setabutr. (2010). Periocular Capillary Hemangiomas:
Indications and Options for Treatment, Middle East Afr J Ophthalmol. AprJun; 17(2): 121–128.
Odile Enjolras, Francisc Gellbert (2008). Superficial Hemagiomas: associatiations and management, pediatric dermatology, Vol 14, issue 3, p. 173-179.
Stuart Seiff, Hampton Roy. (2011). Capillary Hemangioma Treatment & Management.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh