✴️ Suy thận là gì?chữa trị bệnh kịp thời

Suy thận là gì?

Suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận, bao gồm chức năng bài tiết lượng nước dư thừa trong cơ thể và bài tiết chất độc trong cơ thể do quá trình trao đổi chất gây ra. Ngoài ra, khi bị suy thận sẽ làm suy giảm chức năng sản xuất một vài hooc – môn do thận sản xuất.

Suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận.

Suy thận có thể được chia ra làm hai loại bao gồm suy thận cấp tính và suy thận mạn tính. Trong đó, suy thận cấp tính là một hội chứng xuất hiện khi chức năng thận bị suy sụp nhanh chóng. Khi đó, mức lọc cầu thận có thể bị giảm sút hoàn toàn, nặng có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, nếu xử lý kịp thời và chính xác thì chức năng thận có thể được hồi phục hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn.

Trường hợp  suy thận mạn tính là hậu quả của các bệnh thận mạn tính gây giảm sút từ từ số lượng các đơn vị chức năng của thận (nephron) làm suy giảm chức năng thận. Lúc này, mức lọc cầu thận giảm xuống dưới 60ml/phút và thận không còn đủ khả năng duy trì tốt sự cân bằng của nội môi, dẫn đến hàng loạt các rối loạn về sinh hoá và lâm sàng của các cơ quan trong cơ thể. Quá trình này có thể kéo dài 5 đến 10 năm hoặc lâu hơn tuỳ theo từng trường hợp cũng như số lượng giảm sút các đơn vị chức năng của thận.

 

Triệu chứng suy thận

Triệu chứng của người bị suy thận thường thấy bao gồm đau đầu do cao huyết áp, phù nề do ứ nước trong cơ thể, như phù mặt, tay chân hoặc bụng. Đặc biệt chân phù rất rõ, nếu ấn vào mắt cá hoặc sống chân sẽ thấy da bị lõm xuống, số lượng nước tiểu ít, thậm chí có thể vô niệu nếu suy thận cấp.

Người bệnh mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt,  đắng miệng, chán ăn, buồn nôn, mờ mắt, giảm tập trung và giảm ham muốn tình dục. Ngoài ra, bệnh nhân còn có biểu hiện môi thâm, răng xỉn, đau xương và răng, và chảy máu chân răng.

 

Nguyên nhân gây suy thận

Có hai nguyên nhân chính gây suy thận bao gồm viêm cầu thận cấp và tăng huyết áp kéo dài hoặc huyết áp quá cao làm cho áp lực máu quá mạnh gây phá hủy cầu thận. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như biến chứng của bệnh tiểu đường, viêm đường đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, ứ nước bể thận hoặc dị dạng đường tiết niệu…

Một số bệnh lý nhiễm trùng như nhiễm khuẩn liên cầu nhóm A, các vi khuẩn có độc lực cao…nếu không điều trị tốt có thể gây viêm và suy thận.

Người bệnh ăn phải một vài thực phẩm như mật cá, mật rắn, măng, hoặc bị côn trùng đốt…cũng có thể dẫn đến suy thận cấp.

Ngoài ra, khi dùng một số thuốc điều trị khi dùng dài ngày, liều không thích hợp (thuốc kháng viêm không steroid; kháng sinh nhóm aminoglycoside; thuốc kháng lao; thuốc và hóa chất điều trị ung thư; thuốc cản quang; một số thuốc Đông y không rõ nguồn gốc…) cũng có thể làm suy giảm chức năng của thận.

 

Phòng và điều trị suy thận

Hậu quả của suy thận làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe do đó chúng ta cần có biện pháp phòng ngừa bệnh, nắm rõ suy thận là gì để kịp thời phát hiện và có phương pháp chữa trị càng sớm càng tốt.

Chúng ta nên có chế độ ăn uống hợp lý, ăn ít muối, ít chất béo và bổ sung thêm cá, rau, trái cây trong thực đơn hằng ngày. Ngoài ra, cần uống đủ nước, luyện tập thể dục điều độ và không lạm dụng các thuốc có hại cho thận.

Những người có tiền sử các bệnh liên quan đến thận, bị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, cần điều trị tốt và khám bệnh định kỳ để theo dõi, tránh biến chứng suy thận.

Khi bị suy thận nhẹ, thì cần uống thuốc theo đơn của bác sĩ và có chế độ ăn uống hợp lý. Trong trường hợp bệnh đã nặng, cần được điều trị theo phác đồ của bác sĩ để đem lại hiệu quả tối ưu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top