Một số vấn đề thường gặp ở xương hàm dưới

Nội dung

Xương hàm dưới thường gặp phải nhiều chấn thương hơn so với xương hàm trên và các cấu trúc xương bất động khác. Ngoài ra, còn có nhiều bệnh lý khác nhau tác động đến xương này mà không phải ai cũng hiểu rõ. Dưới đây là một số vấn đề thường gặp nhất, cùng với cách nhận biết và xử lý khi gặp phải.

Lồi xương

Hiện tượng lồi xương hàm còn được gọi là Torus, tình trạng này chắc chắn không còn xa lạ với nhiều người. Chúng ta có thể quan sát bằng mắt thường và dễ dàng nhận biết được các cục u lồi và cứng.

Lồi xương hàm dưới thường gặp ở nam giới sau 30 tuổi. Về cơ bản thì tình trạng này không quá nguy hiểm. Nhưng nếu u lồi quá lớn, có xu hướng to dần theo thời gian thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Gãy xương

Là hiện tượng xương hàm dưới bị chấn thương, dẫn đến gãy một phần, một đường hoặc toàn bộ sau khi gặp tai nạn, va chạm không mong muốn. Nam giới có nguy cơ gãy xương hàm dưới cao hơn gấp 3 lần so với nữ giới. Độ tuổi có nguy cơ cao nhất là từ 20 đến 29 tuổi – đây là độ tuổi thanh niên thường xuyên vận động nhất.

Dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất khi bị gãy xương hàm là vùng hàm dưới bị biến dạng, mất hàm hoặc lệch hàm. Ngoài ra, có thể gặp phải một số dấu hiệu khác như chảy máu, phù nề, sưng đỏ, tụ máu,… tại chính vùng bị nứt gãy trên xương hàm dưới.

 

Vẩu xương

Đây là một loại rối loạn cấu trúc về răng hàm, thường được thể hiện rõ nét khi các răng hàm dưới có sự lệch lạc, bị đưa ra phía trước nhiều, không khớp với hàm trên. Đôi khi tình trạng này còn được gọi là hô hàm dưới.

Vẩu xương hàm thường có tính di truyền, quy trình điều trị khá phức tạp. Hiện nay người bị vẩu xương hàm dưới có thể lựa chọn các phương pháp chỉnh hình, chỉnh răng hoặc phẫu thuật để khắc phục. Những cách điều trị này yêu cầu chuyên môn rất cao, vì vậy bạn nên đến các trung tâm y tế uy tín để được thăm khám, điều trị và có sự chỉ dẫn, theo dõi sát sao của các chuyên gia y tế.

Viêm tủy xương

Tình trạng viêm xương hàm nói chung và viêm tủy xương hàm nói riêng đang ngày càng trở nên phổ biến. Đây là một loại bệnh lý, xảy ra khi tủy xương bị chấn thương, nhiễm khuẩn, hoặc thậm chí là do răng khôn mọc lệch. Đôi khi cũng có thể do sự xâm nhập của các ổ vi khuẩn, gây ra viêm nhiễm.

Vì vỏ xương hàm dưới dày và các cấu tạo đặc trưng khá khác biệt, nên xương này dễ bị viêm nhiễm hơn so với xương hàm trên. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng viêm tủy có thể tiến triển nặng, gây ra những biến chứng hết sức nghiêm trọng. Vì vậy ngay khi có dấu hiệu khác thường, đau buốt, phát sốt thì bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám.

 

 

Một số phương pháp tăng cường sức khỏe xương hàm dưới

Xương hàm dưới tác động trực tiếp đến khả năng mở miệng và nhai nuốt, vì vậy việc giữ xương này khỏe mạnh cũng là một cách nâng cao chất lượng cuộc sống. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, vì vậy để đảm bảo sức khỏe cho chính mình, bạn nên chủ động tăng cường sức khỏe hàm dưới bằng các cách sau đây:

  • Giữ răng miệng luôn sạch sẽ: Đây là hoạt động thiết yếu hằng ngày, không chỉ giúp bảo vệ răng chắc khỏe mà còn giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng, viêm tủy răng, viêm tủy xương,… Bạn nên đánh răng đều đặn 2 lần/ngày bằng bàn chải lông mềm, kết hợp các loại kem đánh răng, nước súc miệng và chỉ nha khoa.
  • Hạn chế ăn đồ ăn quá dai, cứng và nhiều chất béo: Thực phẩm nhiều chất béo có khả năng làm tăng nguy cơ viêm nhiễm răng và hàm. Đồng thời việc nhai thức ăn dai và cứng cũng tạo áp lực lớn đối với khớp hàm dưới, lâu ngày gây ra tổn thương và bệnh lý mãn tính.
  • Bỏ thói quen nghiến răng khi ngủ: Bạn nên trao đổi với bác sĩ hoặc người có chuyên môn để tìm ra liệu pháp ngăn ngừa nghiến răng để bảo vệ sức khỏe xương hàm.
  • Thăm khám răng miệng thường xuyên: Bạn nên thăm khám răng miệng định kỳ tại các phòng khám, bệnh viện răng hàm mặt uy tín. Điều này giúp kịp thời phát hiện các vấn đề và nhanh chóng điều trị.
  • Hạn chế chơi các môn thể thao mạo hiểm, vận động mạnh: Xương hàm dưới dễ chấn thương, vì vậy nếu bạn chơi các môn thể thao mạo hiểm thì nên trang bị đồ bảo hộ cằm, hạn chế va chạm dẫn đến chấn thương.
  • Tránh căng thẳng, mệt mỏi: Điều này tưởng chừng không liên quan đến xương hàm, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Giữ tinh thần luôn thoải mái giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, tăng cường sức đề kháng, giúp hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý.
return to top