✴️ Viêm họng nổi hạch và những điều cần biết

1. Tìm hiểu chung về nổi hạch do viêm họng

Trong y học, hạch bạch huyết giúp sản sinh dòng bạch cầu và kháng thể giúp cơ thể chống lại virus, vi khuẩn. Nổi hạch là một trong những biểu hiện dễ gặp khi bị viêm họng. Tuy nhiên nó xuất hiện khi bệnh có chuyển biến xấu.

1.1. Viêm họng nổi hạch là bệnh như thế nào?

Viêm họng cấp tính hay mạn tính đều có thể gây nên nổi hạch. Đây là cơ chế của cơ thể tự tạo phản ứng chống lại các tác nhân gây họng viêm, nhiễm trùng nặng. Hạch nổi lên tại các vị trí khác nhau với kích thước khác nhau tùy thể trạng người bệnh. Trường hợp người bệnh mắc viêm họng cấp, hạch sẽ nổi gần vùng bị tổn thương, sưng to gây cảm giác đau nhức. Sau thời gian điều trị, chúng sẽ dần biến mất và tình trạng bệnh được cải thiện. Nếu bệnh nhân mắc viêm họng mạn tính, hạch sưng to sẽ kèm theo các biểu hiện khác. Nếu không được điều trị sớm sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và cả tâm lý người bệnh.

Tìm hiểu chung về nổi hạch do viêm họng

Người bệnh mắc bệnh viêm họng, hạch sẽ nổi gần vùng bị tổn thương, sưng to gây cảm giác đau nhức

Hạch nổi có thể xuất hiện tại các vị trí sau:
– Nổi hạch sau tai, sau gáy
– Nổi hạch vùng cổ
– Nổi hạch dưới hàm

1.2. Biểu hiện của chứng viêm họng gây nổi hạch

Mọi người thường xem nhẹ các triệu chứng của viêm họng vì nó đơn giản và dễ xử lý. Tuy nhiên nếu có những dấu hiệu dưới đây, người bệnh cần tới gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời:
– Hạch xuất hiện tại cổ, tai, hàm, gáy,… trong thời gian dài và ngày càng lan rộng
– Cổ họng đau rát, phù nề, khó thở, khó nuốt
– Sốt cao, ho kéo dài, mồ hôi ra nhiều, khản tiếng, ho có đờm
– Mệt mỏi
– Sút cân không lý do
Lúc này, bệnh có khả năng đã trở nặng và kéo theo những bệnh lý nghiêm trọng hơn. Vì vậy bệnh nhân cần thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Viêm họng nổi hạch là bệnh như thế nào?

Cổ họng đau rát, phù nề là dấu hiệu điển hình của họng sưng gây nổi hạch cổ

1.3. Nổi hạch cổ có nguy hiểm không?

Mức độ nghiêm trọng của bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân gây nổi hạch. Sẽ không đáng lo ngại nếu đây là biểu hiện của các bệnh lành tính. Hạch sẽ biến mất chỉ sau vài ngày chữa trị. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài và ngày càng nặng, nó sẽ là hệ quả của các bệnh nguy hiểm sau:

Viêm họng do virus và vi khuẩn

Nếu không chữa dứt điểm, vi khuẩn có thể gây biến chứng tới các cơ quan khác như tai, tim, mũi, phổi,… kèm theo đó là các biểu hiện gây cản trở sinh hoạt và cuộc sống.

Viêm amidan

Biểu hiện của viêm amidan gần giống với viêm họng. Người bệnh thấy họng sưng đau rát, khàn tiếng, sốt cao, nổi hạch cổ do amidan nằm trước đường thở.

Nổi hạch bạch huyết vùng cổ có nguy hiểm không?

Hình ảnh mô phỏng của bệnh amidan

Sởi, Rubella

Căn bệnh này nguy hiểm hơn cảm, viêm họng rất nhiều. Nó gây ra các biến chứng về mắt, hệ thần kinh như viêm não, viêm phổi. Nếu không được phát hiện sớm sẽ để lại hệ quả khôn lường.

Nhiễm trùng tai, răng

Người bị viêm tai, nhiễm trùng tai hay răng thường bị nổi hạch phía sau tai hoặc cổ gây khó khăn trong việc nhai nuốt, cùng đau đớn vùng cơ hàm.

Ung thư tuyến giáp

Nổi hạch cổ là một trong những biểu hiện nổi trội của u tuyến giáp. Cảm giác nghẹn, khàn tiếng khiến người bệnh nhầm tưởng viêm họng hay viêm amidan. Nhưng nguy hiểm hơn, bệnh không được điều trị sớm sẽ di căn, ảnh hưởng tới tính mạng.

Ung thư vòm họng

Là một trong những bệnh ung thư nguy hiểm hàng đầu thế giới, u vòm họng thường khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Các biểu hiện bệnh dễ bị nhầm với viêm họng, cảm cúm như đau đầu, ù tai, ngạt mũi, nổi hạch hàm,… Khi bệnh di căn thì hạch cứng, không còn gây đau đớn. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong vì bệnh này khá cao.

Viêm họng nổi hạch nên làm gì để hết triệu chứng

Các biểu hiện ung thư vòm họng dễ bị nhầm với viêm họng, cảm cúm

Từ những mối nguy hại âm thầm trên, người bệnh cần chủ động tới bệnh viện thăm khám khi có dấu hiệu nổi hạch. Bằng cách xác định chính xác nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp, kịp thời. Đồng thời giúp phòng ngừa những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng cho người bệnh.

 

2. Xử lý viêm họng nổi hạch thế nào?

Tùy thuộc vào bệnh lý gây ra chứng họng viêm nổi hạch mà sẽ có những cách điều trị khác nhau. Bài viết này chỉ đề cập tới những phương pháp phòng và chữa bệnh lý viêm họng gây nổi hạch.

2.1. Điều trị viêm họng gây nổi hạch

Khi có dấu hiệu viêm họng và nổi hạch, trước tiên bệnh nhân cần tự theo dõi tình trạng hạch trong vài ngày. Nếu bệnh không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp xử lý đơn giản tại nhà như:
– Chườm khăn nước ấm lên vùng hạch cổ
– Uống nước ấm thường xuyên
Tuy nhiên nếu hạch không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày càng lan rộng, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.

Xử lý viêm họng gây nổi hạch thế nào?

Chườm khăn nước ấm lên vùng cổ giúp cải thiện tình trạng bệnh

Tại bệnh viện, trước tiên bác sĩ sẽ thăm khám tổng quát bằng tay để xác định vị trí, kích cỡ của hạch nổi, khu mủ, viêm nhiễm. Nếu là hạch lành tính, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt, trừ ho nhằm xử lý dần các triệu chứng. Các loại thuốc thường dùng như:
– Thuốc kháng sinh: Penicillin, Amoxicillin
– Thuốc giảm ho: Những huốc có thành phần Codein, Alimemazin, Toplexil,…
– Thuốc long đờm: Acetylcystein, Carbocistein, Ambroxol
– Thuốc giảm đau giảm sốt: Ibuprofen (Advil, Motrin), Acetaminophen (Tylenol), Aspirin
– Thuốc xịt họng hoặc viên ngậm
Việc dùng thuốc điều trị cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc bừa bãi, tránh gây tác dụng ngoài ý muốn.
Nếu nghi ngờ hạch ác tính, bác sĩ sẽ tiếp tục chỉ định thực hiện các biện pháp kiểm tra như xét nghiệm, nội soi. Dựa theo kết quả kiểm tra bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Điều trị các chứng viêm sưng

Kháng sinh là thuốc phổ biến dùng cho bệnh nhân viêm đường hô hấp

2.2. Phòng ngừa bệnh viêm họng nổi hạch

Để chủ động chặn trước nguy cơ bị nổi hạch viêm họng, bạn cần thay đổi từ thói quen sinh hoạt khoa học và hợp lý. Cụ thể:
– Chăm sóc răng miệng đúng cách
– Dùng nước muối sinh lý súc miệng và họng thường xuyên
– Rửa tay, sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người mắc viêm họng
– Hạn chế rượu bia, đồ uống có cồn, chất kích thích
– Tránh đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ
– Giữ cơ thể đủ ấm, đặc biệt thời điểm giao mùa
– Uống đủ nước mỗi ngày
– Bổ sung vitamin C tăng đề kháng
– Đeo khẩu trang tránh khói bụi
Như vậy, viêm họng nổi hạch không khó phòng ngừa và điều trị như mọi người vẫn tưởng. Hãy sống khoa học, tuân thủ đúng những yêu cầu cũng như phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra. Hãy cải thiện sức khỏe bản thân ngay từ những điều đơn giản mỗi ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top