Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?

Còn được gọi bằng những thuật ngữ Việt Nam chưa đồng nhất như Huyết Khối Tĩnh Mạch Sâu (HKTMS) hoặc Máu Đông Trong Tĩnh Mạch Sâu (Deep Vein Thrombosis - DVT), chứng máu đông trong các tĩnh mạch sâu có thể phát triển khi máu đông trong lòng một tĩnh mạch nằm sâu trong cơ thể như tĩnh mạch ở chân. Huyết đông và đóng thành khối nơi đây có thể làm tắt nghẽn toàn phần hoặc một phần sự di chuyển của máu. 

Chứng này ít xảy ra ở lứa tuổi dưới 40 nhưng thường thấy ở người trên 80 (gần 500 người trên 80 thì 1 người có thể mắc phải). 

Chứng bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu thông thường thấy ở bắp chân, nhưng có thể xảy ra ở bắp đùi. Đôi khi HKTMS cũng xảy ra ở các tĩnh mạch sâu khác trong cơ thể. 

Triệu chứng và dấu hiệu 

Một huyết khối trong tĩnh mạch sâu thường tạo nên một khối máu dài, mềm với một đầu dính vào vách trong của tĩnh mạch. Khối máu đông này có thể trở nên lớn hơn nhiều và tách rời vào dòng máu. Khi khối máu tách ra, nó được xem như là một vật làm nghẽn mạch (embolus), và vật làm nghẽn mạch (VLNM) này có thể được mang đi trong dòng máu đến những tĩnh mạch lớn hơn ở chân. 

Sau đó, vật làm nghẽn mạch (VLNM) có thể được mang lên tĩnh mạch lớn nhất của cơ thể - tĩnh mạch chủ, và vào tim. Từ tim, vật làm nghẽn mạch (VLNM) lại bị đưa đẩy ra các động mạch vào phổi và làm nghẽn những động mạch này, cuối cùng gây nên chứng Nghẽn Mạch Phổi (NMP) - Pulmonary Embolism (PE). Nghẽn mạch phổi (NMP) nặng quá sẽ làm phổi xẹp và tim suy. Chứng này là một trong những nguyên nhân chết đột ngột. 

Những triệu chứng và dấu hiệu có thể phát hiện trong trường hợp bị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu (HKTMS) ở chân gồm: sưng, đau, đỏ - nhất là phía sau chân, bên dưới đầu gối.

HKTMS (DVT) thường xảy ra ở một chân - nhưng cũng có thể cả hai chân. Chỗ đau có thể tăng khi co gập chân về phía đầu gối. 

Đôi khi không có một triệu chứng hoặc dấu hiệu ở chân đang bị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Do đó, chứng này có thể chỉ được phát hiện sau khi có biến cố Nghẽn Mạch Phổi (NMP) vì hậu quả của máu đông trong tĩnh mạch chân. 

Triệu chứng và dấu hiệu của Nghẽn Mạch Phổi (NMP) gồm khó thở, đau ngực và ngất xỉu - khi thật nặng. HKTMS (DVT) và Nghẽn Mạch Phổi (NMP) như vậy nên được xem như là những chứng nguy hiểm cần được định bệnh và điều trị khẩn cấp. 

 

Nguyên nhân 

HKTMS (DVT) đôi khi xảy ra không một nguyên nhân rõ rệt bên trong một tĩnh mạch có vẻ bình thuờng. Tuy nhiên, nguy cơ dễ mắc chứng HKTM (DVT) gia tăng trong một số trường hợp sau đây. 

Bất động 

Nếu cơ thể bất động hoặc ít di động, máu trong tĩnh mạch sẽ chảy chậm luân lưu và làm tăng nguy cơ máu đông. HKTMS (DVT) có thể xảy ra sau một cuộc giải phẫu kéo dài hơn 30 phút. Trong thời gian giải phẫu, dưới sự gây tê mê, chân bị bất động và máu di chuyển trong tĩnh mạch chậm lại. Bệnh hoạn hoặc thương tích cũng gia tăng nguy cơ bị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Mặt khác, hành trình lâu dài trên máy bay, tầu lửa và xe hơi cũng có thể tăng nguy cơ HKTMS (DVT). 

Tổn thương ở tĩnh mạch 

Nếu vách trong của tĩnh mạch bị tổn thương, nguy cơ bị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) sẽ gia tăng. Những chứng Viêm mạch (Vasculitis) và một số phương cách điều trị - như Hoá trị - có thể gây tổn thương ở tĩnh mạch, và gia tăng nguy cơ bị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Hơn nữa, chính HKTMS lại có thể làm tổn thương vách trong tĩnh mạch và tăng nguy cơ bị thêm một HKTMS (DVT) khác trong tương lai. 

Một số trường hợp bệnh lý và di truyền 

Nguy cơ bị HKTMS (DVT) cũng gia tăng trong một số trường hợp bệnh lý và di truyền làm cho sư đông máu xảy ra quá dễ hơn bình thường. 

Thuốc ngừa thai và thuốc "Hồi xuân" 

Cả thuốc ngừa thai và thuốc "Hồi xuân" (Hormone Replacement Therapy - HRT - Liệu pháp dùng Kích Thích tố) đều có chứa kích thích tố của người nữ là oestrogen. Chất oestrogen này làm cho máu dễ đông hơn, do đó gia tăng nguy cơ bị HKTMS (DVT). 

Những lý do đáng lưu ý khác 

Người bị ung thư, suy tim có nguy cơ HKTMS (DVT) nhiều hơn. Tuổi trên 40 cũng tăng nguy cơ bị HKTMS (DVT). Mang thai và Béo phì đều dễ bị HKTMS. 

 

Chẩn đoán 

Vì có rất nhiều nguyên nhân của hiện tượng sưng, đỏ hoặc đau ở bắp chân, việc chẩn đoán HKTMS (DVT) không thể chỉ căn cứ vào triệu chứng và chỉ dấu này. Nếu nghi ngờ HKTMS (DVT), một số xét nghiệm cần được thực hiện sớm để chẩn đoán bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). 

Test mang tên D-dimer 

Đây là một xét nghiệm máu đặc biệt để tìm những mảnh huyết đông bị vỡ tan trong dòng máu. Càng nhiều mảnh huyết đông thì càng nhiều khả năng máu đông trong tĩnh mạch. 

Siêu âm 

Hình Siêu âm có thể giúp phát hiện cục máu trong tĩnh mạch chân. Một kỹ thuật siêu âm đặc biệt - Doppler siêu âm - có thể giúp biết tốc độ di chuyển của máu trong tĩnh mạch. 

X-Quang tĩnh mạch 

Nếu Siêu âm không làm rõ chẩn đoán, hình X-quang tĩnh mạch - sau khi chích chất cản quang - có thể cho thấy chất này có di chuyển bình thường trong tĩnh mạch hoặc bị ngăn chận trong trường hợp có HKTMS. 

 

Điều trị 

Việc điều trị HKTMS (DVT) nhằm ngăn huyết khối lớn ra, tan vỡ, và di chuyển về phổi để tránh Nghẽn Mạch Phổi (PE). Điều trị cũng giúp tránh biến chứng và tái phát hiện HKTMS trong tương lai. 

Dùng thuốc chống đông máu 

Các thuốc chống đông máu như Heparin và Warfarin thường được dùng dưới sự theo dõi đặc biệt của Bác sĩ. Warfarin không được dùng cho phụ nữ mang thai. Thời gian phải dùng thuốc cũng tùy vào nguy cơ bị HKTMS (DVT) trong tương lai. Dùng vớ ôm ép (compression stockings) Loại vớ đặc biệt này giúp tránh tổn thương gia tăng ở các mô tại chân. Vớ đặc biệt này cũng có thể phòng ngừa và gia giảm sưng, đau, nguy cơ bị lở loét và biến chứng ở chân. Vớ ôm ép này có thể phải dùng hàng năm hoặc tháng, sau khi bị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) và cần phải được chọn đặt do chuyên viên y tế. Vớ này cũng cần được mang ngay từ lúc sáng sớm thức dậy, mang suốt ngày, chỉ được cởi ra lúc đi ngủ. Loại vớ để nâng (support stockings) - được bán không cần toa - có thể không thích hợp.

Nâng chân 

Ngoài biện pháp dùng vớ ôm ép, lúc nằm, người bị HKTMS cũng có thể cho chân lên cao. Chân đưa lên cao hơn đùi sẽ làm giảm áp lực lên tĩnh mạch chân. Việc này có thể thực hiện bằng cách dùng một cái gối để dưới bắp chân. Ngoài ra, cũng nên nâng chân giường làm thế nào cho bàn chân và cẳng chân hơi cao hơn bắp chân lúc nằm ngủ.

 

Biến chứng 

Có hai biến chứng quan trọng của HKTMS (DVT); đó là Nghẽn Mạch Phổi và Hội chứng Hậu Huyết Khối. 

Nghẽn Mạch Phổi - Đôi khi, do HKTMS (DVT), một phần của khối máu có thể vỡ tan và di chuyển trong mạch máu cho đến lúc cuối cùng bị tắc nghẽn. Phần của khối máu này được gọi là vật làm nghẽn mạch (embolus). Nếu vật làm nghẽn mạch (VLNM) không quá lớn, chúng có thể chỉ gây khó thở và đau ngực. Một vật làm nghẽn mạch quá lớn có thể gây tai họa. Gần 10% các trường hợp HKTMS (DVT) không được điều trị đúng mức có thể gây nên Nghẽn Mạch Phổi và tử vong. 

Hội chứng Hậu HKTMS (Post thrombotic Syndrome) - Hội chứng này gồm các triệu chứng và dấu hiệu lâu dài còn lại trong 60% các trường hợp HKTMS không được điều trị. Những triệu chứng và dấu hiệu của Hội chứng này bắt nguồn từ tình trạng gia tăng áp suất lên các mô của bắp chân. Chúng có thể gồm đau bắp chân, khó chịu ở bắp chân, sưng, và đỏ. Trong trường hợp nặng có thể phát hiện lở loét ở bắp chân. 

Nguy cơ bị hội chứng này càng nhiều nếu HKTMS xảy ra tại tĩnh mạch ở đùi. Hội chứng này cũng dễ xảy ra hơn ở người quá nặng ký hoặc có trên một HKTMS ở cùng một chân.

 

Phòng ngừa 

Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu (HKTMS) thường xảy ra sau một cuộc giải phẫu kéo dài. Nguy cơ HKTMS cũng gia tăng ở người vốn ít di động và những người vốn có xáo trộn về đông máu, sau khi sanh đẻ. Do đó sau khi giải phẫu và sanh đẻ, cần tránh bất động và nằm quá lâu. Nếu có sẵn bệnh về đông máu, các thuốc chống đông có thể được Bác sĩ cho dùng. 

Đặc biệt về Phòng ngừa khi đi du lịch 

Nếu biết mình có nguy cơ bị HKTMS, nên hỏi ý kiến của Bác sĩ điều trị trước khi đi du lịch. Khi đi du lịch xa và thời gian lâu, nên chú ý:

- Giữ cho mình thoải mái lúc ở tư thế ngồi, 

- Co duỗi chân mỗi 30 phút trong hành trình 

- Dẫm mạnh bàn chân vào sàn hoặc vật tựa chân (foot-rest) 

- Thỉnh thoảng ưỡn ngực như làm thể dục hô hấp 

- Thỉnh thoảng đi lại, nếu được phép 

- Đi lại trong thời gian xe hoặc tầu ngưng nghỉ 

- Mang vớ ôm ép (compression stockings), nếu có chỉ định

- Uống nhiều nước 

- Tránh rượu và thuốc ngủ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top