NGUYÊN LÝ:
Ghi hình tuyến giáp dựa trên khả năng bắt iode với nồng độ cao và giữ lâu trong tuyến (sự phân bố chất phóng xạ trong tuyến) sau khi đưa vào cơ thể một lượng iode phóng xạ. Ngoài ra TcO4 cũng được dùng để ghi hình như iode; nhưng ion này không được hữu cơ hoá mà chỉ giữ lại trong tuyến một thời gian ngắn, do đó phải ghi hình sớm hơn.
DƯỢC CHẤT PHÓNG XẠ
123I là tốt nhất trong ghi hình chẩn đoán. 123I phát tia gamma đơn thuần, năng lượng 160 keV, T1/2: 13 giờ. Liều hấp thụ ở tuyến giáp rất bé, chỉ bằng khoảng 1% so với dùng 131I.
131I được dùng nhiều vì thuận tiện và giá thành tương đối rẻ, phát tia gamma (364 keV) và tia beta (0,601 MeV), T1/2 = 8 ngày.
99mTc phát tia gamma đơn thuần (140 keV), T1/2: 6 giờ. Không hữu cơ hoá được như iode, nhưng 99mTc thâm nhập được vào nhân trong những phút đầu, vì vậy một số nhân lạnh với iode thì có thể là nhân nóng hoặc nhân ấm với 99mTc.
CHỈ ĐỊNH
Xác định vị trí, hình dạng, kích thước của tuyến, tuyến giáp lạc chỗ, không có tuyến giáp.
Tình trạng chức năng của nhân tuyến giáp (nhân lạnh, nhân nóng).
Chẩn đoán phân biệt với các u vùng cổ và trung thất.
Đánh giá sau phẫu thuật UTTG để xác định mô giáp còn lại, theo dõi kết quả điều trị UTTG thể biệt hóa sau phẫu thuật bằng 131I.
Xạ hình toàn thân bằng 131I phát hiện UTTG di căn phổi, di căn xương...
THIẾT BỊ
Ghi hình với máy SPECT: dùng chuẩn trực pinhole. Có thể ghi ở 3 tư thế: trước (ANT); chếch bên trái (LAO); chếch bên phải (RAO).
Khoảng cách giữa pinhole với tuyến giáp: 7,5 - 10 cm với người lớn và 5 cm với trẻ em. Nên có đánh dấu để dễ nhận định vị trí giải phẫu của tuyến.
Nếu dùng chuẩn trực ống song song, sẽ có trường nhìn rộng hơn và không có hiện tượng đảo ảnh. Nên dùng chuẩn trực này để ghi hình khi nghi ngờ có di căn ung thư tuyến giáp và khi cần ghi hình bướu giáp bên trong lồng ngực.
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ
Tuyến giáp bình thường có hình con bướm với 2 cánh xoè, bắt phóng xạ đồng đều. Thuỳ phải hơi lớn hơn thuỳ trái.
Những bất thường có thể ghi nhận trên xạ hình:
Tuyến giáp phì đại, biến dạng 1 hoặc 2 thuỳ, eo tuyến nở rộng, bắt phóng xạ cao, vùng trung tâm cao hơn vùng ngoại vi. Dạng này thường gặp ở bệnh nhân cường giáp.
Nhân nóng (hot nodule): là vùng tập trung hoạt tính phóng xạ cao hơn tổ chức xung quanh, thường là các adenoma ưu năng.
Nhân nóng “đặc biệt”: khi chỉ nhân tuyến giáp hiện hình, còn toàn bộ nhu mô tuyến không hiện hình mặc dù trên lâm sàng khám thấy tuyến giáp to. Đó là “nhân độc tự trị”. Nhân hoạt động quá mạnh gây tình trạng cường năng tuyến giáp, ức chế tiền yên tiết TSH nên phần tổ chức tuyến giáp lành xung quanh không còn hoạt động chức năng. Cả tuyến giáp chỉ bắt phóng xạ sau khi bệnh nhân được tiêm TSH.
Nhân lạnh (cold nodule): là vùng giảm hoạt tính phóng xạ hoặc khuyết hoạt tính phóng xạ. Nhân lạnh có thể là adenoma thoái hoá, nang keo, viêm tuyến giáp khu trú hay UTTG (carcinoma). Nang giáp chiếm một tỷ lệ lớn, nếu chọc hút thấy có dịch và trên siêu âm thấy trống âm. Nhìn chung, với một nhân lạnh đơn độc không được quên nghĩ tới carcinoma tuyến giáp. Tuy nhiên, chỉ khi nào chọc hút thấy tế bào ung thư thì mới kết luận là ung thư.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh