NGUYÊN LÝ
Với các thuốc phóng xạ được tập trung bởi các tế bào nhu mô gan rồi bài xuất qua mật xuống ruột có thể ghi hình được hệ thống gan - mật.
Đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch một hợp chất đánh dấu đồng vị phóng xạ được hấp thu bởi tế bào gan rồi bài tiết qua đường mật xuống ruột. Các chất đó không được tái hấp thu bởi niêm mạc ruột. Với các thiết bị ghi hình phóng xạ thích hợp cho phép chụp xạ hình đánh giá vị trí, hình dáng, kích thước, cấu trúc và chức năng hấp thu chất đánh dấu, chức năng bài tiết mật, sự lưu thông đường mật và tình trạng túi mật. Kỹ thuật xạ hình này cũng cho phép phát hiện trào ngược ruột - dạ dày.
CHỈ ĐỊNH
Đánh giá chức năng bài tiết mật của tế bào gan.
Đánh giá lưu thông của đường mật
Đánh giá túi mật (viêm, sỏi)
Đánh giá chức năng của gan sau ghép gan.
Chẩn đoán bệnh lý nhân phì đại cục bộ trong gan (Focal Nodule Hyperplasia)
Phát hiện rò dịch mật.
Đánh giá các bất thường bẩm sinh đường mật.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
Suy gan, tắc mật quá nặng.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện
Bác sỹ chuyên khoa Y học hạt nhân
Điều dưỡng Y học hạt nhân
Cán bộ hóa dược phóng xạ
Cán bộ an toàn bức xạ
Kỹ thuật viên Y học hạt nhân
Phương tiện, thuốc phóng xạ
Máy ghi đo: máy Gamma Camera SPECT, SPECT/CT có trường nhìn rộng,bao định hướng năng lượng thấp, đa mục đích, độ phân giải cao.Máy chuẩn liều bức xạ gamma, máy đo rà bức xạ gamma.
Thuốc phóng xạ:
Hợp chất đánh dấu: Hepatobiliary Iminodiacetic (HIDA; IDA) dạng kít bột đông khô. 85% bài tiết qua đường mật, 15% qua nước tiểu, ngưỡng Bilirubin toàn phần trong máu có thể dùng là 8mg/dl.
Đồng vị phóng xạ: 99mTc; T1/2 = 6 giờ; năng lượng Eγ=140keV.
Liều dùng: 5-10 mCi (185-370MBq), với trường hợp có tắc mật là 10 mCi, tiêm tĩnh mạch.
Dụng cụ, vật tư tiêu hao
Bơm tiêm 1ml,3ml,5ml,10ml.
Kim lấy thuốc, kim tiêm.
Bông, cồn, băng dính.
Găng tay, khẩu trang, mũ, áo choàng y tế.
Áo chì, kính chì, cái bọc bơm tiêm bằng chì, liều kế cá nhân.
Chuẩn bị người bệnh
Người bệnh nhịn ăn trước khi làmxét nghiệm 4-6 giờ, được giải thích về quy trình kỹ thuật sẽ thực hiện để phối hợp.
Không dùng các thuốc kích thích bài xuất mật trước khi làm xạ hình 4-6 giờ.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Tách chiết - Đánh dấu thuốc phóng xạ
Chiết 99mTc từ bình chiết.
Bơm dung dịch 99mTc-pertechnetat vào lọ HIDA, lắc tan, ủ trong 20-30 phút ở nhiệt độ phòng.
Hút liều thuốc phóng xạ99mTc-HIDA5-10mCi cho mỗi người bệnh.
Tiêm thuốc phóng xạ và ghi đo
Người bệnh nằm ngửa, đầu thu của máy xạ hình đặt ở vùng ngực - bụng, trường nhìn bao quát cả vùng gan, ruộtnon.
Tiêm liều thuốc phóng xạ vào tĩnh mạch tay.
Chụp hình:
Pha tưới máu (Blood Flow): 30 giây/hình trong 1-2 phút đầu, ngay sau đó ghi hình pha bể máu.
Pha bể máu (Blood pool) và sau đó mỗi 5 phút/hình trong 30 phút sau đó mỗi 10 phút/hình trong 30 phút tiếp theo. Chế độ 500-750 Kcount/hình.
Ghi thêm các tư thế khác hoặc thời điểm muộn khi cần thiết.
Trong một số trường hợp cần dùng nghiệm pháp kích thích bài xuất mật, có thể tiến hành như sau:
Nếu sau 40 phút không thấy lên hình túi mật, cho morphin liều 0,04 mg/kg tiêm tĩnh mạch, ghi hình sau tiêm morphine 20-50 phút. Giúp chẩn đoán viêm túi mật cấp.
Nếu sau 45-60 phút không thấy hoạt độ ruột có thể cho người bệnh ăn lòng trắng trứng hoặc bơ để kích thích bài xuất mật xuống ruột.
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ
Hình ảnh bình thường
Gan được cung cấp máu từ tĩnh mạch cửa (75%) và từ động mạch gan (25%). Trong 1-2 phút đầu hoạt độ trong gan tăng dần do tưới máu gan nên có thể đánh giá hình thể, cấu trúc gan. Trong những phút tiếp theo thuốc phóng xạ được bài xuất vào hệ thống các ống mật rồi đổ về ống gan trái hoặc ống gan phải, về ống gan chung, túi mật, ống mật chủ và phần trên ruột non.
Pha sớm đánh giá tưới máu gan, sau đó hoạt độ trong gan tăng dần do tích lũy tập trung HIDA, đánh giá hình thể, cấu trúc gan, chưa thấy hình túi mật.
Túi mật, ống mật chủ sau đó là hoạt độ ruột thấy sau 45-60 phút.
Túi mật được làm đầy thuốc phóng xạ có nghĩa là ống túi mật thông suốt và có thể loại trừ viêm túi mật cấp với độ chính xác cao.
Hoạt độ phóng xạ ít khi thấy ở thận.
Hình ảnh bệnh lý
Khi có ứ mật, hoạt độ phóng xạ vào gan và bài xuất khỏi gan chậm, hoạt độ trong máu cao, nhìn thấy hoạt độ phóng xạ ở thận.
Không thấy túi mật: viêm túi mật, tắc ống túi mật
Tắc mật thấp: ứ đọng hoạt độ phóng xạ trong gan, túi mật, ống mật chủ. - Bệnh lý tăng sản thể nốt trong gan (FNH): khối tăng hoạt độ trong gan, đào thải chậm so với nhu mô gan lành xung quanh.
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
Kỹ thuật ghi hình an toàn, hầu như không có tai biến gì trong và sau chụp hình.
Người bệnh dị ứng với thuốc phóng xạ: rất hiếm gặp. Xử trí: dùng thuốc chống dị ứng, tuỳ mức độ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh