✴️ Viêm loét dạ dày nặng dẫn tới biến chứng thủng dạ dày

Nội dung

Viêm loét dạ dày chiếm khoảng 26% và đây cũng là tỷ lệ mắc bệnh cao nhất trong các bệnh lý đường tiêu hóa. Viêm loét dạ dày nặng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng mà trong số đó phải kể tới là nguy cơ thủng dạ dày cực kỳ nguy hiểm.

 

1. Bệnh viêm loét dạ dày và biến chứng viêm loét dạ dày nặng

1.1. Bệnh viêm loét dạ dày

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà lớp niêm mạc bảo vệ cuối cùng của dạ dày có thể bị bào mòn và làm cho lớp mô bên dưới bị lộ ra. Khi đó, thành niêm mạc rất dễ bị tổn thương gây ra viêm và loét. Các tổn thương nhỏ có thể tự lành sau thời gian ngắn, còn với các tổn thương nặng sẽ hình thành các ổ viêm loét kèm theo triệu chứng bệnh.

Bệnh viêm loét dạ dày có xu hướng tiến triển nặng dần. Nếu người bệnh không được điều trị đúng cách sớm, bệnh sẽ nhanh chóng trở nặng sẽ kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm cùng hậu quả khôn lường.

Viêm loét dạ dày là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến nhất, người bệnh tuyệt đối không thể chủ quan.

 

1.2. Biến chứng nguy hiểm khi viêm loét dạ dày nặng gây ra

Hẹp môn vị, thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày và ung thư dạ dày là những loại biến chứng nguy hiểm nhất gặp phải ở người bị viêm loét dạ dày nếu bệnh không được điều trị đúng cách và kịp thời.

Hẹp môn vị dạ dày

Hẹp môn vị là biến chứng phổ biến nhất xảy ra ở người bệnh viêm loét dạ dày. Trong trường hợp bị hẹp môn vị dạ dày người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu vô cùng với những biểu hiện cụ thể sau đây:

– Đau bụng dữ dội, đau dồn dập, đau liên tục và kéo dài. Cơn đau thường xuất hiện sau ăn và thường đau nhiều hơn sau ăn.

– Buồn nôn, nôn. Thực phẩm nôn ra sẽ có mùi hôi khó chịu.

– Người mệt mỏi không còn sức lực, lờ đờ, toát mồ hôi.

Thủng dạ dày

Khi các ổ loét không được điều trị đúng cách và kịp thời, lâu dần chúng sẽ ăn sâu và làn rộng khiến tình trạng viêm loét ngày một trở nên nghiêm trọng. Khi đó, thành dạ dày bị tổn thương nặng và có thể xuất hiện các lỗ hở (vết thủng dạ dày).

Thủng dạ dày là biến chứng nguy hiểm và cần được xử lý đúng cách ngay lập tức, nếu không có thể dẫn tới những hệ quả khôn lường, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng.

Xuất huyết dạ dày

Xuất huyết dạ dày xảy ra khi dạ dày bị chảy máu. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ các vết viêm loét nặng làm tổn thương mạch máu và dẫn tới chảy máu. Khi bị xuất huyết dạ dày, người bệnh thường có các biểu hiện như: nôn ra máu hoặc dịch đen, đại tiện ra phân đen như nhựa đường hoặc bột cà phê, phân có mùi hôi thối như mùi phân hủy xác động vật.

Ung thư dạ dày

Các triệu chứng cảnh báo ung thư dạ dày thường rất mơ hồ, khó xác định. Triệu chứng hay gặp nhất là đau bụng âm ỉ, chướng bụng, khó tiêu, ợ hơi, buồn nôn, nôn và chán ăn. Tuy nhiên, những triệu chứng trên rất dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thông thường nên người bệnh thường bỏ qua. Điều này lý giải vì sao với bệnh ung thư dạ dày, hầu hết các trường hợp khi phát hiện đều đã diễn biến ở các giai đoạn nặng.

Chính vì thế, người bệnh tuyệt đối không thể chủ quan. Khi các triệu chứng nêu trên kéo dài hơn 2 tuần thì nên thăm khám ngay. Một số dấu hiệu khác giúp cảnh báo ung thư dạ dày như: nôn, người gầy và sút cân nhanh chóng, mệt mỏi, thiếu máu, đau bụng, phân lẫn màu đen.

 

2. Biến chứng thủng dạ dày: Nhận biết đúng để nhanh chóng xử lý kịp thời

Thủng dạ dày là một trong những biến chứng vô cùng nghiêm trọng mà người bệnh viêm loét dạ dày có thể gặp phải. Đây là một dạng cấp cứu cần được tiến hành phẫu thuật ngay khi các triệu chứng thủng dạ dày xuất hiện.

2.1. Nhận biết đúng dấu hiệu thủng dạ dày do viêm loét dạ dày nặng gây ra

Biểu hiện của thủng dạ dày rất dữ dội, người bệnh có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu sau đây:

– Cơn đau ở vùng thượng vị rất mạnh và dữ dội. Cảm giác như có dao đâm vào bụng và có làm thế nào cũng không thể dịu đi được cơn đau.

– Bụng gồng cứng, người bệnh chỉ cần thở mạnh cũng sẽ gây đau hơn.

– Cơn đau xuất phát từ vùng thượng vị dạ dày sẽ lan ra khắp ổ bụng, lên đến cả ngực, vai và lưng.

– Cảm giác mệt mỏi vô cùng, toàn thân không còn sức lực, mặt xanh tái, tay chân lạnh, người toát mồ hôi, có thể bị tụt huyết áp.

2.2. Nguyên tắc trong điều trị thủng dạ dày

Khi người bị viêm loét dạ dày có những biểu hiện nêu trên thì có thể khẳng định cao là bệnh đã trở nặng và gây biến chứng thủng dạ dày. Lúc này, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức để nhanh chóng xử lý kịp thời, nếu không có thể dẫn tới viêm phúc mạc và nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

Phẫu thuật là chỉ định bắt buộc trong trường hợp thủng dạ dày và cần được tiến hành càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Cụ thể, khi viêm loét dạ dày nặng tiến triển thành thủng dạ dày, người bệnh được mổ trước 12 tiếng thì tỷ lệ tử vong 0-0,5%, còn sau 12 giờ thì tỷ lệ tử vong lên đến 15%.

 

3. Phẫu thuật nội soi trong điều trị biến chứng thủng dạ dày

Mục đích phẫu thuật là nhằm loại trừ và cô lập lỗ thủng, không cho dịch tiêu hoá thoát ra ổ bụng theo lỗ thủng. Khi đáp ứng đủ điều kiện có thể kết hợp song song điều trị biến chứng và triệt căn.

Trên thực tế, các trường hợp phẫu thuật thủng dạ dày có thể cùng lúc xảy ra đồng thời các biến chứng khác. Cụ thể:

– Nếu ổ loét bị xuất huyết tại bờ lỗ thủng sẽ thực hiện cầm máu trước bằng nội soi, sau đó tiến hành khâu lại lỗ thủng 2 lớp.

– Với trường có biến chứng hẹp môn vị, sau khâu lỗ thủng có thể dùng ống thông mũi – dạ dày có bóng nhằm nong chỗ hẹp hoặc tạo hình môn vị để cùng lúc điều trị biến chứng này.

– Trường hợp nghi ngờ ung thư dạ dày hay ổ bụng bẩn khó làm sạch thì sẽ chuyển qua mổ mở.

Thủng dạ dày là một trong những biến chứng nguy hiểm khi viêm loét dạ dày nặng gây ra. Mỗi người bệnh, nhất là với người bệnh viêm loét dạ dày mạn tính cần thực hiện chế độ điều trị, chăm sóc đúng theo chỉ định của bác sĩ và tiến hành thăm khám định kỳ đều đặn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top