✴️ Rối loạn thần kinh thực vật là gì?

Rối loạn thần kinh thực vật là trạng thái mất cân bằng hoạt động của hệ giao cảm và hệ phó giao cảm, làm rối loạn hoạt động của các cơ quan do hệ thần kinh thực vật chỉ đạo và gây ra các triệu chứng đa dạng trên toàn hệ thống.

Hệ thần kinh thực vật (hay hệ thần kinh tự chủ) làm nhiệm vụ chi phối hoạt động của tất cả chức năng tự động trong cơ thể. Cụ thể, nó kết nối não bộ với hệ tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục và các tuyến tiết…

Hệ thần kinh thực vật cấu tạo gồm hệ thần kinh giao cảm (đóng vai trò kích thích hoạt động) và hệ thần kinh phó giao cảm (đóng vai trò ức chế hoạt động). Bình thường, hai hệ thống này luôn hoạt động cân bằng với nhau, đảm bảo cho các cơ quan làm việc chính xác và hiệu quả.

 

Nguyên nhân gây rối loạn hệ thần kinh thực vật

Rối loạn thần kinh thực vật có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân có thể là sinh lý hoặc bệnh lý hoặc rối loạn nội tiết trong cơ thể, bao gồm:

– Căng thẳng, stress kéo dài sẽ tạo ra những áp lực trên hệ thần kinh, kích thích tăng tiết adre-naline và cor-tisone vào máu, dẫn tới rối loạn hoạt động của hệ thần kinh thực vật.

– Mắc một số bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh parkinson, đa xơ cứng và mất trí nhớ.

– Bệnh tự miễn như Sjogren, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, loét dạ dày, hội chứng Guillain – Barre…

– Tổn thương dây thần kinh do phẫu thuật hoặc xạ trị ở vùng cổ.

– Điều trị bằng một số loại thuốc nhất định, đặc biệt là hóa trị ung thư.

– Một số bệnh truyền nhiễm như bệnh Lyme, HIV/AIDS.

– Rối loạn di truyền từ cha mẹ sang con.

– Hoạt động của các cơ quan bị suy yếu do lão hóa khi uổi cao.

 

Dấu hiệu bệnh rối loạn chức năng hệ thần kinh thực vật

Tùy thuộc vào hệ cơ quan bị ảnh hưởng mà dấu hiệu rối loạn thần kinh thực vật của mỗi người bệnh sẽ khác nhau, có thể xảy ra ở 1 hoặc nhiều triệu chứng khác nhau như:

– Rối loạn trên hệ thần kinh: Khi chức năng của hệ thần kinh bị ảnh hưởng có thể dẫn đến một số triệu chứng như run tay chân, đau đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ, giảm sự chú ý, hay lo âu… Các biểu hiện này trở nên rõ ràng hơn khi thời tiết thay đổi.

– Rối loạn trên hệ tim mạch: Quá trình vận mạch bị rối loạn khiến người bệnh bị hồi hộp, đánh trống ngực hay nhịp tim chậm, rối loạn nhịp tim, đau ngực, khó thở, mệt mỏi, tụt huyết áp tư thế, chóng mặt…

– Rối loạn trên tiêu hóa: Chức năng co bóp của dạ dày bị ảnh hưởng, gây rối loạn tiêu hóa. Người bệnh thường thấy khó tiêu, đầy hơi, ợ nóng; tiêu chảy kéo dài, tăng nhu động dạ dày, ruột, thay đổi vị giác, ăn nhanh no, rối loạn tiểu tiện, đại tiện (táo bón)…

– Rối loạn trên tiết niệu: Người bệnh bị rối loạn tiết niệu nên hay tiểu đêm, đái dầm, bí tiểu, tiểu không tự chủ. Một số trường hợp nặng có thể bị nhiễm khuẩn tiết niệu.

– Rối loạn trên hệ sinh dục: Suy giảm chức năng tình dục như rối loạn cương, bất lực, xuất tinh sớm, xuất tinh ngược dòng, khô âm đạo…

– Rối loạn tuyến mồ hôi: Thường gặp nhất là trường hợp rối loạn tiết mồ hôi. Người bệnh có thể bị tăng tiết mồ hôi quá mức gây đổ mồ hôi nhiều ở tay, chân, đầu, mặt… hoặc giảm tiết mồ hôi gây khô da…

– Các triệu chứng khác: Tê bì tay chân, da khô, gãy tóc, móng tay giòn, xanh xao, tay chân lạnh, rối loạn kinh nguyệt…

 

Điều trị rối loạn thần kinh thực vật

Thông thường, để điều trị bệnh hiệu quả cần phải xác định chính xác nguyên nhân. Với rối loạn thần kinh thực vật, điều này trở nên khó khăn hơn vì hiện vẫn chưa có hình ảnh hay xét nghiệm nào có thể tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật dựa theo dấu hiệu và triệu chứng tiêu biểu. Việc điều trị cũng phụ thuộc chính vào hệ cơ quan bị ảnh hưởng và các triệu chứng mà người bệnh gặp phải.

Ngoài ra, việc điều trị rối loạn thần kinh thực vật cũng được xác định phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.

– Với trường hợp rối loạn thần kinh thực vật nhẹ thường chỉ cần dùng an thần, vitamin C, sinh tố, tâm lý liệu pháp, chế độ sinh hoạt điều độ sẽ cân bằng trở lại.

– Với trường hợp rối loạn thần kinh thực vật nặng, đôi khi phải phẫu thuật.

Vì vậy, bạn nên đi khám chuyên khoa thần kinh để xác định mức độ rối loạn thần kinh thực vật và nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp điều trị hợp lý.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top