Ai dễ mắc bệnh lupus ban đỏ?
Bệnh lupus ban đỏ có ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, nữ giới có tỷ lệ mắc nhiều hơn gấp 9 lần nam giới. Lupus ban đỏ phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi từ 20-40 tuổi đặc biệt sau khi sinh nở bệnh sẽ nhiều và nặng hơn. Trong quá trình bị bệnh có sự rối loạn của nội tiết và estrogen tăng cao.
Các dạng lupus ban đỏ
– Lupus ban đỏ dạng đĩa: Đây là thể nhẹ của lupus ban đỏ. Bệnh chỉ có thương tổn ở da, không có thương tổn nội tạng.
– Lupus ban đỏ hệ thống: Bệnh gây thương tổn da và nhiều cơ quan nội tạng như da, niêm mạc, gan, thận, khớp, tim, phổi, thần kinh…
Triệu chứng bệnh lupus ban đỏ
Bệnh lupus ban đỏ gây tổn thương nhiều nội tạng nhất, bất thường về miễn dịch phong phú nhất.
– Bệnh thường khởi phát từ từ và tăng dần. Tuy nhiên cũng có những trường hợp bệnh khởi phát nhanh chóng, các triệu chứng xuất hiện rầm rộ ngay trong thời gian đầu.
– Bệnh có thể khởi phát tự nhiên hoặc sau các yếu tố thuận lợi như nhiễm khuẩn, thai nghén, chấn thương…
-Triệu chứng toàn thân, bao gồm: Sốt, sốt dai dẳng kéo dài, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao; mệt mỏi; ăn uống kém; gầy sút cân…
-Tổn thương nhiều cơ quan khác trong cơ thể, như: Xương khớp; cơ; da và niêm mạc; thận; thần kinh; tim mạch; phổi và màng phổi; máu; hệ tiêu hóa; mắt…
Bệnh lupus ban đỏ có di truyền không?
Có 2 nhóm nguyên nhân gây bệnh chính là di truyền và các yếu tố mắc phải của môi trường. Cụ thể:
-Do di truyền: Nếu những người thành viên trong gia đình bị mắc lupus ban đỏ thì thế hệ sau, đặc biệt là thế hệ con cái rất dễ bị mắc bệnh.
-Do các yếu tố mắc phải của môi trường: Những yếu tố như các loại thuốc chống trầm cảm và kháng sinh; trầm cảm nặng; phơi nắng; hoóc môn… và viêm nhiễm không chỉ làm bệnh nặng thêm mà còn có thể kích hoạt quá trình hình thành bệnh.
Điều trị bệnh lupus ban đỏ
Bệnh lupus ban đỏ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, lao động, sản xuất, cuộc sống bình thường của người bệnh. Chữa bệnh pulus ban đỏ chủ yếu điều trị để giảm đi các đợt cấp, giảm các tác dụng có hại của thuốc và duy trì cuộc sống tốt hơn cho bệnh nhân.
Trong giai đọan nặng của bệnh, người bệnh cần được nghỉ ngơi nhưng cũng phải có một chế vận động hợp lý để tránh bị teo cơ, cứng khớp. Người bệnh nên giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, tránh ra nắng, dùng kem chống nắng, áo khoác, mũ rộng vành khi đi ra ngoài.
Phụ nữ bị bệnh pulus ban đỏ không nên mang thai, ít nhất trong khoảng thời gian 1-2 năm kể từ khi bệnh được chẩn đoán.
Các bệnh nhân đã có tổn thương thần kinh trung ương, thận và các bệnh nhân nặng thường được điều trị bằng corticosteroid – loại thuốc giảm đau chống viêm mạnh. Các thuốc chống sốt rét như hydroxychlloroquine có hiệu quả khá tốt với các tổn thương ở da và khớp. Hầu hết các loại thuốc dùng khi điều trị lupus ban đỏ hệ thống đều có tác dụng phụ. Do đó, người bệnh không được sử dụng tùy tiện mà phải có sự chỉ định của bác sĩ.
Các bác sĩ cũng nhấn mạnh, bệnh nhân mắc bệnh Lupus ban đỏ cần giữ một lối sống lành mạnh, năng vận động, tránh stress, tránh tối đa tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì có thể làm đợt bệnh khởi phát hoặc làm trầm trọng đợt bệnh. Không nên dừng thuốc đột ngột, nhất là khi đang dùng corticosteroid, vì có thể dẫn đến các đợt cấp của bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh