Chế độ ăn cho người bệnh vẩy nến

Hiện tượng viêm và bệnh vảy nến

Vảy nến là bệnh lý ngoài da xảy ra do hệ miễn dịch hoạt động quá mức, tấn công nhầm các tế bào biểu bì. Bệnh lý này đi kèm tình trạng viêm mạn tính, dẫn đến tăng sinh và biệt hóa bất thường của tế bào sừng. Biểu hiện đặc trưng là mảng da màu đỏ, giới hạn rõ, bề mặt có vảy trắng, dễ tróc, có thể xuất hiện trên cơ thể, thậm chí là móng tay, da đầu.

Tuy chưa tìm ra cơ chế chính xác dẫn tới vảy nến, các chuyên gia phát hiện rằng: Hiện tượng viêm mạn tính vừa là hậu quả, vừa là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng vảy nến. Thông thường tế bào biểu bì có chu kỳ tái tạo da trong 28 ngày. Nhưng do hiện tượng viêm, chỉ vài ngày chúng đã chết đi, để lại lớp vảy đỏ tích tụ trên da như vảy nến.

Vì lý do đó, các chuyên gia thường kê đơn các loại thuốc chống viêm để kiểm soát triệu chứng của bệnh vảy nến. Ngoài các yếu tố không thể thay đổi như di truyền, viêm nhiễm, bạn hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng viêm bằng cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt.

Một trong số đó là thông qua chế độ dinh dưỡng. Có tới 2/3 tế bào có chức năng miễn dịch nằm ở hệ tiêu hóa của bạn. Dinh dưỡng đã được chứng minh là yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh vảy nến cũng như các bệnh đi kèm.

 

Lợi ích của chế độ ăn nền thực vật với người bệnh vảy nến

Một chiến lược dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp người bệnh vảy nến cải thiện triệu chứng lâu dài hơn. Nghiên cứu trên tạp chí Điều trị Da liễu chỉ ra rằng, người bệnh vảy nến khi ăn nhiều rau củ có dấu hiệu giảm nhẹ hơn những người ăn nhiều thịt đỏ.

Lý do mà các chuyên gia đưa ra là: Một số thực phẩm nhất định có thể kích thích các protein gây viêm trong cơ thể. Chúng gồm thịt đỏ, mỡ động vật vốn có hàm lượng chất béo bão hòa cao. Chế độ ăn giàu các loại chất béo này làm nặng thêm tổn thương viêm da dạng vảy nến trên mô hình chuột thực nghiệm. 

Trong khi đó, chế độ ăn nền thực vật còn đem lại lợi ích cho hệ vi sinh đường ruột. Chất xơ và các hoạt chất sinh học từ rau củ quả còn có khả năng hỗ trợ giảm viêm. Bifidobacterium và Lactobacillus là 2 chủng lợi khuẩn được ghi nhận khả năng giảm phản ứng viêm hiệu quả.

 

Cách xây dựng chế độ ăn nền thực vật

Dù rau củ quả có lợi cho sức khỏe của người bệnh vảy nến, điều này không có nghĩa là bạn phải ăn chay hoàn toàn. Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh vảy nến nên bổ sung vào khẩu phần ăn các món ăn có nguồn gốc từ thực vật như: Rau xanh, trái cây, hạt họ đậu, hạt diêm mạch, ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt…

Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), bạn có thể sử dụng một chiếc đĩa để kiểm soát khẩu phần dễ dàng hơn: 1/2 đĩa gồm rau củ quả; 1/4 đĩa gồm sản phẩm từ ngũ cốc (cơm, mì, phở); Còn lại là nguồn protein như thịt gia cầm, cá và hải sản, trứng, các loại đậu và đậu phụ, hạt hạch. Cá hồi, cá thu… tươi giàu acid béo omega-3 giúp giảm viêm, cũng vitamin D cần thiết cho hệ miễn dịch.

Ngoài ra, nếu bạn muốn mua các sản phẩm "thuần chay", cần đọc kỹ bảng thành phần. Một số loại "thịt chay" thường trải qua quá trình chế biến công nghiệp, chứa nhiều muối, carbohydrate đơn giản (đường), gia vị nhân tạo… Đây là tác nhân có hại với sức khỏe nói chung, đặc biệt là người bệnh vảy nến.

Bên cạnh việc dùng thuốc đặc hiệu, điều chỉnh chế độ ăn có thể góp phần quan trọng cho việc kiểm soát bệnh vảy nến. Bạn nên trao đổi với bác sỹ để có chế độ ăn kiêng cá nhân hóa dựa trên tình trạng bệnh vảy nến và các bệnh đi kèm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top