Chín mé (hay còn gọi là móng chọc thịt) gây đau đớn, mặc dù rất dễ điều trị nhưng lại có thể gây nguy hiểm nếu bị nhiễm trùng. Chín mé cũng vô cùng phổ biến. Tại Mỹ, có 2 trên 10 bệnh nhân đến gặp bác sĩ do các vấn đề về chân bị tình trạng chín mé !
Mặc dù nhiều người có thể chỉ bị chín mé 1 hoặc 2 lần trong đời, nhưng một số người khác có thể bị chín mé tái phát nhiều lần. Tin tốt là có rất nhiều phương pháp điều trị đơn giản cho cả tình trạng cấp tính và tái phát nhiều lần.
Chín mé hình thành khi viền của móng tay hoặc móng chân mọc và chọc vào vùng da quanh móng. Chín mé có thể xảy ra với bất cứ móng nào, tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là chín mé ở ngón chân cái.
Một số người có thể sẽ bị chín mé nhiều lần hơn do hình dạng của móng chân. Ngoài ra, các chấn thương ở vùng móng chân hoặc vi khuẩn tích tụ tại móng chân (do bụi bẩn, mồ hôi hoặc tế bào da chết) cũng có thể gây ra chín mé. Cắt móng chân quá sâu hoặc cắt không đúng cách cũng có thể dẫn đến tình trạng này. Do hình dạng của móng có thể góp phần vào việc hình thành bệnh chín mé nên có thể có một yếu tố di truyền liên quan đến tình trạng này. Bệnh có thể sẽ di truyền trong gia đình (do có cùng hình dạng móng chân).
Các triệu chứng dưới đây thường là biểu hiện của bệnh chín mé (móng mọc ngược):
Đau
Sưng
Đỏ
Triệu chứng đầu tiên mà nhiều người nhận thấy đó là đau quanh khu vực móng chân. Đau được mô tả là giống như bị cứa vào da. Ngoài ra, cũng có thể có dịch hoặc mủ chảy ra từ khu vực gần móng chân. Da quanh móng chân cũng có thể sẽ đổi màu nếu vết thương đã bị nhiễm trùng.
Một số người có thể điều trị tình trạng chín mé tại nhà, bằng cách cắt bỏ vùng rìa của móng chân đã chọc vào da và ngâm chân trong nước muối khoảng 5 phút, hai lần/ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia da liễu khuyến cáo rằng bạn nên đến gặp bác sĩ nếu bạn bị chín mé vì bác sĩ sẽ được đào tạo để điều trị triệt để tình trạng này và không gây ra biến chứng.
Khi đến gặp bác sĩ, kế hoạch điều trị chín mé cũng khá đơn giản. Bác sĩ cho bạn ngâm chân, cắt gọn phần móng chân mọc ngược và thoa thuốc mỡ kháng sinh. Tuy nhiên, việc đến gặp bác sĩ sớm là rất quan trọng nếu bạn nghi ngờ mình bị chín mé, vì nhiều trường hợp nghiêm trọng sẽ cần phải được điều trị sâu hơn, ví dụ như phải phẫu thuật. Bác sĩ sẽ tiến hành gây tê vùng ngón chân cái và sau đó cắt phần móng chọc vào da.
Nếu bạn thường xuyên bị chín mé, bác sĩ có thể sẽ gợi ý tiến hành một thủ thuật gọi là xử lý hóa học với phần giường móng (chemical matricectomy). Mục đích của thủ thuật này là sẽ đốt phần giường móng, và loại bỏ đi phần móng thường xuyên chọc vào thịt, từ đó giúp giải quyết triệt để vấn đề. Thủ thuật này không cần bạn phải nhập viện và thường người bệnh có thể sẽ trở lại hoạt động bình thường ngay sau khi tiến hành thủ thuật. Nếu tình trạng chín mé của bạn bị nặng, khiến bạn bị đau và đỏ nghiêm trọng tức là bạn đã bị nhiễm trùng, thì sẽ cần điều trị bổ sung để không lan ra các phần khác của cơ thể.
Có rất nhiều cách đơn giản giúp bạn dự phòng tình trạng chín mé. Đầu tiên, bạn cần chắc chắn rằng bạn đi giày/dép vừa với kích thước bàn chân, không quá chật hoặc quá lỏng. Kìm hoặc dụng cụ bấm móng tay/chân cũng cần được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên. Bạn cũng nên ngâm chân trong nước ấm trước khi bấm móng để móng mềm hơn. Khi bấm móng, cố gắng bấm thẳng và không bo tròn các góc móng. Cũng không nên bấm móng quá ngắn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh