Một số bệnh ở trẻ em mà người lớn vẫn có thể mắc phải

Nội dung

Dưới đây là 6 căn bệnh phổ biến mà cả trẻ em và người lớn đều có thể mắc, bất kể độ tuổi của bạn là bao nhiêu.

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Tất cả mọi người đôi lúc có thể bỗng dưng mất trí nhớ và quên chuyện nọ, chuyện kia. Tuy nhiên nếu bạn thường xuyên quên mọi thứ, luôn luôn đến trễ, thiếu tổ chức sắp xếp công việc và thường bị quá tải trong cuộc sống, bạn có thể đang mắc phải rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Theo bác sỹ David Fleming thuộc Đại học y Missouri ở Columbia (Hoa Kỳ), bạn có thể sẽ mắc phải căn bệnh này suốt đời.

Việc chẩn đoán hội chứng ADHD ở người lớn có thể khá khó khăn bởi nhiều bác sỹ không cho rằng người trưởng thành có thể mắc phải rối loạn phổ biến ở trẻ em này. Bạn sẽ được chẩn đoán là mắc phải những căn bệnh thường gặp hơn ở người lớn, ví dụ như chứng trầm cảm.

Các dấu hiệu của ADHD: Bồn chồn, khó khăn khi làm theo hướng dẫn, hoàn thành nhiệm vụ được giao hay nhớ các chi tiết, thiếu tỉnh táo, không thể tập trung.

Điều trị: Nếu bạn nghi ngờ mình đang mắc phải ADHD, hãy tìm tới một chuyên gia về sức khỏe tâm thần để được đánh giá và chẩn đoán. Việc học cách tự kiểm soát các hành vi trong cuộc sống là yếu tố then chốt, thường yêu cầu bạn phải hợp tác chặt chẽ với bác sỹ hoặc chuyên gia trị liệu. Bạn có thể cần phải sử dụng một số thuốc, tăng cường luyện tập cũng như áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh.

 

Dị ứng

Nếu bạn chưa từng mắc bệnh dị ứng kể từ nhỏ đến giờ, có thể là bạn may mắn thôi: Dị ứng là một trong những căn bệnh mãn tính phổ biến nhất trong cộng đồng. Bạn có thể dễ dàng gặp phải phản ứng dị ứng từ bất cứ các tác nhân nào trong cuộc sống, từ động vật cho tới các loại thuốc sử dụng và cao su latex. Tuy nhiên nếu chứng dị ứng xuất hiện lần đầu khi bạn đã trưởng thành thì có khả năng cao là do môi trường (ví dụ như cỏ phấn hương hoặc phấn hoa).

Người ta vẫn chưa biết chính xác tại sao một người dễ bị dị ứng với một tác nhân mới, tuy nhiên sự thay đổi về vị trí địa lý có thể đóng vai trò nhất định. Theo giáo sư Colleen Conry thuộc Đại học y Colorado Denver, nếu bạn chuyển từ một địa điểm trong nước tới một vùng khác nơi có các tác nhân dị ứng khác thì bạn cũng có nguy cơ cao mắc các chứng dị ứng mới.

Các biểu hiện của dị ứng: Các triệu chứng giống cảm lạnh không được cải thiện sau vài ngày, thường đi kèm với ngứa họng, mũi và mắt.

Điều trị: Hãy đi khám tại chuyên gia dị ứng ngay để tìm ra chính xác tác nhân gây dị ứng và giúp bạn có biện pháp phòng tránh. Các thuốc (như thuốc kháng histamine hay steroid nhỏ mũi) có thể giúp kiểm soát các triệu chứng.

 

Hen phế quản

Theo giáo sư Conry, bạn vẫn có khả năng xuất hiện các triệu chứng ban đầu của hen phế quản như thở khò khè, ho và tức ngực ngay cả ở độ tuổi 70.

Hen phế quản là căn bệnh gây viêm, sưng và co thắt tại đường dẫn khí. Cơn hen phế quản có thể xuất hiện khi bạn tập luyện thể dục thể thao hay sau một phản ứng dị ứng với một tác nhân nào đó trong không khí. Một số tác nhân phổ biến có thể kích thích cơn hen bao gồm nấm mốc, phấn hoa, ô nhiễm không khí và khói thuốc lá. Nếu bạn từng bị một cơn hen phế quản cấp, đừng bao giờ nghĩ rằng chuyện đó chỉ xảy ra một lần. Theo bác sỹ Fleming, khi hệ miễn dịch của bạn sản xuất ra những chất hóa học có tác dụng gây co thắt ống phế quản thì bạn luôn có nguy cơ lên cơn hen bất cứ lúc nào.

Các triệu chứng của hen phế quản: Khò khè, khó thở, đau tức ngực, ho dai dẳng.

Điều trị: Tránh xa các tác nhân gây kích thích cơn hen. Bác sỹ có thể kê một số loại thuốc giúp bạn kiểm soát cơn hen hoặc giúp bạn thở dễ dàng hơn trong cơn hen cấp.

 

Thủy đậu

Ngày nay, ngày càng ít trẻ bị mắc phải căn bệnh thủy đậu do sự phổ biến của vaccin kể từ năm 1995. Tuy nhiên, nếu không được tiêm vaccin thủy đậu, bất cứ ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này. Theo bác sỹ Conry, những người cao tuổi chưa từng mắc thủy đậu hay chưa được tiêm phòng thủy đậu là nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Thủy đậu ở người lớn thường dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như viêm phổi do vi khuẩn hoặc thậm chí nhiễm trùng máu.

Các triệu chứng của thủy đậu: các nốt ban đỏ sau chuyển thành mụn nước, sốt cao, mệt mỏi, ăn không ngon, đau đầu.

Điều trị: Phòng bệnh là biện pháp tốt nhất. Nếu bạn chưa từng bị thủy đậu khi còn nhỏ, hãy hỏi bác sỹ về vaccin phòng thủy đậu cho người lớn. Nếu cơ thể bạn xuất hiện những nốt ban đỏ của bệnh thủy đậu, bạn có thể sử dụng dung dịch calamine hoặc xanh metylen để bôi và giúp giảm ngứa. Bác sỹ có thể kê một loại thuốc kháng virus để giúp giảm nhẹ các triệu chứng.

 

Tiểu đường type 1

Tiểu đường type 1 còn được gọi là tiểu đường thanh thiếu niên, tuy nhiên ngày càng có nhiều người trưởng thành được chẩn đoán mắc căn bệnh này. Bệnh nhân mắc phải căn bệnh tự miễn này không thể sản xuất insulin, một hormon giúp cơ thể sử dụng và dự trữ glucose. Hiện người ta vẫn chưa biết cơ chế chính xác tại sao cơ thể lại tự tấn công và tiêu diệt các tế bào của tuyến tụy sản xuất insulin. Một số bằng chứng cho thấy yếu tố tiền sử gia đình và việc tiếp xúc với một số loại virus có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Các triệu chứng của tiểu đường type 1: cực kỳ khát, tiểu nhiều, ăn nhiều, buồn ngủ, thay đổi thị lực, sụt cân nhanh, hơi thở có mùi ceton, khó thở, vết thương lâu lành.

Điều trị: Bệnh nhân cần được khám và chẩn đoán bởi bác sỹ chuyên khoa nội tiết. Nếu xét nghiệm máu xác nhận bạn bị mắc tiểu đường type 1, bạn sẽ cần thiết phải theo dõi chặt chẽ nồng độ đường huyết và tiêm insulin hàng ngày (hoặc sử dụng bơm insulin).

 

Ho gà

Ho gà là một trong những căn bệnh nguy hiểm hàng đầu ở trẻ em. Tuy nhiên, bản thân người lớn cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Bạn có thể dễ dàng bị lây bệnh từ một người đã mắc bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch thể người bệnh khi họ ho, hắt hơi.

Trước đây, vaccin phòng ho gà không tiêm nhắc lại khi trẻ ở độ tuổi vị thành niên. Hiện nay, theo bác sỹ Conry: “Chúng tôi từng nghĩ rằng miễn dịch đối với bệnh ho gà có thể tồn tại trong khoảng thời gian dài. Tuy nhiên giờ đây chúng tôi nhận ra điều đó không thật sự đúng. Khuyến cáo mới: Hãy tiêm vaccin Tdap để phòng bệnh ho gà cũng như bạch hầu và uốn ván – 10 năm nhắc lại 1 lần. Nếu bạn đang mang thai, hãy tiêm một mũi phòng ho gà trong 3 tháng cuối thai kỳ để bảo vệ con của bạn.

Các triệu chứng của ho gà: Các triệu chứng cảm lạnh thông thường (nghẹt mũi, sốt, hắt hơi), tiếp đó là ho dữ dội kéo dài 1 – 2 tuần hoặc hơn.

Điều trị: Kháng sinh có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng trong khoảng 2 tuần. Điều trị càng sớm, khả năng khỏi bệnh càng cao.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top