Vi khuẩn HP là bệnh tiêu hóa phổ biến với 60% tỷ lệ dân số thế giới mắc bệnh. Để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình, đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây. Tất cả các thông tin về vi khuẩn HP triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh, chẩn đoán và điều trị ra sao sẽ được bật mí.
HP (Helicobacter pylori, viết tắt H. pylori) là loại vi khuẩn hình xoắn có thể tấn công vào cơ thể và ẩn nấp trong đường tiêu hóa. Vi khuẩn HP rất nhanh thích nghi với môi trường acid trong dạ dày và được chất nhầy bao quanh khiến việc tế bào miễn dịch tiêu diệt chúng trở nên khó khăn.
Sau một thời gian, HP có thể dẫn tới tình trạng loét ở niêm mạc dạ dày tá tràng. Nghiêm trọng hơn nữa, chúng có thể gây ra nhiễm trùng, ung thư dạ dày. Hiện nay có đến khoảng 60% dân số trên thế giới mắc vi khuẩn HP nên bạn cần hết sức cảnh giác.
Vi khuẩn HP tồn tại trong dạ dày và là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm như: viêm loét, ung thư,…
Trước khi khám phá vi khuẩn HP triệu chứng là gì, hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng mắc HP. Dưới đây là yếu tố nguy cơ chính:
– Yếu tố di truyền: Nếu người thân có tiền sử nhiễm HP thì khả năng bạn mắc các bệnh liên quan đến dạ dày bao gồm vi khuẩn HP sẽ cao hơn người khác.
– Yếu tố vệ sinh môi trường: Nơi ở mất vệ sinh, nguồn nước ô nhiễm, thực phẩm ôi thiu là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn HP sinh sôi phát triển và lây lan.
– Mật độ dân số: Những khu vực tập trung đông dân cư như ký túc xá, chung cư, doanh trại, nhiều thế hệ gia đình ở chung,… cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HP cao.
– Việc dùng chung các dụng cụ y khoa, thiết bị y tế chưa qua khử khuẩn cũng làm tăng nguy cơ mắc vi khuẩn HP. Điều này thường xảy ra ở những đơn vị y tế không đạt chuẩn chất lượng.
Việc nắm được những biểu hiện khi nhiễm vi khuẩn HP để kiểm tra điều trị sớm tránh lây lan ra cộng đồng là rất quan trọng. Đa số người bệnh mắc HP thường không có dấu hiệu rõ rệt. Một số biểu hiện dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa khác. Vì thế bạn cần đặc biệt lưu ý những thay đổi nhỏ nhất của cơ thể đang cảnh báo nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP sau:
– Đau tức vùng thượng vị: cơn đau tăng dần lên mỗi khi đói hoặc sau khi ăn no. Đi kèm với cảm giác nóng rát hoặc cồn cào vùng bụng trên. Cảm giác đau giảm bớt khi sử dụng các loại thuốc băng niêm mạc dạ dày.
– Đầy bụng, khó tiêu, ăn mau no. Lâu dần người bệnh xuất hiện cảm giác chán ăn, bỏ bữa thường xuyên.
– Ợ chua, ợ nóng liên tục nhiều ngày.
– Xuất hiện cảm giác buồn nôn, nôn khan đặc biệt vào lúc sáng sớm.
– Sút cân không rõ nguyên do.
– Rối loạn đại tiện, đi đại tiện thấy máu ở giai đoạn nặng.
Triệu chứng cảnh báo ở trên nếu trùng với các vấn đề tiêu hóa bất thường bạn đang gặp phải hãy lập tức thăm khám. Hiện nay có rất nhiều phương pháp hiện đại chẩn đoán vi khuẩn HP với độ chính xác cao, kết quả nhanh chóng:
– Test hơi thở: Người bệnh sẽ uống 1 viên thuốc/dung dịch chứa Urea phân tử Cacbon có đồng vị C13 hoặc C14. Tiếp đó bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thổi vào thiết bị giống quả bóng hoặc thiết bị giống thẻ ATM. Hơi thở sau đó sẽ được đo lường hàm lượng C13/C14 thải ra để kết luận về sự tồn tại của HP bên trong dạ dày. Đây là phương pháp không xâm phạm, kết quả chuẩn xác, phù hợp với cả trẻ nhỏ.
– Nội soi dạ dày: Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ lấy mảnh sinh thiết xung quanh vị trí tổn thương để làm xét nghiệm. Mẫu sinh thiết được kiểm tra bằng phương pháp test urease nhanh hoặc nuôi cấy vi khuẩn. Nhờ vậy bác sĩ xác định chính xác vi khuẩn HP có tồn tại trong dạ dày không.
– Xét nghiệm phân: Nếu vi khuẩn HP có tồn tại thì cơ thể sẽ tạo ra kháng nguyên chống lại. Một phần kháng nguyên đó sẽ đào thải ra cùng phân. Mẫu phân của người bệnh sẽ được xét nghiệm để tìm kháng nguyên HP. Phương pháp có độ nhạy cao nhưng lại tốn kém thời gian chờ đợi.
– Xét nghiệm máu: Tương tự như trên, kháng nguyên vi khuẩn HP mà hệ miễn dịch sản sinh có thể được phát hiện qua máu. Tuy nhiên phương pháp này không được ưu tiên vì khả năng dương tính giả tương đối cao.
Sau khi kết luận nhiễm HP, bác sĩ sẽ tiến hành lên phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Để việc chữa trị mang lại hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần kết hợp song song giữa thuốc và việc điều chỉnh lại chế độ ăn sinh hoạt.
Người bệnh sẽ sử dụng thuốc trong khoảng 2-4 tuần để loại bỏ vi khuẩn và phục hồi các tổn thương do vi khuẩn HP gây ra như vết loét, viêm, nhiễm trùng,… Thời gian uống thuốc, loại thuốc mỗi người dùng là khác nhau. Điều này phụ thuộc vào thể trạng, tình trạng, tiền sử bệnh của bệnh nhân.
Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh điều trị vi khuẩn HP cần lưu ý:
– Ăn nhiều bữa nhỏ, không nên để bụng quá no hoặc quá đói.
– Hạn chế ăn uống gần với thời gian đi ngủ.
– Không uống đồ có cồn, sử dụng thuốc lá hoặc các chất kích thích.
– Hạn chế các gia vị cay nóng, món ăn nhiều dầu mỡ để không làm tình trạng vết loét, tổn thương bên trong trầm trọng thêm.
– Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, rèn thói quen ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi tiểu tiện/ đại tiện
– Sử dụng nguồn nước sạch.
– Giảm thiểu căng thẳng, nóng giận, giữ tâm lý thoải mái và thư giãn.
– Vận động nhẹ nhàng vừa sức khoảng 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức khỏe.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã có thêm kiến thức về vi khuẩn HP triệu chứng nguyên nhân và cách điều trị. Vi khuẩn HP rất dễ lây lan trong cộng đồng. Do đó bạn cần thăm khám sớm ngay khi có biểu hiện để bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho mình và người thân yêu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh