Kem chống nắng hoạt động bằng cách hình thành một lớp phủ hấp thụ tia UVB từ mặt trời trước khi xuyên qua da. Bức xạ tia cực tím này có thể làm tổn thương vĩnh viễn DNA của tế bào da, thúc đẩy sự hình thành đột biến gây nguy cơ trở thành tế bào ung thư. Tuy nhiên, có ý kiến cho răng bôi kem chống nắng có thể hạn chế khả năng cơ thể sản xuất vitamin D - vitamin có vai trò quan trọng đối với sức khỏe hệ miễn dịch và xương.
Các yếu tố, bao gồm mùa, độ mây che phủ hay thời gian trong ngày, có thể ảnh hưởng đến tốc độ da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời. Những người có tông da sẫm màu hơn tuy có nguy cơ bị tổn thương do ánh nắng mặt trời thấp hơn nhưng họ vẫn có khả năng mắc bệnh ung thư da hay các tổn thương do ánh nắng mặt trời, bao gồm các vết thâm, nếp nhăn và cháy nắng.
Theo các hướng dẫn mới về an toàn ánh nắng mặt trời của Australia, đối với một số người có tông màu da tối, việc bỏ qua biện pháp chống nắng có thể đem lại lợi ích chẳng hạn như tạo điều kiện cho cơ thể tiếp xúc với vitamin D. Tuy nhiên, Học viện Da liễu Mỹ (AAD) không đồng ý với quan điểm này vì tia cực tím từ mặt trời có thể gây ung thư da nên họ không khuyến nghị bổ sung vitamin D thông qua tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Theo Cleverland Clinic - Hệ thống y tế hàn lâm phi lợi nhuận lớn nhất và top đầu về chất lượng y tế trên thế giới, ngay cả việc tiếp xúc một chút với ánh nắng mặt trời cũng có thể gây lão hóa da và làm trầm trọng thêm các vấn đề nhạy cảm với ánh nắng như nám.
Bác sĩ Abel Torres, chủ tịch khoa da liễu của Đại học Y khoa Florida, cho biết bức xạ tia cực tím là nguyên nhân gây tổn thương da. Tia UVA của mặt trời góp phần gây lão hóa da rõ rệt, như nếp nhăn và chảy xệ, trong khi tia UVB gây cháy nắng. Cả hai đều góp phần hình thành ung thư da. Những tia này vẫn hiện diện khi trời nhiều mây vì trong những ngày này vẫn có tời 90% tia nắng có khả năng xuyên qua làn da của bạn. Điều này nâng tầm quan trọng của việc bôi kem chống nắng vào bất kể thời gian hay thời tiết nào trong năm.
Kem chống nắng khi được bôi đúng cách vẫn cho phép 2-3% tia UVB của mặt trời chiếu tới da và cơ thể chỉ cần một lượng nhỏ để sản xuất vitamin D. Thay vì làm tăng nguy cơ bị ung thư da, theo các chuyên gia, tốt hơn hết ta nên nạp vitamin D thông qua chế độ ăn uống lành mạnh hoặc sử dụng thực phẩm bổ sung.
Ông đồng thời cảnh báo chú ý đến thời gian trong ngày. Mặt trời có xu hướng chiếu sáng mạnh nhất thường là từ cuối buổi sáng đến giữa buổi chiều (trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều), gây nguy cơ tổn thương da cao nhất.
Vì vậy, bạn nên hết sức cẩn thận trong việc thoa kỹ kem chống nắng nếu ở ngoài trời trong thời gian đó. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là buổi sáng sớm hay chiều muộn sẽ không có rủi ro nào cho làn da. Do vậy, bạn cần chú ý bảo vệ làn da của mình với kem chống nắng từ lúc bình minh cho đến khi hoàng hôn.
Bác sĩ Diya Mutasim, GS khoa da liễu tại University of Cincinnati College of Medicine, Mỹ, nhấn mạnh rằng bất kỳ ai có dự định ở dưới ánh nắng mặt trời trong thời gian dài nên có kế hoạch bảo vệ vùng da hở. Ông cảnh báo khi da chuyển màu đỏ nhẹ, rám nắng hay cháy nắng là dấu hiệu cho thấy da bị tổn thương do mặt trời.
Theo AAD, nên thoa kem chống nắng với khả năng bảo vệ tối ưu với chỉ số chống nắng SPF tối thiểu là 30. Tuy nhiên, lưu ý rằng chỉ số SPF không ảnh hưởng đến thời gian bảo vệ da.
Do vậy, cần thoa lại ít nhất 2 giờ một lần, không phân biệt chỉ số SPF bao nhiêu hay loại kem chống nắng nào, đặc biệt là sau khi ở dưới nước hoặc đổ mồ hôi. Bên cạnh đó, hãy dùng loại kem chống nắng phổ rộng (ngăn chặn tia UVA và UVB) và kem chống nắng chống nước để tối ưu hóa hiệu quả bảo vệ da.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh