Viêm da cơ địa hay chàm thể tạng là tình trạng viêm da dị ứng mạn tính, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, nhưng trẻ nhỏ gặp với tỷ lệ cao hơn. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới viêm da cơ địa, cách điều trị như thế nào, bài viết dưới đây xin được giải đáp như sau.
Biểu hiện của viêm da cơ địa
Biểu hiện của viêm da cơ địa rất đa dạng: có thể chỉ là đám khô da mất sắc tố dẫn đến triệu chứng rất nặng như đỏ da toàn thân. Ở trẻ nhỏ, tổn thương thường xuất hiện ở mặt, da đầu và mặt duỗi các chi. Ở trẻ lớn hoặc những người mà bệnh diễn biến kéo dài, tổn thương da thường khu trú ở nếp gấp của các chi. Ở người lớn, tổn thương hay gặp đơn thuần ở bàn tay.
Tuy nhiên, ở từng giai đoạn tổn thương, bệnh lại có những triệu chứng khác nhau.
Giai đoạn cấp tính: Đặc trưng bởi các đám ban đỏ hình tròn, bị bong trợt da, trên bề mặt có các mụn nước, vảy tiết, có nhiều dịch viêm và xung quanh bị phù nề. Bệnh nhân thường rất ngứa, cảm giác rát bỏng, nhất là về đêm, làm cho người bệnh bị mất ngủ, gãi nhiều có thể làm da bị trầy xước, nhiễm khuẩn.
Giai đoạn mạn tính: Có các đám sần đỏ, dày sừng, bong vảy, rối loạn sắc tố da, do bệnh nhân gãi nhiều nên có thể để lại các tổn thương trên da như dày da, tróc da, sưng nề, nứt kẽ, chảy nước vàng và đóng vảy tiết.
Nguyên nhân dẫn tới viêm da cơ địa
Thông thường bệnh viêm da cơ địa do một số nguyên nhân sau:
Do di truyền
Theo các nhà chuyên môn về da liễu, viêm da cơ địa là một bệnh có tính chất di truyền, nếu cả bố và mẹ đều bị viêm da cơ địa thì có tới 80% con bị bệnh viêm da cơ địa.
Do dị ứng
Đây là hiện tượng xảy ra phản ứng giữa cơ thể với dị ứng nguyên khi chúng tiếp xúc với da, các dị ứng nguyên đó có từ môi trường bên ngoài như: phấn hoa, bụi, mò, mạt, lông chó, mèo, và một số thành phần có trong các sản phẩm chăm sóc da, nhưng khi hàng rào bảo vệ da bị suy yếu, các yếu tố này có thể xâm nhập và gây bùng phát viêm da cơ địa, viêm da dị ứng. Những người có cơ địa dị ứng dễ bị viêm da cơ địa và có thể làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa.
Do thời tiết
– Ngoài ra do thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp, các hóa chất (phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu, cát, bụi, khói thuốc lá, khói xe, khói bếp) đều có thể là yếu tố thuận lợi cho viêm da cơ địa bùng phát. Người bị viêm da cơ địa cũng có nguy cơ mắc các bệnh dị ứng khác như: hen phế quản, viêm mũi dị ứng, mề đay, hen suyễn…
Cách chăm sóc và điều trị khi bị viêm da cơ địa
Khi có những triệu chứng nghi ngờ bị viêm da cơ địa cần đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị đúng bệnh, kịp thời để tránh bệnh gây ra biến chứng. Người nhà của bệnh nhân hoặc người bệnh không nên tự chẩn đoán, tự mua thuốc điều trị sẽ làm cho bệnh nặng hơn, thậm chí là biến chứng.
Vệ sinh thân thể sạch sẽ
Tắm bằng nước ấm, không nên tắm bằng nước quá lạnh hoặc quá nóng vì dễ làm khô da. Giữ độ ẩm cho da bằng cách nếu dùng điều hòa cần dùng quạt phun hơi nước hoặc để vài chậu nước trong phòng, tránh cho không khí quá khô nóng gây viêm da.
Hạn chế tiếp xúc với hóa chất
bằng cách đeo găng tay khi rửa bát và giặt quần áo để tránh tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa. Hạn chế tiếp xúc với các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, dễ gây kích ứng hoặc các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, cay…
Bổ sung đủ chất cho cơ thể
Hàng ngày nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng và uống đủ nước để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh