Những hình xăm trên da xuất hiện từ những năm 3300 trước công nguyên, thể hiện vết tích của nô lệ, tội phạm, hoặc giới thượng lưu.
Ngày nay, xã hội, đặc biệt giới trẻ, đã cởi mở hơn với phong trào xăm hình. Xét về mặt y học, với những ảnh hưởng tới sức khỏe, bác sĩ Sơn khuyến nghị người dân nên lưu ý khi quyết định xăm hình.
Một số hóa chất đưa các sắc tố (với các màu như hồng, đen, đỏ, sắc tím,…) vào da có thể dễ dàng gây ra biến chứng.
Đáng kể nhất là nhiễm trùng tại chỗ do xăm, làm xuất hiện một số bệnh lý như mụn cóc, u mềm lây, lao.
Bên cạnh đó, người xăm có thể nhiễm các vi khuẩn khác như tụ cầu gây hiện tượng nhiễm trùng máu, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Tình trạng này có thể xảy ra trong vòng một tuần sau khi xăm. Các tổn thương này có thể gây bệnh viêm da mạn tính (hay được gọi là chàm), điều trị rất khó khăn. Bởi loại bỏ được các các sắc tố đã đưa vào da là rất khó.
Thậm chí những trường hợp làm đẹp ở chân mày, mắt, môi cũng tạo nên các hiện tượng dị ứng rất dữ dội, xuất hiện các viêm nhiễm rất khó điều trị. Chúng có thể gây ra các dị ứng ngay tại chỗ như một sắc tố da dị nguyên, kháng nguyên gây ra các hiện tượng phản ứng miễn dịch, các bệnh u hạt, thậm chí có thể gây ra ung thư da và phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân, nặng nhất là tình trạng sốc phản vệ.
Đặc biệt, chuyên gia lưu ý khi đưa sắc tố vào xăm da ở các phần nhạy cảm như núm vú, phần phụ, rất dễ gây ra hiện tượng nhiễm trùng vì khi xăm, việc giữ gìn vệ sinh ở những khu vực này rất khó khăn.
Người xăm gặp một trong các biến chứng, cần đến các cơ sở y tế để được điều trị. Họ có thể được dùng các thuốc chống dị ứng, kháng sinh, tùy theo từng trường hợp. Nếu đã xuất hiện viêm da mạn tính hoặc chàm do xăm, việc điều trị rất nan giải và mất thời gian.
Về việc xóa bỏ hình xăm, chuyên gia này cho biết có rất nhiều hình thức đang được sử dụng.
Nhiều người đã tự làm trầy xước da bằng cục đá, sau đó bôi muối, hóa chất thậm chí pin đèn. Hành động này sẽ gây tổn thương cho da, thậm chí sâu xuống trung bì, biểu bì tạo nên các vết thương, sẹo không hồi phục. Một số người dùng bàn chải kim loại, thậm chí dao kim cương phá hủy các sắc tố ra khỏi da. Điều đó có thể gây rối loạn sắc tố tại chỗ. Thậm chí, bác sĩ từng gặp trường hợp dùng axit với nồng độ 70-80 hoặc 100% để xóa bỏ hình xăm.
Phẫu thuật cắt bỏ da cũng là một cách được dùng để xóa bỏ vết xăm. Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý phương pháp này rất nguy hiểm đòi hỏi phải có sự tham gia của y khoa để đảm bảo an toàn cho người xăm.
Từ năm 1960 với việc phát hiện tác dụng của laser tạo nên những năng lượng để phá hủy chọn lọc các màu sắc tố, phương pháp này được đưa vào việc xóa bỏ các hình xăm. Tùy từng hình xăm, mực xăm, nhân viên y tế sẽ lựa chọn tia laser phù hợp.
Tuy nhiên, việc xóa đi vết tích của các hình xăm là điều không dễ dàng, đặc biệt với loại xăm thẩm mỹ mắt, môi, lông mày hoặc xăm y khoa do cán bộ y tế sử dụng cho bệnh nhân.
Do đó, trước khi quyết định xăm hình, người dân nên suy nghĩ cẩn thận, đồng thời chọn những cơ sở có giấy phép, có kinh nghiệm, đặc biệt trước khi xăm, nên kiểm tra, thử phản ứng dị ứng của cơ thể.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh