✴️ Viêm tai giữa trẻ em: Mùa hè, ba mẹ cần đặc biệt cẩn trọng

1.Tìm hiểu về tai giữa và bệnh viêm tai giữa trẻ em

1.1 Cấu trúc của tai và bệnh viêm tai giữa

Tai chúng ta gồm có ba phần chính: bên ngoài, giữa và bên trong. Tai ngoài là vành tai bên ngoài và ống tai (ống thính giác bên ngoài); Tai giữa là không gian chứa đầy không khí giữa màng nhĩ và tai trong. Tai giữa là nơi chứa các xương mỏng giúp truyền các rung động âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong. Đây là nơi dễ xảy ra nhiễm trùng tai; Tai trong chứa mê cung hình con ốc có chức năng chuyển đổi các rung động âm thanh nhận được từ tai giữa thành tín hiệu điện. Sau đó, dây thần kinh thính giác mang những tín hiệu này đến não.

Viêm tai giữa cấp tính hay còn gọi là nhiễm trùng tai là tình trạng tai giữa bị tổn thương và viêm nhiễm, nguyên nhân do các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong tai hoặc do yếu tố môi trường tác động. Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm trùng tai, tuy nhiên trẻ em có nguy cơ mắc cao nhất và đây cũng là lý do khiến trẻ phải đi khám tại cơ sở y tế rất nhiều. 

Viêm tai giữa trẻ em

Viêm tai giữa trẻ em là nguyên nhân khiến trẻ phải “ghé thăm” bệnh viện nhiều nhất.

 

1.2 Các loại viêm tai giữa trẻ em

– Viêm tai giữa cấp tính: Đây là tình trạng nhiễm trùng xảy ra đột ngột, thường xảy ra cùng lúc hoặc sau khi trẻ bị nhiễm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp khác.Viêm tai giữa cấp tính có thể tự khỏi trong vài ngày.

– Viêm tai giữa mạn tính: Khi tình trạng viêm tai giữa tái phát thường xuyên và kéo dài, gọi là viêm tai giữa mạn tính. Nếu để kéo dài, viêm tai có thể gây ra thủng màng nhĩ.

– Viêm tai giữa ứ dịch: Đây là tình trạng bệnh có thể xảy ra sau viêm tai giữa cấp tính. Các triệu chứng của bệnh viêm tai giữa cấp đã biến mất, không còn nhiễm trùng nhưng chất dịch trong tai vẫn còn. Các chất lỏng bị mắc kẹt trong tai có thể gây ra tình trạng mất thính lực tạm thời.

 

2. Nguyên nhân và nguy cơ gây viêm tai giữa trẻ em

– Nhiễm trùng tai thường do vi khuẩn và vi rút gây ra. Hầu hết các trường hợp thường bắt đầu sau khi trẻ bị cảm lạnh hoặc viêm đường hô hấp. Vi khuẩn hoặc virus di chuyển vào tai qua ống thính giác. Vi khuẩn hoặc virus có thể làm cho ống thính giác sưng to, khiến cho ông bị tắc, chất lỏng được sinh ra trong tai bị tích tụ lại không thoát được ra ngoài. 

– Thêm vào đó, do cấu tạo ống thính giác ở trẻ em thường ngắn và có độ dốc ít hơn so với người lớn. Sự khác biệt vật lý này làm cho các ống này dễ bị tắc và khó thoát chất dịch hơn. Từ đó, trẻ dễ bị viêm tai hơn người lớn. 

– Mùa hè cũng là thời điểm trẻ dễ bị viêm tai giữa hơn do trẻ tham gia nhiều hoạt động ngoài trời có thể ảnh hưởng tới tai như: bơi lội, đi du lịch bằng máy bay, tiếp xúc với nhiều tiếng ồn lớn tại các lễ hội, xem pháo hoa… Mùa hè được xem là mùa nguy hiểm nhất đối với tai, vì vậy, phụ huynh cần đặc biệt quan tâm và có biện pháp bảo vệ tai cho trẻ.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm tai giữa bao gồm:

– Tuổi: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (từ 6 tháng đến 2 tuổi) có nguy cơ bị nhiễm trùng tai cao nhất. Nguy cơ này vẫn còn cao cho tới khi trẻ được 8 tuổi. 25% trong số đó thường bị tái nhiễm lặp đi lặp lại. Người lớn cũng có thể bị nhiễm trùng tai, nhưng không gặp nhiều như ở trẻ em.

– Tiền sử gia đình: Bệnh có xu hướng xảy ra ở những em bé có bố mẹ, anh chị từng bị viêm tai giữa. 

– Trẻ bị cảm lạnh: Bị cảm lạnh thường xuyên làm tăng khả năng bị nhiễm trùng tai.

 

3. Các triệu chứng của viêm tai giữa ở trẻ em

Triệu chứng phổ biến nhất ở trẻ bị nhiễm trùng tai bao gồm:

– Đau tai: Đây là triệu chứng dễ thấy nhất. Ở trẻ lớn, trẻ có thể cho ba mẹ biết mình bị đau tai. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ chưa biết nói, chúng thường thể hiện dấu hiệu đau tai bằng cách: cọ xát hoặc ngoáy tai, quấy khóc nhiều hơn bình thường, khó ngủ, cáu kỉnh.

triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ em

Đối với trẻ chưa biết nói, khi bị đau tai, trẻ thường thể hiện bằng cách cọ xát, gãi tai và cáu kỉnh, khó chịu.

– Chán ăn: Điều này có thể dễ nhận thấy nhất ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trong giai đoạn bú mẹ. Áp lực trong tai giữa thay đổi khi trẻ nuốt, gây đau nhiều hơn, do vậy trẻ lười ăn và bú.

– Khó chịu: Trẻ bị đau nên tỏ ra khó chịu, cáu gắt, quấy khóc thường xuyên. 

– Ngủ kém: Cơn đau có thể tồi tệ hơn khi trẻ nằm xuống vì áp lực trong tai tăng lên, do đó trẻ ngủ ít, quấy khóc khi ngủ.

– Sốt cao: Nhiễm trùng tai có thể gây ra sốt cao khoảng 39 đến 40 độ C. Khoảng 50% trẻ em sẽ bị sốt do nhiễm trùng tai.

– Dịch chảy ra từ tai:Chất lỏng màu vàng, nâu hoặc trắng (không phải là ráy tai) có thể chảy ra từ tai trẻ. Điều này có thể liên quan tới màng nhĩ đã bị vỡ.

– Khó nghe: Chất lỏng tích tụ trong tai làm giảm khả năng nghe của trẻ, khiến trẻ khó nghe và phản ứng chậm với âm thanh.

 

4. Các biện pháp chẩn đoán và kiểm tra

4.1. Kiểm tra tai

Bác sĩ thường dùng kính soi tai để kiểm tra. Ở người khỏe mạnh, màng nhĩ sẽ có màu xám hồng và mờ (trong). Đối với trường hợp bị nhiễm trùng tai, màng nhĩ thường bị viêm, sưng hoặc đỏ. 

Bác sĩ cũng có thể dùng ống soi tai bằng khí nén để thổi một lượng nhỏ không khí vào màng nhĩ. Đối với tai khoẻ mạnh, khi đó màng nhĩ sẽ di chuyển qua lại. Ngược lại, nếu bên trong tai có chất lỏng bị tích tụ, màng nhĩ sẽ không di chuyển dễ dàng. Khi đó, có thể nghi ngờ trẻ bị viêm tai giữa.

 

4.2 Đo thính lực

Phương pháp này giúp kiểm tra thính lực để xác định khả năng mất thính lực ở trẻ nếu như bệnh nhân đã bị nhiễm trùng tai kéo dài hoặc dịch trong tai giữa không chảy ra được ngoài.

 

4.3 Nội soi tai mũi họng

Phương pháp này giúp bác sĩ kiểm tra và quan sát cổ họng, mũi, phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp trên. 

 

5. Các phương pháp điều trị viêm tai giữa trẻ em

Điều trị nhiễm trùng tai phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, tính chất của nhiễm trùng (là nhiễm trùng lần đầu, hay bệnh tái phát), viêm tai giữa cấp hay viêm tai giữa có dịch tiết.

Nhìn chung các phương pháp điều trị bao gồm:

– Điều trị triệu chứng: Giảm đau và hạ sốt cho trẻ khi trẻ đang có triệu chứng sốt cao và đau tai.

– Thuốc kháng sinh: Trong trường hợp trẻ bị bệnh lần đầu, bệnh nhẹ, bác sĩ có thể khuyên phụ huynh nên theo dõi trong 3 ngày xem bệnh có tự khỏi không. Trường hợp bệnh không khỏi, hoặc tiến triển nặng hơn, bác sĩ sẽ kê kháng sinh trong trường hợp nguyên nhân đến từ vi khuẩn; Nếu tình trạng nhiễm trùng của trẻ nặng thì sẽ cần dùng kháng sinh ngay.

 

6. Cách phòng ngừa viêm tai giữa trẻ em trong mùa hè

phòng ngừa viêm tai giữa

Luôn lau khô tai cho trẻ sau mỗi lần đi bơi, hoặc đi tắm sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tai.

Mùa hè là thời điểm trẻ dễ mắc viêm tai giữa nhất trong năm. Do vậy, hãy bảo vệ con bằng 7 lời khuyên dưới đây:

– Luôn đảm bảo tai trẻ thật khô ráo sau khi đi bơi. Nếu như nước còn sót lại trong ống tai sau khi bơi sẽ rất dễ bị viêm tai giữa. Phụ huynh có thể cho trẻ dùng bịt tai khi xuống nước để tránh nước vào, và lau tai thật khô khi trẻ lên bờ.

– Tránh sử dụng điều hoà quá nhiều: Bởi thiết bị này làm giảm độ ẩm trong không khí, tạo ra một môi trường nhân tạo và các luồng không khí liên tục ảnh hưởng đến đường hô hấp, trong đó có tai và thính giác. Khi sử dụng điều hoà, phụ huynh nên đặt 1 vài chậu nước nhỏ xung quanh nhà, giúp tăng độ ẩm.

– Duy trì lượng nước của trẻ trong những ngày nóng nhất. Mất nước có thể gây chóng mặt, buồn nôn, ù tai do làm giảm khối lượng máu lưu thông và giảm huyết áp. Do đó, hãy động viên trẻ uống nhiều nước, tốt nhất từ 4 – 6 cốc nước mỗi ngày.

– Giúp trẻ tránh ù tai trên máy bay. Những chuyến du lịch mùa hè bằng máy bay ngày càng phổ biến. Một số trẻ rất nhạy cảm với sự thay đổi của áp suất không khí, có thể gây khó chịu và đau tai. Trong một số trường hợp, trẻ còn có thể bị mất thính giác tạm thời. Cách tốt nhất để chống lại các triệu chứng này là cho trẻ bú sữa, uống chất lỏng thường xuyên, ngậm đồ ngọt hoặc nhai kẹo cao su trong suốt chuyến bay.

– Chỉ bơi ở những nơi có nguồn nước sạch. Nhiễm trùng tai cũng có thể do bơi trong nước không hợp vệ sinh hoặc bẩn như ao hồ, sông. Nước bẩn có thể bị nhiễm vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa, xâm nhập vào ống tai và gây nhiễm trùng, tràn dịch và giảm thính lực. Vì vậy, cha mẹ chỉ nên cho trẻ bơi ở những nơi nước sạch và tuân tủ vệ sinh để ngăn chặn loại vi khuẩn này xâm nhập vào tai của trẻ.

– Tránh lao, lặn sâu: nếu không muốn trẻ bị viêm tai, hỏng vành tai vào mùa hè thì không nên cho trẻ nhảy xuống hồ bơi, nhảy từ trên cao, tránh để tai trẻ bị đầy nước một cách đột ngột. Tương tự như việc lặn ở biến sâu, khi càng lặn sâu, áp lực mà tai chúng ta phải chịu càng lớn. Điều này có thể khắc phục bằng cách cho trẻ dùng nút bịt tai.

– Bảo vệ chúng khỏi tiếng ồn lớn: Tránh cho trẻ tới những nơi có âm thanh quá lớn. Ba mẹ có thể bảo vệ đôi tai của con bằng cách sử dụng các loại nút bịt tai đặc biệt để giảm áp lực lên tai của trẻ trong những trường hợp này.

Hi vọng với bài viết của chúng tôi, bạn đã có những kiến thức bổ ích về bệnh viêm tai giữa trẻ em, cũng như có thêm những lời khuyên thiết thực để ngăn ngừa nhiễm trùng tai ở trẻ em vào mùa hè. Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý, khi thấy con có bất kỳ biểu hiện nào khác thường ở tai, ba mẹ nên cho con tới gặp bác sĩ nha khoa để thăm khám và điều trị sớm. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top