Nguyên nhân bị bệnh mề đay do giun sán

Mày đay hay mề đay là bệnh lý ở da với biểu hiện viêm da, dị ứng ngoài da, thường xuất hiện vào giai đoạn chuyển mùa nhưng cũng có khi không theo mùa. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nhiều trường hợp do những hạn chế về hiểu biết của người bệnh mà bệnh chưa được xác định chính xác nguyên nhân dẫn tới việc điều trị gặp rất khó khăn.

Đây không phải là một bệnh lý có thể gây nguy hại đến tính mạng nhưng lại gây ngứa ngáy, bứt dứt khó chịu khiến bệnh nhân mệt mỏi làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, khả năng lao động và hiệu quả công việc. Chính vì vậy, chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân không những giúp cho việc điều trị có hiệu quả, khỏi bệnh mà còn giúp thay đổi những quan niệm của người bệnh và cộng đồng về bệnh lý này.

Có 2 loại mày đay là mày đay cấp tính và mày đay mạn tính. Nguyên nhân gây bệnh mày đay có thể là: yếu tố di truyền; do thời tiết và các yếu tố ngoài môi trường; do thức ăn, thực phẩm và thuốc; do nọc độc của 1 số loại côn trùng khi bị đốt; do căng thẳng cảm xúc; do nhiễm virus, vi khuẩn; do nhiễm một số loại ký sinh trùng; do cọ sát, tiếp xúc với hóa chất… Trong số các căn nguyên nêu trên, nguyên nhân do ký sinh trùng ít được quan tâm để ý hoặc khó chẩn đoán ở những đơn vị khám da liễu tuyến dưới do thiếu trang thiết bị nhưng khi được chẩn đoán đúng lại có thể điều trị khỏi hoàn toàn.

Những ký sinh trùng nào có thể gây bệnh mày đay?

Nhiều loại ký sinh trùng có thể gây mày đay như giun sán, nấm, côn trùng, một số loại đơn bào nhưng hiện nay mày đay do ký sinh trùng chủ yếu là các loại giun sán lạc chủ, đặc biệt là một số loạigiun sán lạc chủ như giun đũa chó, mèo…

 

Tại sao người lại nhiễm giun sán lạc chủ?

Bình thường, 1 số loại giun sán có vật chủ chính là một số loại động vật, không ký sinh ở người. Tuy nhiên, trong quá trình sinh hoạt các loại giun sán này có thể nhiễm vào cơ thể người qua đường ăn uống hoặc chui qua da vào cơ thể.

 

Những thói quen nào làm tăng nguy cơ nhiễm giun sán lạc chủ?

Những người trong gia đình có nuôi gia súc, gia cầm dễ có nguy cơ nhiễm giun sán lạc chủ hơn. Các gia súc, gia cầm nhiễm giun sán, chúng thải trứng hoặc ấu trùng giun sán ra ngoài môi trường quanh nơi sinh hoạt. Trứng hoặc ấu trùng giun sán có thể nhiễm vào nguồn nước, nguồn thực phẩm (rau, quả trồng) và nhiễm vào cơ thể người trong quá trình sinh hoạt. Tuy nhiên, bệnh có thể gặp ở những người không liên quan tới nuôi gia súc, gia cầm do trong quá trình sinh hoạt đã ăn, uống phải trứng (ăn rau sống ở hàng quán hay mua ở chợ…), hoặc tiếp xúc ấu trùng của các loại giun sán này còn sống.

 

Tại sao giun sán lạc chủ dễ gây ban mày đay?

Đặc điểm quan trọng của giun sán lạc chủ là chúng không hoàn thiện được vòng đời ở cơ thể người. Chính vì vậy, các loại giun sán này không ở nơi ký sinh bình thường (thường là đường tiêu hóa) mà chúng nằm ở các cơ quan, phủ tạng hay tổ chức sâu của cơ thể. Khi nhiễm giun sán lạc chủ, cơ thể chúng ta có những tác động lên cơ thể giun sán chống lại chúng, quá trình này làm sản sinh ra các yếu tố viêm gây ra ban mày đay ở ngoài da. 

 

Tại sao nhiễm giun sán lạc chủ khó chẩn đoán?

Nhiễm các loại giun sán thông thường như giun đũa, giun tóc, giun móc, sán lá gan bé… thì chỉ cần xét nghiệm phân là có thể chẩn đoán. Tuy nhiên, đối với giun sán lạc chủ, do không ở đường tiêu hóa mà nằm sâu trong cơ thể nên không thể xét nghiệm phân để chẩn đoán và chúng cũng không có trong máu để có thể lấy máu chẩn đoán. Việc xác định vị trí của giun sán lạc chủ trong cơ thể người bằng các kỹ thuật X-Quang, CT hay siêu âm cũng rất khó khăn vì chúng quá nhỏ bé để có thể nhìn thấy.

 

Chẩn đoán giun sán lạc chủ bằng cách nào?

Khi nhiễm giun sán lạc chủ, cơ thể con người đã sinh ra các kháng thể để chống lại các loại giun sán này. Khoa học hiện đại đã chế tạo ra các công cụ chẩn đoán miễn dịch giúp xác định trong máu người có các kháng thể kháng giun sán này, nhờ đó gián tiếp phát hiện được nhiệm giun sán lạc chủ. Phương pháp này gọi là xét nghiệm miễn dịch (ELISA hoặc các kỹ thuật miễn dịch khác).

 

Ở đâu xét nghiệm nhiễm giun sán lạc chủ?

Hiện nay, khoa da liễu các bệnh viện tuyến trung ương, trung tâm da liễu một số tỉnh/thành hoặc các bệnh viện da liễu đều có các xét nghiệm miễn dịch giúp chẩn đoán nhiễm giun sán lạc chủ. 

 

Điều trị ban mày đay do giun sán lạc chủ thể nào?

Việc điều trị ban mày đay do giun sán lạc chủ cần theo chỉ định và hướng dẫn của các bác sĩ. Thuốc diệt ấu trùng giun sán lạc chủ trong cơ thể và thuốc chống dị ứng thường được kết hợp trong điều trị. Do cơ thể của ấu trùng giun sán lạc chủ tồn tại rất lâu dài trong cơ thể dù đã bị tiêu diệt nên sự xuất hiện ban mày đay có thể còn kéo dài sau điều trị. Bệnh nhân cần biết điều này để không nóng vội đi tìm điều trị ở nơi khác hoặc điều trị với 1 nguyên nhân khác, thuốc khác.

 

Lời kết

Các thông tin trên chỉ có tính chất tham khảo cho người bệnh. Bệnh nhân không nên tự điều trị bệnh dựa trên các hiểu biết ở trên mà nên đến cơ sở y tế để được tư vấn chẩn đoán đúng bệnh và điều trị đúng thuốc, đúng cách.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top